Bài 2:

Lộ "chân tướng" vụ hàng chục ha đất quốc phòng bị "băm nát" tại Hà Tĩnh!

(Dân trí) - Không có bất kỳ văn bản nào nhưng UBND huyện Vũ Quang vẫn bất chấp, qua mặt các cơ quan thẩm quyền chuyển hàng chục héc ta đất quốc phòng thành đất sản xuất. Bất ngờ hơn, huyện này lại chỉ đạo miệng cho 2 đơn vị vào “băm nát” để chăn nuôi, sản xuất.

Không hiểu quy định hay cố tình qua mặt?

Lộ chân tướng vụ hàng chục ha đất quốc phòng bị băm nát tại Hà Tĩnh! - 1

Lối vào duy nhất khu vực quy hoạch đất quốc phòng đã bị các đơn vị làm trang trại khóa kín

Liên quan đến vụ việc hàng chục héc ta đất quy hoạch quốc phòng bị băm nát tại huyện Vũ Quang, PV Dân trí đã có buổi làm việc với chính quyền nơi đây.

Buổi làm việc có ông Phạm Quốc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang, Trưởng phòng TN&MT, Trưởng phòng Nông nghiệp.

Ông Phạm Quốc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết, sau khi nghiên cứu, cũng như tờ trình của UBND xã Ân Phú thì khu vực Đồng Quản, thuộc thôn 1, xã Ân Phú có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế trang trại. Tuy nhiên, khu vực này đã quy hoạch đất quốc phòng.

“Nhưng hiện vùng đất này chưa đầu tư gì nên huyện đã có tờ trình gửi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Thời điểm đó, Đại tá Nguyễn Đức Tới - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh đã phê vào trong tờ trình của huyện là đồng ý với đề nghị của huyện Vũ Quang. Thẩm quyền đồng chí Chỉ huy Quân sự tỉnh có được cho giao đất để chuyển sang mục đích khác hay không các đồng chí xuống hỏi và làm việc với họ”, ông Thanh cho biết.

Trả lời câu hỏi của PV, hiện đã có văn bản giao trả đất hay các quyết định về việc chuyển đổi đất quy hoạch quốc phòng sang đất sản xuất hay chưa thì ông Phạm Quốc Thanh cho biết là không có văn bản nào!

“Đã xin ý kiến của cơ quan chủ quản, còn ai có quyền chuyển đổi thì tôi không bình luận”, ông Thanh nói.

“Về quy trình để chuyển đổi đất quốc phòng sang đất sản xuất địa phương quản lý thì phải có tờ trình đề nghị từ dưới lên các cơ quan có thẩm quyền, được sự chấp thuận của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Sau đó mới gửi ra Quân khu rồi Quân khu gửi ra Bộ Quốc phòng. Nhưng đất quốc phòng thì phải được Thủ tướng Chính phủ nhất trí đã”, một cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vũ Quang cho biết.

Lộ chân tướng vụ hàng chục ha đất quốc phòng bị băm nát tại Hà Tĩnh! - 2

Hiện chỉ có một lời phê duy nhất mà theo ông Phạm Quốc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang là của Đại tá Nguyễn Đình Tới, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh thời điểm đó

Mặc dù chưa có văn bản giao trả đất hay các quyết định về chuyển đổi nhưng UBND huyện Vũ Quang đã tự ý biến hơn 42ha đất quốc phòng sang đất sản xuất là điều rất khó hiểu?.

Bỏ qua các quy trình để kịp hưởng chính sách?

Năm 2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 2811/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 quy định tạm thời một số chính sách đặc thù hỗ trợ đầu tư xây dựng mới, mở rộng quy mô các cơ sở nuôi lợn nái 100% để cung ứng giống cho phát triển chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã và tổ hợp tác. Nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh và ngân sách huyện.

Điều kiện là các cơ sở nuôi lợn nái ngoại thi công xây dựng mới, mở rộng quy mô từ tháng 9/2014 đến ngày 31/12/2014 và hoàn thành đưa vào sử dụng trước ngày 31/3/2015.

Mức hỗ trợ: Đối với quy mô từ 300 đến dưới 600 lợn nái, được hỗ trợ 1,5 tỷ đồng/cơ sở, trong đó: Ngân sách tỉnh 500 triệu đồng, ngân sách huyện 1 tỷ đồng;

Đối với quy mô từ 600 nái trở lên, được hỗ trợ 2 tỷ đồng/cơ sở, trong đó: Ngân sách tỉnh 1 tỷ đồng, ngân sách huyện 1 tỷ đồng.

Trường hợp cơ sở nuôi lợn nái ngoại cấp bố mẹ tập trung quy mô từ 300 con lợn nái trở lên (đã được hưởng các chính sách theo quy định), tiếp tục mở rộng quy mô thêm 300 con lợn nái trở lên được hỗ trợ 1 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách tỉnh 500 triệu đồng, ngân sách cấp huyện 500 triệu đồng.

Dù đất quy hoạch quốc phòng chưa được các cấp phê duyệt, chuyển đổi sang mục đích khác, đặc biệt là UBND huyện Vũ Quang chưa có quy hoạch chi tiết khu vực chăn nuôi trang trại này nhưng đã cho HTX Phú Sơn và Công ty TNHH Phú Sơn TC vào xây dựng cơ sở hạ tầng để chăn nuôi, sản xuất!.

Trong biên bản ngày 16/2/2017 các ngành chức năng đã phát hiện Công ty TNHH Phú Sơn TC đã chồng lấn lên diện tích đất quy hoạch quốc phòng là 12,77ha. Hiện đơn vị này đã xây 1 nhà điều hành, 5 dãy nhà xây dựng chuồng trại lợn nái, 4 nhà kho, 1 ao nuôi cá, 2,5ha đã được trồng cây cam, 9ha đã được trồng cây keo.

Còn HTX Phú Sơn, đã sử dụng chồng lấn lên đất quy hoạch quốc phòng là 29,3ha. Hiện đơn vị này đã xây 1 nhà điều hành, nhà ăn, nhà ở công nhân; 1 dãy nhà nuôi hươu, 1 dãy nhà nuôi bồ câu; 1 dãy nhà chuồng nuôi lợn thương phẩm; 4 dãy nhà xây chuồng lợn nái, 1 dãy chuồng nuôi bò, 1 chuồng nuôi lợn rừng…; 6ha đã được trồng cam, 19ha trồng cây keo.

"Hài hước" hơn, việc cho 2 đơn vị này vào sử dụng đất quy hoạch quốc phòng để sản xuất được UBND huyện Vũ Quang thực hiện bằng văn bản miệng!?

Chỉ đạo bằng văn bản miệng nhưng các đơn vị này vẫn có đầy đủ hồ sơ, thủ tục để nhận các nguồn hỗ trợ.

Hiện, Công ty TNHH Phú Sơn TC đã nhận được 2 tỷ đồng, còn HTX Phú Sơn đã nhận được 1,7 tỷ đồng tiền hỗ trợ. Và dĩ nhiên suốt nhiều năm sử dụng đất để sản xuất 2 đơn vị này chưa phải nộp một đồng nghĩa vụ về thuế.

Vậy phải chăng, để kịp hưởng các chính sách đãi ngộ của Nhà nước mà UBND huyện Vũ Quang đã bất chấp các quy định, quy trình.

Dân trí sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc này.

Xuân Sinh