1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lương giáo viên: Làm sao bớt nghịch lý?

(Dân trí) - Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa trình Thủ tướng bản Dự thảo Nghị định bổ sung một số điều về chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn... Tuy nhiên hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần tăng lương cho đội ngũ giáo viên nói chung.

Lương giáo viên: Làm sao bớt nghịch lý? - 1
  

 

Bà Đặng Thị Kim Chi, đại biểu QH tỉnh Phú Yên cho rằng lương của giáo viên so với mặt bằng khá thấp. Trong khi đó, ngoài lương cơ bản họ hầu như không còn nguồn thu nào khác. Một số giáo viên có mức thu nhập từ dạy thêm nhưng thực tế số này rất ít, và cũng chỉ có ở thành phố.

Mọi người vẫn nói không ai có thể sống bằng lương, ý nói là còn có nhiều khoản thu nhập khác nhưng với giáo viên họ chủ yếu sống bằng đồng lương. Cứ nói là ưu tiên về  nhà ở cho giáo viên ở vùng sâu, vùng xa nhưng thực tế chỉ có ở một số vùng đặc biệt khó khăn chứ ngay cả ở các xã vùng núi bình thường thì cũng không có, nếu có thì cũng nhếch nhác không thể gọi là nhà.

Gần đây, lương mới lại còn giảm hơn. phụ cấp cũng giảm. Theo tôi cần có sự quan tâm nhất định đến đời sống của giáo viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa để thu hút giáo viên, đưa giáo dục các vùng đó phát triển. “Trong khi đó, lương của cán bộ ngành Bảo hiểm xã hội lại gấp 2 lần lương các ngành khác thì thật là vô lý”. Bà Chi bức xúc.

Lương giáo viên: Làm sao bớt nghịch lý? - 2
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đinh Thị Nính, phó trưởng đoàn Đại biểu QH tỉnh Sơn La nói: Đa số ý kiến các đại biểu đều không đồng tình với lương ngành bảo hiểm cao gấp đôi với các cơ quan hành chính khác, vì như vậy là bất hợp lý, không công bằng.

“Anh” cũng là công chức nhà nước sao lại có mức lương cao như vậy. Các đại biểu tham dự cũng đề nghị đại biểu QH cần có ý kiến để đảm bảo công bằng, đảm bảo sự quản lý của Nhà nước với vấn đề lương.

Lý do gì mà “anh” lại không theo thang bảng lương mà Nhà nước qui định? Tại sao lại được ưu ái như vậy? Với giáo viên, lương đã được giải quyết một phần khó khăn nhưng thực ra đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn. Giáo viên vùng 2, đặc biệt là vùng 3 còn rất nhiều khó khăn.

Giảng viên trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp 1, Nguyên Trần tuy là người trong cuộc nhưng những kiến giải lại  tỏ ra khá hài hòa. Ông Trần phân tích: Khi Chính phủ ban hành Nghị định 204/2004/NĐ-CP quy định về chế độ tiền lương mới theo đó, từ tháng 7/2005 lương tăng lên nhưng chúng tôi lại bị cắt hoàn toàn phụ cấp.

Đó là cắt 40% phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên bậc mầm non, tiểu học; 35% phụ cấp ưu đãi với giáo viên THCS và THPT, giáo viên trường chuyên và giáo viên chuyên biệt mất 70% phụ cấp đứng lớp.

Nghịch lý là trong giới giáo viên khi đó đã đòi... không tăng lương! Lý do khá đơn giản vì một người có lương bậc 1 (hệ số 1,78) được lĩnh theo lương cũ bao gồm cả phụ cấp 35% sẽ được hưởng 678.000đồng/tháng, nếu lĩnh lương mới có hệ số được nâng lên là 2,1 nhưng cắt phụ cấp thì số tiền thực lĩnh chỉ còn 580.000 đồng/tháng.

Quả thật, chất lượng giáo dục không thể khá được khi gần như tới hơn 80% giáo viên đều cho rằng tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến sự giảng dạy và hiện tượng dạy thêm rất khó chấm dứt khi mức lương thấp đã buộc giáo viên phải nhắm mắt liều mình...

Tuy nhiên, nếu chỉ xét về góc độ cá nhân thì tất nhiên tôi rất muốn lương của giáo viên được tăng nhưng suy nghĩ kỹ thì việc tăng lương có một cái gì đó chưa ổn.

Hiện nay, nguồn thu chính của trường học là học phí. Thực tế thời gian qua, khi nhà nước thực hiện nâng mức lương tối thiểu lên 350.000đ/tháng, trong đó, 40% ngân sách dùng cho việc nâng lương này được lấy từ tiết kiệm các nguồn chi khác (10%) và 30% còn lại trích từ 40% quỹ học phí, nhiều trường đã khốn đốn lương tăng.

Vì thực tế, lương cho nhà giáo hoàn toàn chỉ “xâu xé” vào một chiếc bánh học phí, trong khi chiếc bánh này còn phải nuôi bao nhiêu khâu đảm bảo cho sự vận hành của cỗ máy. Nào là tu sửa cơ sở vật chất, nào là đầu tư trang thiết bị dạy và học...

Lương càng tăng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc cơ sở cho đảm bảo chất lượng sẽ càng giảm. Lương không tăng thì giáo viên hụt hơi, lương tăng thì nhà trường ngắc ngoải vì không có nguồn lực đâu để đầu tư. Tất cả hậu quả đều đổ dồn vào chất lượng giáo dục. Vì “lương” nên “lượng” điêu tàn. Phải chăng điều này không thể hoá giải?

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Châu, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD&ĐT lại cho rằng: không nên tăng lương cho giáo viên vì hiện nay, lương giáo viên so với trước tăng khoảng 20% - 30%. “Trước đây tốt nghiệp đại học là 1,78 nhân 70% nhưng bây giờ lương tốt nghiệp đại học là 2,34 nhân 50% nên mức tiền lương mới cao hơn mức tiền lương cũ.

Bên cạnh đó, lương giáo viên cao hay thấp còn phụ thuộc vào thời gian công tác và trình độ của giáo viên và giáo viên vẫn có phụ cấp đứng lớp, dạy thêm giờ, hiệu trưởng được nhận phụ cấp trách nhiệm là 0,5%.

Ông Châu lập luận đối với giáo viên công tác vùng đặc biệt khó khăn, Bộ GD&ĐT đã có thông tư từ 2001, theo Quyết định 2973 của Chính phủ quy định giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, giáo viên khuyết tật được hưởng mức phụ cấp tối đa là 70%. Giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trường năng khiếu, phổ thông dân tộc nội trú... được hưởng tối đa là 50%”.

Lương giáo viên: Làm sao bớt nghịch lý? - 3
Giáo sư Hoàng Tụy: Chế độ lương của giáo viên rất phi lý!

Hiện nay, những yếu kém tiêu cực từ mẫu giáo cho tới đại học (kể cả cấp đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ) và các viện nghiên cứu khoa học đáng kính đều bắt nguồn từ chỗ đồng lương chính thức chỉ đủ đảm bảo 1/4 mức sống hợp lý, còn lại ai cũng  phải tự xoay xở kiếm thêm thu nhập.

Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ luôn giải thích rằng do ta còn nghèo, chỉ cần tăng 10.000 đồng cho lương mỗi người thì ngân sách đã không chịu nổi. Vậy thử hỏi, số tiền bù vào thu nhập của công chức để với lương chính chỉ đủ sống mươi ngày mà vẫn sống đàng hoàng cả tháng, số tiền ấy ở trên trời rơi xuống hay cũng từ ngân sách, từ túi tiền người dân?

Từ nhiều năm nay, một sự thật đã quá rõ mà các cơ quan hữu trách vẫn cố tình làm ngơ là muốn giải quyết cơ bản vấn đề tiền lương như đã ghi ở Nghị quyết T.Ư thì trước hết phải lập lại kỷ cương, trật tự trong chế độ sử dụng công quỹ để trả những khoản thù lao, tiền thưởng đủ mọi loại rất tuỳ tiện mà tổng số gấp nhiều lần lương chính như hiện nay.

Chẳng cần trí tuệ cao siêu gì cũng có thể thấy chỉ bằng cách đó mới có thể tăng tổng quỹ lương lên để phân phối lại cho công bằng hợp lý, đảm bảo cho lương là nguồn thu nhập chính của mỗi công chức. Nếu quản lý đứng đắn thì lương chính, trong phạm vi khả năng ngân sách, vẫn hoàn toàn đủ để bảo đảm công bằng và khuyến khích năng suất từng người.

Có vị Đại biểu Quốc hội đã tính cụ thể rằng nếu cộng tất cả các khoản chi phí từ thu nhập của ngân sách vào thu nhập của giáo viên và cán bộ giáo dục cả nước (kể cả lương chính, mọi khoản phụ cấp, mọi khoả thù lao khác nhau) và lấy tổng số đó chi cho tổng số biên chế của ngành thì trung bình mỗi người được khoảng 1,7 triệu đồng/tháng.

Vậy, nếu cộng thêm các khoản do người dân đóng góp thì phải đến 3-4 triệu đồng/tháng mỗi người, cho nên, nếu phân phối hợp lý, công bằng lương giáo viên tiểu học có thể 2-3 triệu đồng/tháng, giáo sư đại học có thể 7-8 triệu đồng/tháng chứ đâu đến nỗi thấp kém quá đang như hiện nay.

Nhóm PV (thực hiện)