Xây dựng đội ngũ trí thức nên bắt đầu từ việc nhỏ nhất

Tôi thấy thực sự đồng cảm với nỗi “vui buồn của công chức trẻ” đăng trên Diễn đàn Dân trí. Bạn Trung Kiên, tác giả bài viết ấy đã nói đúng những suy nghĩ mà những công chức trẻ như chúng tôi luôn trăn trở.

Sau khi tốt nghiệp Đại học với một tấm bằng đỏ, tôi nóng lòng được đem những kiến thức mình học để đóng góp cho sự phát triển của đất nước, của nền giáo dục nước nhà. Với nhiệt huyết và kiến thức của mình, tôi được nhân vào làm Trợ giảng ở một trường Đại học lớn khu vực miền Trung.

 

Những ngày tháng đầu tiên làm Trợ giảng thực sự là một thử thách lớn đối với tôi, không phải là những bỡ ngỡ trong nghề nghiệp mà do đồng lương hàng tháng quá ít ỏi không đủ chi tiêu hằng ngày. Với mức lương trợ giảng hơn một triệu đồng (0.85 x 2.34 x 540,000) liệu tôi có thể trang trải cuộc sống được không? Câu trả lời là KHÔNG.

 

Hàng tháng tôi phải xin thêm "viện trợ" của gia đình, và thực sự tôi không muốn làm điều đó tí nào cả, cha mẹ đã tốn bao công sức nuôi tôi cho đến lúc trở thành cán bộ của trường đại học mà không giúp được gì cho gia đình thì chớ lại con phải ngửa tay xin tiền bố mẹ hằng tháng thì vô lý quá, tôi thật tự ngượng với lòng mình vì thấy chưa làm tròn trách nhiệm của người con. Nhưng biết làm sao, chỉ biết phấn đấu hết sức mình và trông chờ ở tương lai.  

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Những Trợ giảng khác cũng gặp khó khăn tương tự khi họ phải dùng 1 triệu đồng ít ỏi để chi cho các khoản: nhà ở, ăn uống, đi lại, điện thoại... Cũng may là ở miền Trung chi phí sinh hoạt không cao như hai đầu đất nước! Cũng cần nói thêm rằng, để có thể trở thành Giảng viên, chúng tôi phải là những người xuất sắc trong khóa học. Và với học lực như vậy, chúng tôi có thể kiếm một công việc ở một công ty tư nhân, hoặc làm cho nước ngoài với mức lương cao hơn nhiều. Nhưng được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của trường đại học là một vinh dự lớn, chúng tôi còn nghĩ tới công lao đào tạo của nhà trường và trách nhiệm truyền lại kiến thức cho các thế hệ đàn em, vì thế đã sẵn lòng ở lại nhận công tác tại trường.

 

Hơn một năm sau, chúng tôi trở thành Giảng viên với mức lương 2.34 X 540,000/tháng. Chúng tôi rất tự hào bởi sau bao nhiêu nổ lực và cố gắng, chúng tôi đã trở thành những Giảng viên chính thức, chúng tôi có thể thực hiện được hoài bảo của mình là đem hết trí tuệ và tâm huyết đóng góp vào công việc hết sức có ý nghĩa là góp phần vào công việc đào tạo các bạn sinh viên - những trí thức tương lai của đất nước. Tuy nhiên, nổi lo cuộc sống hàng ngày vẫn canh cánh đeo bám những giảng viên trẻ tuổi chúng tôi làm ít nhiều ảnh hưởng đến sự phấn đấu của mỗi người.

 

Tôi may mắn hơn một số Giảng viên trẻ khác là không phải chịu cơn "bão giá" đang hoành hành ở Việt Nam, bởi tôi đang học Cao học ở nước ngoài. Tôi tự hỏi không biết các bạn của tôi phải xoay sở như thế nào? Ở đất nước tôi đang theo hoc Cao hoc, mức lương trung bình của Giảng viên, Giáo sư Đại học vào khoảng 5.000-10.000 USD. Mức lương này cao hơn khoảng 3-4 lần mức thu nhập trung bình của người dân nước họ. Tuy nhiên, ở Việt Nam với mức lương hơn một triệu đồng cho các Giảng viên trẻ, nó còn thấp hơn so với thu nhập bình quân đầu người hiện nay ở nước ta (khoảng 900USD/năm).

 

Chúng tôi luôn được sự động viên của các thầy, các Giảng viên lâu năm. Chính sự động viên đó cùng với nhiệt huyết được cống hiến cho sự nghiệp đào tạo đội ngũ trí trí thức tương lai của đất nước đã giúp cho chúng tôi tiếp tục khắc phục khó khăn và phấn đấu tiến lên theo tấm gương của các thầy cô đi trước. Tuy nhiên, các cấp lãnh đạo cũng cần thấy được sự bất hợp lý cần sớm khắc phục để chúng tôi được hưởng mức lương xứng đáng với trí tuệ và công sức bỏ ra.

 

Ai cũng biết rằng đất nước ta còn gặp nhiều khó khăn, không thể tăng lương đồng loạt cho cán bộ công chức được, nhưng thiết nghĩ, chúng ta phải có chế độ tiền lương làm sao để công chức có thể trang trải đủ những nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Chúng ta không thể tăng lương đồng loạt, nhưng có thể tăng lương trước cho  một số ngành quan trọng như Y tế, Giáo dục... Được biết Đảng ta vừa ra Nghị quyết về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hịện đại hóa, chúng tôi hy vọng Nghị quyết đó sẽ nhanh chóng vào cuộc sống, mang lại những thay đổi tích cực trong đời sống trí thức.

 

Mong rằng những thay đổi trong chính sách đối với trí thức sẽ giúp cho chúng tôi phát huy được đủ trí tuệ và tâm huyết đối với sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời kỳ mới.

 

Phung Quoc Tri
<quoctrixd@gmail.com>

Room 14208, Concrete Lab, MyongJi University, Korea

 

 

LTS Dân trí - Hầu hết những trí thức trẻ tuổi của chúng ta khi mới tốt nghiệp đại học đều có mong ước được đem hết sức lực và tâm huyết đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Những người may mắn tìm được việc trong các cơ quan nhà nước lúc đầu đều rất mừng và phấn khởi, hy vọng rằng sẽ thực hiện được hoài bão và mong ước của mình. Nhưng không được bao lâu họ đều nhận ra rằng làm việc cho nhà nước thì đồng lương không đủ sống, điều kiện và môi trường làm việc ở không ít cơ quan chưa tạo thuận lợi cho tuổi trẻ phấn đấu, việc đánh giá cán bộ, công chức không dựa trên những tiêu chí khoa học, khách quan mà nặng về cảm tình cá nhân và bè cánh. Điều đó làm cho không ít những cán bộ trẻ tuổi có năng lực và tâm huyết nản lòng.

 

Vì vậy, muốn xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới theo tinh thần chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 7 vừa mới họp, chúng ta nên bắt đầu từ những công việc nhỏ và thiết thực nhất đối với những người trí thức trẻ. Ông cha ta có câu nói hết sức duy vật và biện chứng: “Có thực mới vực được đạo”. Không thể để công chức nói chung và trí thức trẻ nói riêng sống bằng đồng lương không đủ sống. Không thể để cho họ làm việc trong môi trường thiếu kỷ cương, nền nếp; đánh giá cán bộ không công bằng, không dựa trên những chuẩn mực khách quan và khoa học.

 

Chúng tôi nghĩ rằng đưa Nghị quyết TƯ 7 vào cuộc sống chính là bắt đầu từ những công việc thiết thực như vậy.