Từ tấm gương y đức và giải pháp hôm nay

Chúng ta đã phê phán rất nhiều về tệ nạn tham nhũng vòi tiền của cán bộ các cấp các ngành, trong đó có ngành y. Tôi tin rằng bên cạnh những người xấu, còn rất nhiều người tốt.

Tôi xin nêu một trong những câu chuyện đã gặp về tấm gương y đức, và cũng đề đạt một vài ý kiến mong được lãnh đạo, đồng nghiệp và bạn đọc cùng chia sẻ để tìm giải pháp đấu tranh với tệ nạn này. 

Tấm gương sáng mãi: Suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên một bài học lớn về đạo đức nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp trường Y Hà Nội, từ đó luôn nhớ và cố gắng rèn mình.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Những năm đầu 1990 kiếm việc làm trong bệnh viện hết sức khó khăn. Nhiều bác sĩ mới ra trường phải làm trình dược viên kiếm sống. Việc biếu xén phong bì hết sức phổ biến và trầm trọng. Hôm đó tôi đến thăm thầy Nguyễn Bửu Triều (bác sĩ Bệnh viện Việt Đức) tại nhà riêng. Vừa đến cổng, tôi gặp một phụ nữ trung niên mở cổng bước nhanh ra, vội vàng lên một chiếc xích lô chờ sẵn giục đi ngay. Chưa kịp vào cổng thì thấy vợ thầy hớt hải xách một chiếc túi nilon chạy ra, cuống quít hỏi tôi: "Con có thấy một cô vừa ra không? Cô ấy đi đường nào? Chở bác theo cô ấy ngay!".

Tôi không hiểu gì nhưng vẫn quay xe ra và chở bác ấy đuổi kịp chiếc xích lô. Bác nắm lấy tay người phụ nữ trên xe, đưa chiếc túi đựng đầy trái cây, vừa thở vừa nói nhanh: "Chị cầm về ngay, cầm về ngay. Giáo sư không bao giờ đồng ý để chị mua tính mạng của chồng chị bằng tiền được đâu". Giọng nói của bác đầy trách cứ nhưng vẫn nhẹ nhàng.

Nói xong bác giục tôi đưa về ngay, để mặc người phụ nữ lúng túng trên chiếc xích lô. Thì ra người phụ nữ có chồng sắp được thầy Triều mổ thận đã tới thăm và để lại túi trái cây trong đó có một phong bì đựng tiền.  

Khắc phục tệ nạn phong bì

Từ tấm gương y đức của Thầy Bửu Triều và nhiều giáo sư thuộc thế hệ trước, tôi tin rằng những thế hệ thầy thuốc học trò sau này không thiếu những người tốt, muốn noi gương các thế hệ cha anh, nhưng điều quan trọng là tạo điều kiện và giúp đõ họ luôn trau dồi y đức và không ngừng vươn lên trong nghê nghiệp. 

Về phía lãnh đạo ngành và chính phủ: Đề nghị chính phủ và lãnh đạo ngành xem xét cải thiện điều kiện làm việc và đời sống của cán bộ y tế được đảm bảo hơn, để có mức sống trung bình khá so với các ngành nghề khác. "Có thực mới vực được đạo". Có mức lương đủ bảo đảm đời sống, cán bộ y tế mới có thể toàn tâm toàn ý làm tốt công tác chuyên môn và không phải lo toan kiếm sống.

Mặt khác, cũng cần có chế tài pháp luật chặt chẽ để giám sát công việc chuyên môn. Có giám sát chặt chẽ và đúng đắn mới ngăn chặn việc làm sai trái cả về chuyên môn và thái độ.

Thêm vào đó, nếu chúng ta cho phép các bệnh viện công thu tiền dịch vụ khám chữa bệnh, đồng thời mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế với các mức hỗ trợ phù hợp cho nhiều loại đối tượng, tôi tin rằng người nghèo sẽ tham gia mua bảo hiểm nhiều hơn, và không bị nỗi lo phải lót tay bác sĩ khi đau ốm, sẽ tránh được cách nghĩ "ban ơn" của cán bộ y tế với người bệnh. Người bệnh cũng không trông đợi được ban ơn nữa mà sẽ tìm cách cố gắng để mua bảo hiểm y tế phòng khi đau ốm.

Ngoài ra, những người trực tiếp làm chuyên môn chúng tôi cũng mong sao có hàng ngũ lãnh đạo ngành gương mẫu đúng đắn trong thực hành đạo đức để thực sự "tâm phục khẩu phục", từ đó sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện đất nước còn khó khăn. 

Về phía cán bộ y tế: Nếu chúng ta cứ so bì người tốt với người xấu, cho rằng chúng ta "chưa đến nỗi xấu bằng người khác" trong việc nhận quà và tiền bạc thì nghĩa là chúng ta đang xuống cấp đạo đức mà không biết. Trung thực với bản thân cần được chủ động thực hành hàng ngày chứ không nên đợi người khác thúc giục. Nếu người bệnh mua bảo hiểm y tế và được lựa chọn bác sĩ, chúng ta sẽ phải tập trung rèn luyện nâng cao chất lượng chuyên môn thì mới được bệnh nhân chấp nhận. Như vậy cả bác sĩ và bệnh nhân đều được lợi.

Xu hướng cạnh tranh chất lượng dịch vụ y tế là tất yếu, và chỉ dăm năm nữa thôi chúng ta sẽ phải đối mặt với thực tế là chúng ta buộc phải cạnh tranh lành mạnh với các phòng mạch tư nhân chất lượng cao đang ngày càng nhiều hơn để thu hút bệnh nhân đến với mình.

Hãy tập thay đổi cách ứng xử và chăm sóc bệnh nhân ngay từ bây giờ để có khả năng hội nhập với xu thế mới, để có được một vị trí vững vàng trong nghề nghiệp và có cuộc sống tương xứng phù hợp. 

BS. Lê Thị Nga
Chuyên khoa y tế công cộng 

LTS Dân trí - Chúng tôi hoan nghênh tác giả bài viết trên đây đã nêu một tấm gương sáng về y đức của ­GS.BS Bửu Triều. Chúng tôi tin tưởng vào truyền thống tốt đẹp vốn có của người Thầy thuốc Việt Nam.

Muốn giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp đó, điều quan trọng là phải có một cơ chế quản lý phù hợp với tình hình mới để thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư cho các bệnh viện, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong dịch vụ khám chữa bệnh, trên cơ sở đó vừa nâng cao chất lương khám chữa bệnh, vừa cải thiện điều kiện làm việc và chăm lo tốt hơn đời sống của đội ngũ thầy thuốc.