Bạn đọc viết:

Ý thức "đút lót" của người dân nên "tự dỡ bỏ"

(Dân trí) - Cần cải cách thủ tục hơn nữa về làm sổ đỏ. Có nhiều trường hợp lãng phí thời gian của dân. Việc thì rất cần nhưng cán bộ vẫn "hành là chính" nên mới sinh ra "món đút" làm hư các "công bộc", "kiểu như nuôi Hổ làm xiếc, cứ cho ăn mới diễn".

Ý thức "đút lót" của người dân nên "tự dỡ bỏ" - 1
Theo Nghị quyết số 07 năm 2007 của Quốc hội, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) trên toàn quốc sẽ phải hoàn tất trong năm 2010... (Ảnh: Internet)

Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm "khoán chỉ tiêu" làm sổ đỏ và xác nhận tình trạng chỗ ở đối với cán bộ địa chính của các cấp. Lý do là như thế sẽ đảm bảo việc cán bộ địa chính các cấp "nhiệt tình" giúp nhà nước quản lý được đất đai trên địa bàn quản lý của cấp hành chính đó. Tránh được tình trạng "đất kẹt", đất ruộng mà vẫn "được" xây nhà. Tránh được tình trạng "ì ra không cấp sổ" để trục lợi của một số cấp có thẩm quyền trong việc "làm luật" cấp phép xây dựng. Giúp được người dân bớt khổ khi đi làm sổ đỏ. Đánh giá chỉ tiêu này vào tiêu chí thi đua của cán bộ làm công việc này.

Ngược lại với vấn đề đặt ra, tôi cũng rất hiểu và thông cảm với những cán bộ làm công việc này, khi đối mặt với những người dân không hiểu hoặc cố tình không hiểu các quy định trong việc cấp sổ. Ý thức "đút lót" của người dân nên "tự dỡ bỏ" vì như vậy sẽ "làm hư hỏng công bộc" của chúng ta, chúng ta, người dân là "ông chủ" cơ mà !!!

Về góc độ quản lý, Nhà nước cần có chế độ đặc thù trong công việc "làm sổ đỏ" này bằng cách trích lại một phần kinh phí thu được phục vụ cho môi trường công tác, và cho chính cán bộ làm công việc này ngoài số lương Nhà nước phải trả theo quy định. Làm vậy là để tạo "động lực" cho "việc khoán" này có hiệu quả và nhiệt tình hơn và sẽ hạn chế được tình trạng phải làm việc khoán mà không được gì, sẽ kém hiệu quả. Quản lý nhà nước là phải kết hợp cả lý và tình, mà vẫn chính đáng. Tôi nghĩ việc làm như vậy sẽ hiệu quả rất nhiều và người dân hoàn toàn ủng hộ.

Tôi lấy ví dụ một bài toán đơn giản mà ai nghe cũng có thể chấp nhận được như sau: Tôi đi làm sổ đỏ, tôi đã bị cán bộ "hành" và nhận 15 triệu đồng/sổ "tiền công" khai hồ sơ và thủ tục nhanh ngoài những "lệ" và "phí" nhà nước thu. Giờ Nhà nước làm theo cách tôi vừa góp ý nêu trên, thì quy định sẽ thu tăng thêm mỗi sổ 100.000 hoặc 200.000đ và tôi yên tâm không bị "hành", sổ được cấp đúng hạn.

Tôi không phải "đút" thêm và như vậy tôi sẽ chấp nhận ngay. Tôi cũng thấy rất thoải mái vì nghĩ rằng ngoài trách nhiệm Nhà nước giao cho "ông ta, bà ta" thì ông ý, bà ý đã có giúp và hướng dẫn tôi tận tình để có hồ sơ "ngon" và nhanh. Như vậy, chuyện tự nguyện "biếu thêm" 100.000đ đến 200.000đ theo "quy định" là ổn (giống như kiểu niêm yết giá công khai của nhà sản xuất trên sản phẩm hàng hóa thôi). Người làm việc "khoán" ra cũng còn "được tý" là nhiệt tình ngay.

Cũng về góc độ quản lý nhà nước, Nhà nước nên cải cách thủ tục hành chính hơn nữa về thời gian, thời hạn làm sổ. Có những trường hợp lãng phí thời gian của dân quá, việc thì đang rất cần nhưng cán bộ vẫn "hành là chính" nên mới sinh ra "món đút" làm hư "công bộc" của mình, "kiểu như nuôi Hổ làm xiếc, cứ cho ăn mới diễn". Nếu Nhà nước không "nghĩ cách", không nghe dân góp ý về cách quản lý  thì xã hội này vẫn cứ mãi vậy.

Ta phải nhìn nhận khách quan, nền văn minh, phong cách làm việc của ta còn chậm hơn các nước phát triển hàng trăm năm. Nên nếu ta có tốc độ và tiến độ cải cách hành chính đúng tiến độ như họ, thì  họ phải dừng phát triển ta mới đuổi kịp. Còn nếu ta cứ nghĩ theo lề lối cũ mà không dám mạnh dạn cải cách, thì mãi ta vẫn là "chậm tiến" trong thế giới văn minh này. Tôi nói, có những điều sẽ đụng chạm tới một số cán bộ làm công việc này. Nhưng để vì một cộng đồng văn minh, tôi đề nghị các cán bộ làm trong lĩnh vực này hãy linh hoạt trong công tác quản lý, nhất là quản lý con người.

 Ban đọc có mail:  hungant34@gmail.com