DNews

Loạt dự án quanh sân bay Long Thành

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Sân bay Long Thành khởi công mở ra cơ hội lớn cho phát triển kinh tế vùng. Nhiều dự án giao thông lớn đã được xây dựng để kết nối tiềm năng các vùng kinh tế. Một số dự án nhà ở cũng "ăn theo".

Loạt dự án quanh sân bay Long Thành

Chiều nay (31/8), gói thầu 5.10 thi công nhà ga hành khách thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) có giá trị khoảng 35.000 tỷ đồng sẽ được khởi công xây dựng. Cùng thời điểm, gói thầu 4.6 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay thuộc dự án này cũng được khởi động.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) cách trung tâm TPHCM khoảng 40km, cách Biên Hòa 30km, cách Vũng Tàu 70km, nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Sân bay được quy hoạch thuộc vị trí 6 xã của huyện Long Thành, Đồng Nai.

Dự kiến khi hoàn thành, đi vào khai thác cuối năm 2025, sân bay Long Thành sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không hiện đại hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.

Hàng loạt tuyến cao tốc kết nối sân bay Long Thành

Giúp sân bay Long Thành đi vào hoạt động thuận tiện, cũng như làm nhiệm vụ kết nối vùng phát triển, nhiều tuyến cao tốc đã được đầu tư hoặc quy hoạch.

Đầu tiên là cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dài khoảng 55km, quy mô 4 làn xe với tổng vốn đầu tư gần 21.000 tỷ đồng. Đoạn đầu cao tốc từ nút giao An Phú đến Long Thành dài gần 24km đi qua quận 2, 9 (TP Thủ Đức, TP HCM), huyện Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai). Đoạn còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây dài trên 31km đi qua huyện Long Thành, Cẩm Mỹ và Thống Nhất (Đồng Nai). Dự án này nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây được quy hoạch với quy mô 10 làn xe. Hiện tại, giai đoạn 1 của dự án với quy mô 4 làn xe đã được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư và đưa vào khai thác năm 2016.

Loạt dự án quanh sân bay Long Thành - 1

Một số tuyến cao tốc quanh sân bay Long Thành. (Thiết kế: Quang Anh).

Cao tốc TPHCM - Trung Lương dài khoảng 40km, quy mô 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, được khởi công năm 2004 và hoàn thành vào năm 2010. Dự án đi qua địa phận TPHCM, Long An và Tiền Giang, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải từ các tỉnh miền Tây đi TPHCM, vùng Đông Nam Bộ...  Hiện tại, cao tốc này đang có đề án mở rộng lên 8 làn ô tô,  2 làn dừng khẩn cấp với tổng vốn dự kiến khoảng 9.700 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2027.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành giúp trung chuyển kết nối giữa các tỉnh miền Tây qua cao tốc TPHCM - Trung Lương vào khu vực Long Thành, giảm tải áp lực cho cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua các tỉnh Long An, TP HCM và Đồng Nai, được khởi công từ năm 2014 nhưng việc thi công không đúng tiến độ do thiếu vốn và vướng mặt bằng. Mới đây, dự án được khởi công trở lại các gói thầu dang dở, tái bố trí vốn, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài khoảng 54km đi qua Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, có tổng mức đầu tư gần 18.000 tỷ đồng. Theo thiết kế, tuyến đường có quy mô 4-6 làn xe (giai đoạn hoàn thiện 6 - 8 làn xe). Dự án được khởi công ngày 18/6, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026. Khi hoàn thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ góp phần giảm tải cho quốc lộ 51, đồng thời rút ngắn thời gian từ Đồng Nai đi Vũng Tàu.

Từ sân bay Long Thành đi Dầu Giây (Đồng Nai), 2 tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và cao tốc Dầu Giây - Liên Khương cũng mang tính kết nối vùng quan trọng. Trong đó, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99km, nối hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Cao tốc này đã được thông tuyến hoàn toàn từ ngày 7/7.

Loạt dự án quanh sân bay Long Thành - 2

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mang tính kết nối vùng (Ảnh: Hải Long).

Còn cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng chiều dài 200km, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Khi hoàn thành, dự án tăng khả năng kết nối,  rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, tạo động lực phát triển cho vùng kinh tế Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, trao đổi kinh tế với các thành phố lớn như Nha Trang, Đà Lạt, vùng TPHCM.

