1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Quảng Nam: Không để "sốt" giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn

Công Bính

(Dân trí) - Ngày 2/4, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - cho hay, ông vừa ký văn bản gửi các sở, ngành liên quan nhằm tăng cường quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, văn bản vừa được ban hành của UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu tăng cường quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn. Văn bản này xuất hiện sau khi Bộ Xây dựng có Công văn 989 ngày 25/3/2021 đề nghị tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản tại các địa phương.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam giao các Sở Xây dựng, TN-MT, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Sở, ngành, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và địa bàn quản lý tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Quảng Nam: Không để sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn - 1

Một dự án phân lô bán nền ở huyện Đại Lộc vừa "bung hàng" hồi tháng 3/2021.

Trong đó, tỉnh Quảng Nam giao các Sở, ngành cần tập trung tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tổ chức, cá nhân liên quan; đồng thời, tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản.

Các đơn vị cũng cần theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn tỉnh.

"Công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính,… tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp", ông Hồ Quang Bửu thông tin.

Ngoài ra, các ngành cần thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại địa phương. Có biện pháp quản lý, kiểm soát hữu hiệu hoạt động môi giới của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản tại địa phương.

Công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra cần được tăng cường. Bên cạnh đó, các đơn vị có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông… gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống của người dân. Đồng thời, các đơn vị xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý,… vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật liên quan (nếu có).

Tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo kết quả thực hiện dự án, tiến độ đầu tư xây dựng, các tồn tại, vướng mắc… nhất là việc thực hiện các giao dịch, hợp tác đầu tư để rà soát, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý đối với từng dự án cụ thể.

Theo tìm hiểu của Dân trí, từ cuối tháng 2/2021 đến nay, mua bán đất đai ở các địa phương của tỉnh Quảng Nam giáp ranh với TP Đà Nẵng như huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn trở nên sôi động. Rất nhiều dự án được rao bán rầm rộ trên các trang mạng xã hội. Khi liên lạc với các sàn giao dịch của các dự án này, phóng viên nhận được một câu trả lời chắc nịch là "Sổ đỏ trao tay mới lấy tiền".