TAND Cấp cao bị chống lệnh, thêm một vụ “194 phố Huế” tại Bắc Giang?

(Dân trí) - Đại diện công ty Cổ phần Hải Hà vừa có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Theo nội dung đơn kêu cứu khẩn cấp, mặc dù ngày 2/3/2016, TAND Cấp cao đã có công văn yêu cầu hoãn cưỡng chế nhưng ngày 3/3/2016, Chi cục thi hành án dân sự huyện Yên Dũng vẫn huy động lực lượng rầm rộ cưỡng chế thi hành án.

Liên quan đến vụ án có tính chất phức tạp, ngày 02/3/2016, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có văn bản số 03/TANDCC-KDTM về việc yêu cầu hoãn thi hành án do Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội Ngô Tiến Hùng ký thay Chánh án chỉ đạo: "Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội yêu cầu đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang ra quyết định hoãn thi hành án Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2014/TCTM-TM ngày 12/02/2014 của TAND huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang trong thời hạn 03 (ba tháng), kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án".


TAND Cấp cao tại Hà Nội ra tối hậu thư yêu cầu Chi cục Thi hành án tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang) dừng ngay việc cưỡng chế thi hành án.

TAND Cấp cao tại Hà Nội ra "tối hậu thư" yêu cầu Chi cục Thi hành án tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang) dừng ngay việc cưỡng chế thi hành án.

Thế nhưng, chỉ sau khi “tối hậu thư” được ban hành đúng 1 ngày, sáng ngày 03/3/2016, Chi cục thi hành án huyện Yên Dũng đã huy động lực lượng rầm rộ cưỡng chế thi hành án tại nhà máy của Cty Hải Hà để giao tài sản cho bên công ty CP Vật liệu xây dựng Bắc Hải Hưng.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hải Hà, Luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công ty đều bị lực lượng công an đẩy ra khỏi công ty.

“Việc làm này làm hàng trăm công nhân mất việc, mất niền tin vào việc làm của cơ quan chấp hành pháp luật. Những hành vi diễn ra ngày 03/3/016 này gây bức xúc cho toàn thể công nhân, người lao động và những người chứng kiến việc làm ngang ngược coi thường pháp luật của chi cục trưởng thi hành án dân sự huyện Yên Dũng và các thành viên ban cưỡng chế. Bằng văn bản này tôi thay mặt công ty đề nghị: Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Chi cục trưởng cục thì hành án huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang và những người thực hành, giúp sức hành vi làm trái với quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội” ông Nuyễn Văn Nghiên - Giám đốc Công ty cổ phần Hải Hà đề nghị.

TAND Cấp cao bị chống lệnh, thêm một vụ “194 phố Huế” tại Bắc Giang? - 2

Thế nhưng, chỉ ngay hôm sau, chi cục thi hành án huyện Yên Dũng đã tổ chức cưỡng chế rầm rộ.

Thế nhưng, chỉ ngay hôm sau, chi cục thi hành án huyện Yên Dũng đã tổ chức cưỡng chế rầm rộ.

Luật sư Hoàng Văn Hướng (Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: “Có rất nhiều bất thường, khuất tất những gì diễn ra tại cuộc cưỡng chế “thần tốc” ngày 3/3/2016. Ở đây, có dấu hiệu cho thấy bà Nguyễn Thị Thuỷ Khơi - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Dũng đã cố tình “chống lệnh” TAND Cấp cao, lạm quyền gây ra hậu quả pháp lý nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Bởi ngày 2/3/2016, TAND Cấp cao đã có công ăn yêu cầu hoãn thi hành án, sáng ngày 3/3/2016, Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng (bảo vệ quyền và lợi ích cho Công ty cổ phần Hải Hà) đã có công văn, yêu cầu gửi công văn trên cho Chi cục Thi hành án dân sự Yên Dũng nhưng bà Khơi và những người có trách nhiệm vẫn ngang nhiên bỏ qua. Vì vậy, sắp tới, VKND Tối cao sẽ phải vào cuộc điều tra về hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp tại Chi cục thi hành án dân sự Yên Dũng.

TAND Cấp cao bị chống lệnh, thêm một vụ “194 phố Huế” tại Bắc Giang? - 4

Lãnh đạo và công nhân công ty Cổ phần Hải Hà đã bị đẩy ra đường mặc dù có tối hậu thư của TAND Cấp cao.

Lãnh đạo và công nhân công ty Cổ phần Hải Hà đã bị đẩy ra đường mặc dù có "tối hậu thư" của TAND Cấp cao.

Bên cạnh đó, TAND Tối cao cũng phải vào cuộc làm rõ tại sao công văn yêu cầu hoãn cưỡng chế lại bị gạt ra ngoài một cách trắng trợn? Hay phải chăng, đang tồn tại tình trạng “phép vua thua lệ làng”? Ở đây, đang có biểu hiện giống vụ 194 Phố Huế gây bức xúc dư luận, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, Chi cục Phó Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã bị khởi tố, xử tù”.

Theo luật sư Hướng, việc cưỡng chế ngày 3/3/2016 cũng còn có hàng loạt sai phạm khác. Theo bản án, Công ty cổ phần Hải Hà chỉ bị cưỡng chế tài sản trên đất. Tuy nhiên, ngày 3/3/2016, công ty này đã bị đuổi hoàn toàn ra ngoài, hàng loạt tài sản khác của công ty đang bị chiếm dụng bất hợp pháp và bị mất. Hàng chục ha đất mà công ty đã bỏ ra nhiều chục tỷ đồng đầu tư, tôn tạo đã bị cưỡng chế, chiếm giữ một cách trắng trợn. Việc công ty cổ phần Hải Hà bị đuổi ra ngoài trong khi vẫn là người sử dụng toàn bộ đất đai là điều quá bất thường, phi lý.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!

Anh Thế