Tiếp dòng suy nghĩ về nghề và nghiệp

“Phải chăng nói đến “nghề” là nói đến sự hiểu biết và kĩ năng chuyên sâu về một lĩnh vực chuyên môn nào đó. Còn “nghiệp” hiểu theo nghĩa thông thường chính là “duyên nợ” với một nghề mà mình đã tự nguyện lựa chọn và đeo đuổi suốt cả cuộc đời ”

Đấy là lời bàn trong bài viết “Nghĩ về nghề và nghiệp” của thầy giáo Phan Duy Nghĩa (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đăng trên Diễn đàn Dân trí.

 

Thông thường, khi trưởng thành, người ta may mắn tìm được nghề nghiệp nào đó thích hợp với mình và theo cách hiểu của thầy Nghĩa, nghề nghiệp ấy là sự hòa quyện giữa kiến thức và kỹ năng chuyên môn với thái độ trân trọng, tâm huyết với công việc đó. Là một sinh viên sắp tốt nghiệp, tôi chỉ xin nói thêm đôi điều về nghề và nghiệp dưới con mắt của môt người sắp chuẩn bị bước vào đời, phải tìm một nghề nghiệp cho bản thân trong tương lai không xa nữa.

 

Thực tế từ nhiều năm trở lại đây, sinh viên Việt Nam sau khi ra trường đa phần phải cố gắng chọn  cho mình một “nghề” hơn là việc theo đuổi một “nghiệp”. Bởi vậy, sẽ có nhiều hệ quả khác nhau từ thực trạng này, đó là một số sinh viên may mắn nhất sẽ tìm được một nghề nghiệp vừa đúng năng lực chuyên môn vừa đúng sở thích để có thể dồn hết tâm huyết vào đó theo đúng hàm ý như thầy Nghĩa đã dẫn, hoặc là sẽ có một số sinh viên chỉ có thể tìm được một nghề đơn thuần để kiếm sống mà không xem đó thực sự là “nghiệp” để theo đuổi suốt cả cuộc đời. Và cũng có trường hợp ngược lại  là một số sinh viên tốt nghiệp tìm thấy “nghiệp” cho mình nhưng đó  không đúng  là một “nghề” để đảm bảo cuộc sống cho họ.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Hiện tại tôi đang học năm thứ ba và không lâu nữa sẽ như bao sinh viên khác lao vào tìm kiếm việc làm cho bản thân hay theo “thuật ngữ” của người ta hay dùng gọi là “lập nghiệp”. Nhưng thật sự thì tôi còn nhiều trăn trở về tương lai của mình và việc “lập nghiệp” chắc chắn sẽ không thể dễ dàng chút nào hết. Tôi lo ngại mình cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng không thể tìm được một công việc phù hợp với cả trình độ chuyên môn và sở thích, thậm chí là phải làm trái nghề, trái ngành.

 

Ở nước ngoài vấn đề tìm việc có nhiều quan điểm khá đa dạng và phần nào thoải mái hơn ở Việt Nam. Đối với nhiều người trẻ tuổi, việc có thể có được sự hài lòng về công việc (job satisfaction) quan trọng hơn là có công việc để kiếm thật nhiều tiền. Còn ở Việt Nam mình, sinh viên ra trường lại nghĩ tới việc tìm được nghề có thu nhập ổn định hoặc mức lương cao là ưu tiên hàng đầu, hơn là đúng với sở thích đam mê cá nhân. Điều này thể hiện ngay từ lúc chọn ngành để thi vào trường đại học thường theo những ngành “hot” để sau khi ra trường dễ dàng xin được việc làm.

 

Xu hướng hiện đại ngày nay đang ảnh hưởng tới sự lựa chọn nghề của giới trẻ Việt Nam, đa số đều chọn khối ngành kinh tế để theo học. Riêng với ngành sư phạm thì không mấy người trẻ mặn mà. Và còn một thực trạng nữa là nhiều giảng viên đại học đồng thời làm kinh tế bên ngoài cho nên việc giảng trên lớp cũng như trách nhiệm nói chung của một người thầy người cô không còn nguyên nghĩa như xưa nữa.

 

Khi bày tỏ những quan điểm cá nhân trên đây, tôi không mong chờ sẽ có một sự chuyển biến lớn lao nào đó về việc phải làm sao các bạn trẻ như tôi có thể vừa có “ nghề” lại có thể theo đuổi nó thành “ nghiệp” của mình. Tôi chỉ muốn nói rằng, dù làm công việc gì, đúng sở thích của mình hay không, hãy luôn làm tốt nhất trong khả năng của mình.

 

Lương Thị Thuận
Lớp 43N1- khoa Tiếng Anh- Đại học Thương Mại- Hà Nội

 

LTS Dân trí - Bài viết trên nói lên tâm sự thật của các bạn trẻ khi sắp bước vào đời và xây dựng cuộc sống tự lập, cần phải tìm cho mình một nghề nào đó đủ bảo đảm cho đời sống là yêu cầu trước hết, sau đó mới tính đến nghề ấy có phù hợp với sở thích của mình hay không. Điều đó không có gì sai trái, miễn là làm nghề gì cũng phải có trách nhiệm với nghề đó, luôn cố gắng làm tốt nhất với khả năng mà mình có.

 

Vả lại nghề nào đi sâu tìm hiểu, biết khai phá những điều mới mẻ, để tìm ra cách làm sáng tạo, đem lại hiệu quả cao thì sẽ tìm thấy nguồn vui trong nghề ấy. Từ đó sẽ thấy yêu thích và gắn bó với nghề mà mình đã làm, không muốn xa rời nó nữa, và khi ấy nghề không còn đơn thuần là phương tiện kiếm sống mà đã trở thành nghiệp của mình rồi.