Bạn đọc viết:

Ý chí quật cường, khát vọng vươn lên của người Nhật

(Dân trí) -Thảm họa siêu động đất, kéo theo cơn sóng thần và sự phun trào của núi lửa, rò rỉ điện hạt nhân mấy ngày qua… thiết nghĩ chỉ là một sự cố chạm vào "lòng tự ái" chứ không hề làm nản lòng ý chí quật cường, khát vọng vươn lên của người Nhật.

Ý chí quật cường, khát vọng vươn lên của người Nhật - 1
Thiệt hại do thảm họa động đất và sóng thần là vô cùng lớn.

Cách đây không lâu, tôi có gặp các bạn Nhật trong chuyến nghiên cứu & khảo sát về vấn đề bản quyền tác giả tại Tokyo. Điều mà tôi nể phục nhất là ý chí trách nhiệm, tính trân trọng và sự cẩn thận của họ.

Trong một lần trao đổi với họ về công việc, một kỹ sư trẻ nói rằng sản phẩm có chất lượng 99% là không đạt yêu cầu vì chỉ đơn giản là họ chưa hoàn thành trách nhiệm với 1% còn lại! Nhìn người Nhật làm việc cũng đủ biết họ không hề phân biệt nghề sang hay hèn, phân biệt lính và sếp. Với họ nghề gì cũng được trân trọng, miễn là phải hoàn thành đúng trách nhiệm, họ thực sự xấu hổ khi có lỗi không hoàn thành nhiệm vụ.

Trong hội thảo, khi người quản lý giải trình chưa đầy đủ thì nhân viên cấp dưới có quyền tranh cãi với cấp trên trước đám đông, tranh cãi đến khi rõ vấn đề thì cả hai đều cười vui vẻ… Ta cũng dễ nhận thấy câu trả lời cho câu hỏi tại sao các quan chức Nhật thường hay từ chức ngay sau khi họ bị coi là người không xứng đáng…

Khi sơ ý một điều gì đó, họ thể hiện lời xin lỗi một cách trịnh trọng. Ví dụ như một lần tại sân bay Narita, có một bà cụ cặm cụi với vali hành lý. Vô tình vấp vào chân tôi bà vội đứng dậy, thể hiện lời xin lỗi bằng cách duỗi thẳng hai tay, cúi gập người xuống hai lần.
 
Hoặc như trước khi chào tạm biệt một quan chức Bộ Văn hóa Nhật Bản, tôi đưa hai tay ra bắt tay anh. Lúc đó anh đang hút thuốc, bất ngờ anh phải bắt tay tôi bằng một tay. Tôi nói lời tạm biệt và ra đến cầu thang máy, anh vội đi dập điếu thuốc lá và chạy lại nói rằng xin lỗi cho được bắt tay lại...vì vừa rồi bận hút thuốc nên chỉ bắt được một tay!

Người Nhật không những áp dụng các công cụ máy móc để cân đo đong đếm, mà họ còn áp dụng một công cụ khá phức tạp đó là “lòng tin”. Trong lúc trao đổi vấn đề chi trả tiền nhuận bút hay khoản phân chia ủy thác số lần sử dụng tác quyền cho các tác giả, chủ sở hữu, tôi hỏi họ dựa vào cơ sở nào để xác thực số lần đã sử dụng và được nghe câu trả lời rằng người Nhật dựa vào “lòng tin”.

Vậy người Nhật không hoàn toàn máy móc trong cách làm, tuy về luật họ có đầy đủ thậm chí tách riêng cả luật bản quyền tác giả, chứ không hề gộp chung trong một luật sở hữu trí tuệ như ở ta. Khi có tranh chấp họ cố dàn xếp hòa giải, nên nghề luật sư cũng chẳng thịnh ở đất nước mặt trời mọc này.

Ý chí trách nhiệm, tính trân trọng và sự cần mẫn không chỉ thể hiện ở trong mỗi con người Nhật, mà họ đã cho chúng ta thấy những cách làm, từng sản phẩm, mỗi công trình đã vun vút dựng lên sau thảm bại thế chiến thứ II... Mặt trời vẫn mọc trên xứ sở hoa anh đào này.

Vậy, thảm họa siêu động đất 8,9 độ richter kéo theo cơn sóng thần cao hơn 10m và sự phun trào của núi lửa, rò rỉ điện hạt nhân mấy ngày qua… thiết nghĩ chỉ là một sự cố chạm vào "lòng tự ái" chứ không thể làm nản lòng ý chí quật cường, khát vọng vươn lên của người Nhật.

Đặng Sa Linh