Bài 4:

Vụ chống lệnh TAND Cấp cao tại Bắc Giang: Sự thật từ điểm nóng!

(Dân trí) - Sau buổi cưỡng chế thi hành án, nhiều đối tượng lạ mặt cầm gậy gộc đã ngang nhiên chiếm giữ hoàn toàn khuôn viên công ty Hải Hà, đuổi hàng chục cán bộ công nhân ra khỏi cổng nhà máy trong khi nhiều tài sản và cả hơn chục ha diện tích mặt bằng nhà máy đều đang là tài sản của Công ty Hải Hà. Bất ngờ, có người tự xưng là trưởng công an xã Lão Hộ trong nhóm người chiếm giữ. Lãnh đạo Công an huyện Yên Dũng xác nhận sự việc.

Công an huyện Yên Dũng yêu cầu công nhân, cán bộ, lãnh đạo nhà máy Hải Hà ra ngoài nhà máy.

Lật tẩy sự “lập lờ đánh lận con đen” của Chi cục Thi hành án huyện Yên Dũng

Trong vụ cưỡng chế thi hành án bất thường này, tại buổi cưỡng chế ngày 3/3/2016, với sự hỗ trợ của hàng chục công an, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Dũng đã trục xuất toàn bộ cán bộ, lao động, tài sản, đồ đạc, tài liệu… của công ty Hải Hà ra đường. Ngay lập tức, biển hiệu của công ty Hải Hà đã bị giật phá để treo lên cổng nhà máy biển hiệu mang tên công ty Bắc Hải Hưng.


Văn bản lập lờ đánh lận con đen của Chi cục Thi hành án huyện Yên Dũng.

Văn bản "lập lờ đánh lận con đen" của Chi cục Thi hành án huyện Yên Dũng.

Trong khi đó, toàn bộ hơn chục ha diện tích mặt bằng nhà máy đều do công ty Hải Hà lập, triển khai dự án, đền bù, san lấp mặt bằng, được cấp sổ đỏ với thời hạn sử dụng 49 năm. Số tiền mà công ty này bỏ ra để biến một vùng đồng ruộng lầy lội, thùng vũng thành mặt bằng nhà máy lên đến gần 30 tỷ đồng. Và cho đến thời điểm hiện tại, toàn bộ diện tích nhà máy, đường giao thông, cổng nhà máy, nhà bảo vệ cũng như hàng loạt tài sản khác vẫn đang thuộc quyền sỡ hữu của công ty Hải Hà. Điều này có nghĩa hàng chục công nhân cùng cán bộ, lãnh đạo Công ty Hải Hà đã bị hệ thống nhiều cơ quan chức năng huyện Yên Dũng dùng lực lượng “đuổi” ra khỏi chính mảnh đất hợp pháp của mình một cách trắng trợn để tước phần tài sản này giao cho một công ty khác ngang nhiên chiếm giữ.

Để xác thực sự thật này, chiều 14/3, PV Dân trí đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Thuý Khơi - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Yên Dũng tại trụ sở.

Trước câu hỏi chất vấn của phóng viên về danh mục tài sản kê biên, bà Khơi đã buộc phải thừa nhận Chi cục Thi hành án huyện Yên Dũng không hề kê biên quyền sử dụng hơn 10ha đất của Công ty Hải Hà. Đây vẫn đang là tài sản hợp pháp của Công ty Hải Hà. Đồng thời, bà Khơi cũng lập tức chối phắt việc yêu cầu Công ty Hải Hà di dời toàn bộ tài sản không bị kê biên ra khỏi khu đất của công ty để giao cho Công ty Bắc Hải Hưng tiếp quản.

Tuy nhiên, theo tài liệu điều tra PV Dân trí thu thập được, một sự thật khác đã hé lộ. Để “lập lờ đánh lận con đen” về quyền sử dụng hơn 10 ha đất của Công ty Hải Hà, tại Thông báo về việc tự nguyện chuyển dịch tài sản và giao tài sản cho người trúng đấu giá số 44/TB-CCTHA của Chi cục Thi hành án huyện Yên Dũng do chấp hành viên Nguyễn Thành Long ký ngày 23/2/2016 (ngay trước khi tổ chức cưỡng chế thi hành án) có ghi rõ: “Căn cứ quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất, tài sản trên đất số 06/QĐ-CCTHA ngày 27/5/2014 và quyết định sửa đổi bổ sung quyết định về thi hành án số 01/QĐ-CCTHA ngày 2/6/2014 của chấp hành viên chi cục thi hành án huyện Yên Dũng…” với công ty Hải Hà.


