Nhìn thẳng sự thật, tìm biện pháp giải quyết đúng đắn

Hiện nay các giảng viên trẻ rời bỏ trường đại học không còn là chuyện hiếm. Hiện tượng "dứt áo ra đi" này có thể nói là đáng báo động, vì có trường chỉ trong một tháng có tới hơn một chục đơn xin thôi việc được nộp lên phòng tổ chức.

Có nhiều lý do để giảng viên trẻ quyết định rời bỏ trường đại học, nhưng tựu chung thì do hai nguyên nhân chính: đó là môi trường làm việc và đời sống không bảo đảm.
 
Về môi trường làm việc đã có nhiều bài viết trên Diễn đàn Dân trí đề cập. Một hiện tượng khá phổ biến hiện nay ở các trường đại học là thiếu dân chủ, đặc biệt ở cấp bộ môn. Kết quả là có nhiều người mà anh chị em cảm thấy không xứng đáng ở vị trí lãnh đạo thì lại "chễm chệ" ngồi đó. Bộ môn chủ yếu là những người cùng chuyên môn, lại không đông cho nên nếu "sếp" bộ môn mà kém thì dễ "lộ diện" lắm. Nhiều người còn cảm thấy bực mình vì không được tôn trọng; khi một đơn vị chuyên môn mà "giá trị đảo lộn hết cả" thì sẽ không có tương lai tốt đẹp gì nên đã ra đi, dù vẫn còn yêu nghề, dù chuyện "cơm áo" vẫn còn gồng mình chịu được. 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Môi trường làm việc không thuận lợi làm cho người ta càng thêm suy nghĩ về sự đãi ngộ. Lạm phát tới hơn 20%/năm trong gần 2 năm qua, nghĩa là 1 triệu năm nay chỉ có giá trị hơn 500 nghìn năm 2006. Thế nhưng đồng lương tăng chẳng đáng bao nhiêu, còn khung giá tiền giảng dạy thì vẫn "ổn định" như bao năm trước! Với hầu hết các trường đại học ở Hà Nội, tiền giảng dạy sau khi đã vượt chuẩn (260 tiết/năm) của giảng viên vẫn chỉ khoảng trên dưới 20 nghìn/tiết.
 
Thử hỏi thu nhập giảm gần một nửa, trong khi cứ hô hào nâng cao chất lượng, rồi đổi mới phương pháp giảng dạy thì các thày cô "ăn" gì mà làm được điều đó. Các trường đều biết vậy, nhưng đều thấy khó vì không biết lấy tiền đâu ra, nhà nước không đầu tư hơn cũng không cho tăng học phí. Nếu nhà nước xác định giáo dục là phúc lợi xã hội thì phải đầu tư cho đủ. Nhưng rõ ràng bây giờ nhà nước không thể "bao" nổi, nên đã phải xác định giáo dục như một dịch vụ, trừ học sinh tiểu học, ai đi học đều phải trả tiền. Mọi thứ giá cả đều tăng, sao giá dịch vụ giáo dục lại không thể tăng. Bảo nếu tăng thì nó tác động đến người dân nghèo, thử hỏi giá gạo tăng, giá thực phẩm tăng, giá xăng tăng, giá thuốc tăng..v.v. không tác động đến toàn dân hay sao?
 
Nếu nghĩ xa hơn, chúng ta phải thấy, nếu cứ cố gồng mình, duy ý chí mà "nén" lại cái giá trị thật của mỗi giờ giảng dạy thì cái lợi chỉ là "ổn định lòng dân" trước mắt, nhưng hậu quả về lâu dài rất lớn, nó làm giảm sút nghiêm trọng nhiệt huyết của các thầy cô, giảm sút nghiêm trọng chất lượng giảng dạy và thậm chí xảy ra tình trạng "chảy máu chất xám" trầm trọng từ các trường đại học. Chúng ta sẽ có một lực lượng nhân lực được đào tạo ra với chất lượng ngày càng kém, còn những "máy cái" là các trường đại học thì ngày càng sa sút về chất lượng đội ngũ.
 
Dân ta rất thực tế, họ đều hiểu "có thực mới vực được đạo", "tiền nào của ấy", họ đã đầu tư cho con đi học là muốn nó thành tài, hay chí ít là ra trường có thể kiếm được việc làm. Không ai lại tiếc mấy đồng để con mình mất công đi học mà chẳng thành được cái gì. Nhà nước thương dân nghèo thì cần có những điều tiết vĩ mô, chính sách hỗ trợ hiệu quả, chứ nếu chỉ dùng biện pháp đơn giản đến thô sơ là không cho tăng học phí sẽ không giải quyết được vấn đề gì, mà lợi bất cập hại. Cứ đà này chắc một thời gian nữa hầu hết giáo viên trở thành “dân nghèo” - nghèo cả về tiền bạc và trí tuệ! 

Quý Tân

LTS Dân trí - Tình trạng giảng viên trẻ, nhất là những người có năng lực, đang có xu hướng bỏ trường đại học để ra làm ngoài. Đấy là một sự thật cần được nhìn nhận nghiêm túc, xác định cho đúng nguyên nhân để tìm cách khắc phục.

Hai nguyên nhân chính mà tác giả bài viết trên đây nêu ra đáng được các cấp quản lý nghiên cứu với tinh thần “thực sự cầu thị”.

Nếu môi trường làm việc thiếu dân chủ và không công bằng; sự đãi ngộ lại ở mức quá thấp không bảo đảm được đời sống thì hai nguyên nhân đó sẽ “cộng hưởng” với nhau tạo ra hiện tượng “chảy máu chất xám” rất đáng lo ngại của các trường đại học.

Cái đáng quan tâm ở đây là thấy được đúng tầm quan trọng của vấn đề, dám nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra biện pháp giải quyết đúng đắn.