Ngoài một số hệ thống cao tốc chính, khu vực sân bay Long Thành còn được đầu tư mở rộng một loạt các cung đường khác.

Ngày 14/7 vừa qua, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tổ chức khởi công xây dựng công trình hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và tuyến số 2 của Dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn 1.

Tuyến chính số 1 dài 4,3km với vận tốc thiết kế đạt 80km/giờ theo tiêu chuẩn đường chính đô thị được triển khai từ ranh phía Tây của sân bay Long Thành đến quốc lộ 51. Tuyến đường này lưu thông, vận chuyển máy móc, trang thiết bị chính phục vụ công tác thi công xây dựng các hạng mục sau này của dự án.

Tuyến chính số 2 dài 3,5km với tiêu chuẩn đường cao tốc cùng vận tốc thiết kế đạt 100km/giờ nằm trên tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn giữa cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Ngoài ra, trong quy hoạch điều chỉnh giao thông của tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, 4 tuyến đường ĐT.770B, ĐT.773B, ĐT.789B, ĐT.763B được đề xuất mở mới, mở rộng và nâng cấp, đều lấy sân bay Long Thành làm trung tâm. Các đường này sẽ có lộ giới 45-60m, tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Những dự án nhà ở quanh sân bay

Sân bay Long Thành với quy mô, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á cũng thu hút hàng loạt các dự án bất động sản. Một số dự án có thể kể đến như Khu đô thị Gem Sky World của Tập đoàn Đất Xanh, dự án D2D Lộc An của Công ty D2D, Century City của Kim Oanh Group hay Khu đô thị STC Long Thành của STC Golden Land.

Loạt dự án quanh sân bay Long Thành - 3

Một số dự án đô thị lớn quanh sân bay Long Thành (Thiết kế: Khổng Chiêm).

Trong đó, Khu đô thị Gem Sky World có diện tích 92ha, được quy hoạch là khu đô thị thương mại giải trí. Dự án gồm 8 phân khu, bao gồm nhà phố và biệt thự. Theo tiến độ được chủ đầu tư cập nhật, đến tháng 8, dự án đã hoàn thiện hơn 70% tiện ích nội khu và hạ tầng giao thông công cộng.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai có văn bản cho biết thời gian qua, đơn vị này đã tiếp nhiều công dân là những người liên quan việc mua sản phẩm đất nền của dự án Gem Sky World. Sở yêu cầu người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc Công ty công ty Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An (Công ty con của Đất Xanh Group) tổ chức đối thoại trực tiếp, xử lý các yêu cầu của người dân liên quan dự án này. 

Chủ đầu tư cho biết dự kiến tháng 10 năm nay, dự án sẽ được hoàn thiện toàn bộ hạ tầng xã hội để thực hiện nghiệm thu, đủ điều kiện ra sổ cho khách hàng vào quý II/2024.

Loạt dự án quanh sân bay Long Thành - 4

Kim Oanh Group cho biết đã hoàn thiện thi công Century City trên 95% (Ảnh: Kim Oanh Group).

Còn dự án Century City tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành, do Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh (Kim Oanh Group) phát triển có diện tích gần 50ha với hơn 2.100 sản phẩm gồm shophouse, nhà liên kế vườn, nhà phố liên kế, biệt thự, căn hộ. Theo chủ đầu tư, dự án đã hoàn thiện thi công trên 95% và đang tiến hành ra sổ.

Một dự án khác là Khu dân cư D2D Lộc An có diện tích hơn 41ha, tọa lạc trên tuyến đường 769 - tuyến đường duy nhất nối QL51 vào sân bay quốc tế Long Thành. Dự án này có gần 800 lô đất, trong đó có 270 lô tái định cư và 521 lô bán kinh doanh.

Còn Khu đô thị STC Long Thành do Công ty cổ phần bất động sản STC Golden Land làm chủ đầu tư nằm trên mặt tiền đường tỉnh 769 và ngay cạnh khu tái định cư sân bay Long Thành (khu dân cư Lộc An - Bình Sơn). Dự án có diện tích hơn 23ha, gồm nhà liên kế và biệt thự.