Hàng chục công nhân, cán bộ, lãnh đạo Công ty Hải Hà bị đuổi ra khỏi nhà máy.

Hàng chục công nhân, cán bộ, lãnh đạo Công ty Hải Hà bị đuổi ra khỏi nhà máy.


Trưởng Công an xã Lão Hộ (áo đỏ) đứng trong khuôn nhà máy ngăn cấm những ai có ý định vào nhà máy.

Trưởng Công an xã Lão Hộ (áo đỏ) đứng trong khuôn nhà máy ngăn cấm những ai có ý định vào nhà máy.


Ông Vũ Văn Sơn - Phó trưởng Công an huyện Yên Dũng huy động hàng chục công an đến yêu cầu những ai không phải người của công ty Bắc Hải Hưng ra khỏi nhà máy của Công ty Hải Hà.

Ông Vũ Văn Sơn - Phó trưởng Công an huyện Yên Dũng huy động hàng chục công an đến yêu cầu những ai không phải người của công ty Bắc Hải Hưng ra khỏi nhà máy của Công ty Hải Hà.

Đồng thời, cũng tại văn bản này, Chi cục Thi hành án huyện Yên Dũng đã yêu cầu: “Thông báo cho Công ty CP Hải Hà tự nguyện chuyển toàn bộ tài sản không có trong danh mục kê biên ra khỏi Công ty CP Hải Hà” giao tài sản cho Công ty CP vật liệu xây dựng Bắc Hải Hưng tại thôn Bắc Đẩu, xã Hưng Đạo, TX Chí Linh (Hải Dương).

Và cũng từ sự lập lờ này, nhiều người dân nhầm tưởng rằng cả công ty Hải Hà đã bị cưỡng chế kê biên thi hành án. Và lập tức, một hệ luỵ đau lòng đã diễn ra khi hàng chục đối tượng lạ mặt, bặm trợn có biểu hiện côn đồ đã được huy động chiếm giữ toàn bộ nhà máy đuổi hết công nhân của Công ty Hải Hà ra đường. Nguy hiểm hơn, trong số những người tham gia chiếm giữ nhà máy bất hợp pháp này có cả người tự xưng là trưởng công an xã Lão Hộ.

Công an huyện Yên Dũng nói gì về hành vi chiếm tài sản?

Trong vụ cưỡng chế thi hành án bất thường này, sự có mặt của lực lượng công an với biểu hiện bất thường khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.

Sáng ngày 9/3/2016, tại hiện trường nhà máy gạch Hải Hà, theo ghi nhận của PV Dân trí, có rất đông lực lượng công an, đối tượng lạ mặt cầm gậy gộc đang chiếm giữ, canh gác phía trong khuôn viên nhà máy. Khi được yêu cầu mở cổng thì những người này kiên quyết không mở cửa. Một lúc sau, một người mặc thường phục tự xưng là Tiến - Trưởng công an xã đi ra hùng hổ tuyên bố có nhiệm vụ “bảo vệ” tại đây đồng thời ra lệnh cho các công an viên không cho phép ai vào nhà máy.

Vụ chống lệnh TAND Cấp cao tại Bắc Giang: Sự thật từ điểm nóng! - 5

Những đối tượng có biểu hiện bặm trợn đang bao vây chiếm giữ nhà máy gạch Hải Hà.

Những đối tượng có biểu hiện bặm trợn đang bao vây chiếm giữ nhà máy gạch Hải Hà.

Trong khi đó, toàn bộ quyền sử dụng hơn 10 ha đất, cổng nhà máy, phòng bảo vệ sát cổng được công ty Hải Hà xây dựng vào cuối tháng 1/2016 hoàn toàn không có trong quyết định, biên bản kê biên tài sản cưỡng chế. Do đó, cán bộ, công nhân nhà máy gạch Hải Hà đã phải phá khóa, mở cổng để vào bên trong nhà máy của mình.

