Mặt trái của lễ, Tết

Năm nay, kỳ nghỉ Tết cổ truyền trọn vẹn tám ngày, có người nói nghỉ như vậy quá dài, dễ gây đình trệ sản xuất, thiệt hại kinh tế. Tôi nghĩ, nghỉ Tết dài không phải là điều đáng lo. Thực tế, nếu so với kỳ nghỉ Tết ở Trung Quốc thì họ còn nghỉ dài hơn ta.

Cũng không nên lo ngại việc nghỉ Tết dài gây thiệt hại kinh tế. Bởi nghỉ Tết, ngoài ý nghĩa là dịp để mọi người nghỉ ngơi, dưỡng sức sau một năm lao động cực nhọc, còn có mặt lợi kích cầu tiêu dùng, cũng có tác dụng làm tăng GDP. Nếu tiêu dùng một cách lành mạnh cũng sẽ giúp xã hội phát triển.

Theo tôi, cái đáng lo lắng nhất hiện nay, chính là chúng ta không phát huy được tác dụng và ý nghĩa tích cực của nghỉ Tết. Những năm gần đây, những mặt tiêu cực bộc lộ ngày càng đáng lo ngại. Cận Tết, Hà Nội tắc đường triền miên, vì người ta đi gửi quà, biếu xén, chúc tết lẫn nhau nhiều. Trước, trong và sau Tết thì nhậu nhẹt tưng bừng, say xỉn. Hậu quả là dịp Tết tai nạn giao thông xảy ra nhiều, khiến mấy trăm người chết. Rồi nạn cờ bạc diễn ra công khai ở nhiều nơi...

 

Những ngày đầu xuân, nhà nhà đi lễ, người người đi lễ. Lễ hội được tổ chức tràn lan, có lễ hội kéo dài hàng tháng trời. Chúng ta đã bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21, tức là tốc độ phát triển rất nhanh rồi nhưng các lễ hội vẫn làm kiểu rề rà kiểu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” thì rất tốn kém, lãng phí.

 

Nên tổ chức lại kỳ nghỉ Tết với những nội dung văn hóa lành mạnh, có nội dung về tinh thần sâu sắc, ôn lại lịch sử, nêu cao tinh thần yêu nước như lễ hội gò Đống Đa chẳng hạn. Tôi thấy các lễ hội của ta hiện nay phần tinh thần yêu nước, tinh thần lịch sử, tự hào dân tộc ít mà phần cúng bái, tiền vàng nặng tính mê tín dị đoan thì nhiều.

 

Phần lễ hội tổ chức cũng rất linh đình, tốn kém, quần quần áo áo, thời gian kéo dài đi đôi với tiêu tốn tiền bạc rất nhiều. Tôi thấy những phần văn hóa lễ hội, ăn chơi ngày Tết cần được tổ chức lành mạnh hơn. Kỳ nghỉ Tết kéo dài nếu được dùng để bồi dưỡng sức khỏe, nghỉ để hưởng thụ các nét đẹp văn hóa, tinh thần là điều rất tốt.

 

Có một điểm nữa là năm nào sau Tết, dù được nghỉ dài hay ngắn, nhiều cơ quan hành chính cũng chưa bước vào làm việc ngay, mà còn có tiết mục đi chúc Tết nhau, khiến công việc sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Nên theo tôi, nên chăng sau kỳ nghỉ, để những công bộc của dân phục vụ dân tốt ngay từ ngày đầu năm, lãnh đạo các cơ quan hành chính cũng nên gương mẫu, không nên đi chúc Tết nhau nữa.

 

Theo TS Lê Đăng Doanh

Tiền Phong