Ý kiến của luật sư về vụ “Đại gia” bị tố bạo hành vợ cũ

(Dân trí) - Trong thời gian qua, dư luận đang hết sức quan tâm đến vụ việc bà Hoàng Thị Minh Thảo (trú tại 333 phố Kim Mã, Hà Nội) có đơn gửi cơ quan Công an và báo chí “tố” bị người chồng cũ bạo hành trong suốt nhiều năm.

Ý kiến của luật sư về vụ “Đại gia” bị tố bạo hành vợ cũ  - 1
Chị Thảo bức xúc cho biết bị chồng cũ đánh còn đỏ tấy trên cổ
 
Xung quanh vấn đề bạo hành gia đình, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Phan Thị Lam Hồng (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý xung quanh vấn đề này.

Thưa luật sư, xin luật sư cho biết thế nào là bạo lực gia đình?

Bạo lực gia đình là một vấn nạn hiện nay bị xã hội hết sức lên án. Các hành vi Bạo lực gia đình được định nghĩa, mô tả tại Điều 1 và Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 như sau:

1. Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

2. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Theo phản ánh của báo chí và đơn tố cáo của bà Hoàng Thị Minh Thảo, người chồng cũ đã ly hôn với bà Thảo từ năm 2004, vậy những hành vi sau đây của ông này sau ly hôn, như: bật nhạc hết cỡ, để loa thùng ngay đầu giường ngủ của mẹ con bà Thảo; đập phá, vứt đồ đạc cá nhân của bà Thảo và con gái ra ngoài, đánh đập bà Thảo và con gái nhiều lần… có được coi là bạo lực gia đình nữa hay không?

Theo quy định tại khoản 2 điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình thì hành vi bạo lực cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.

Người chồng cũ và bà Thảo tuy đã chấm dứt quan hệ hôn nhân nhưng vẫn cùng chung sống tại căn nhà thuộc sở hữu chung của hai người tại 333 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội và các hành vi bạo hành cũng diễn ra tại đây. Do vậy, hành vi của người chồng cũ đối với bà Thảo (nếu có) vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật phòng chống bạo lực gia đình.

Xin luật sư cho biết pháp luật quy định như thế nào về việc xử lý vấn nạn bạo hành gia đình?

Điều 42 Luật phòng chống bạo lực gia đình quy định:người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo thông tin bà Thảo cung cấp cho cơ quan Công an và báo chí, người chồng cũ đã nhiều lần đánh đập bà Thảo, có lần phải đi bệnh viện cấp cứu, khiến khuôn mặt bà bị sưng phù, biến dạng và cho đến nay trên mặt bà Thảo vẫn còn vết sẹo dưới vùng mắt trái. Và gần đây nhất là sáng ngày 12/01/2012 ông này cùng rất nhiều người lạ mặt lại tiếp tục tới chửi bới, đập phá và ném đồ đạc của mẹ con bà Thảo ra ngoài, khi bà Thảo ngăn cản thì bị ông này đấm nhiều nhát vào cổ họng, dùng giày đinh đá nhiều nhát vào chân và cơ thể, những vết thâm tím vẫn còn nguyên dấu giày… Hành vi trên của ông này có thể bị truy cứu tôi cố ý gây thương tích theo điểm b, c khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự, cụ thể như sau:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Như vậy nếu tỷ lệ thương tật  dưới 11% mà thỏa mãn một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 điều 104 vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xin cảm ơn luật sư!

Vũ Văn Tiến (thực hiện)