Ngay lập tức, Công an huyện Yên Dũng đã điều hàng chục cảnh sát đến yêu cầu các nhà báo, luật sư, người của công ty Hải Hà ra ngoài đường mà không hề lắng nghe, ghi nhận phản ánh việc đang bị công nhiên chiếm đoạt tài sản từ đại diện công ty Hải Hà.

Ông Vũ Văn Sơn - Phó trưởng Công an huyện Yên Dũng còn tuyên bố lực lượng công an huyện bảo vệ tài sản cho công ty Bắc Hải Hưng, ai chống lệnh sẽ bị xử lý! Ngay sau đó, trong khi bị xô đẩy ra khỏi công ty, ông Nguyễn Văn Thắng - Tổng giám đốc công ty Hải Hà đã bị “đánh nguội”.

Để làm rõ sự việc này, PV Dân trí tiếp tục có buổi làm việc với lãnh đạo Công an huyện Yên Dũng tại trụ sở vào ngày 10/3.

Ông Vũ Văn Sơn - Phó Công an huyện Yên Dũng xác nhận người đàn ông tên Tiến chính là Trưởng Công an xã Lão Hộ.

Khi được hỏi về sự có mặt của lực lượng Công an huyện Yên Dũng và công an xã tại Công ty Hải Hà và hành động yêu cầu tất cả nhưng ai không phải cán bộ công nhân viên Bắc Hải Hưng phải ra khỏi nhà máy của mình, ông Sơn cho rằng nhà máy đã bị cưỡng chế thi hành án thì đương nhiên phải được giao cho chông ty Bắc Hải Hưng (?!).

Về những hành vi bất thường của vị trưởng Công an xã Lão Hộ, ông Sơn cho biết chỉ cử lực lượng công an xã tham gia đảm bảo an ninh trật tự tại hiện trường. Việc công an xã này có tham gia chiếm giữ tài sản bất hợp pháp hay không không phải là chỉ đạo từ Công an huyện. Ai sai người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo đơn tố cáo mới nhất của Công ty Hải Hà gửi đến Công an huyện Yên Dũng và các cơ quan chức năng liên quan, hiện khu đất của nhà máy vẫn đang bị nhiều đối tượng côn đồ ngang nhiên chiếm giữ.

Một sự thách thức pháp luật rất bất thường đang xảy ra nhiều ngày tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang).

Dư luận đặt câu hỏi về sự mập mờ trong biên bản thi hành án của Chi cục Thi hành án huyện Yên Dũng đến sự vào cuộc nhiệt tình bảo vệ tài sản không trong danh mục kê biên quá mức của Công an huyện Yên Dũng và những kẻ côn đồ đang ngang nhiên cướp hơn 10h đất cùng tấm biển Công ty Bắc Hải Hưng tung bay trên khuôn viên hợp pháp của Công ty Hải Hà là một sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Theo ông Nguyễn Văn Thắng - Tổng giám đốc Công ty Hải Hà, đang có âm mưu thâu tóm toàn bộ tài sản, đất đai của công ty. Bởi vì, tài sản trên đất bán đi chỉ được 3-5 tỷ đồng trong khi đơn vị đấu giá mua với giá hơn 20 tỷ đồng. Nếu không “thâu tóm” được đất đai thì số tài sản trên chỉ có giá trị… sắt vụn! Chính vì thế, để ngăn chặn âm mưu “thâu tóm”, các cơ quan chức năng cần kiên quyết yêu cầu công ty cổ phần Bắc Hưng Hải (đơn vị được thi hành án) nhanh chóng chuyển toàn bộ máy móc, thiết bị, tài sản trên đất ra ngoài nhà máy để công ty Hải Hà khôi phục sản xuất kinh doanh.

“Cưỡng chế hay “cướp” doanh nghiệp?”. Đây là câu hỏi mà Luật sư Hoàng Văn Hướng (Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đặt ra với đại diện Công an huyện Yên Dũng sáng ngày 9/3/2016 trước hàng chục công nhân và người dân tại hiện trường nhà máy gạch của Công ty Hải Hà. Tuy nhiên, câu hỏi này đã rơi tõm vào im lặng vì không nhận được câu trả lời.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế