Giảng viên chuyển nghề không chỉ vì lý do kinh tế

Tôi là một giảng viên “trẻ” (vì ở trường họ luôn gọi như thế) rời bục giảng chưa lâu. Hôm nay, tôi bất ngờ nhận được một lá thư của sinh viên cũ sau khi đọc bài: “Vì sao tôi đành bỏ nghề dạy học”. Tôi muốn trao đổi về vấn đề này từ một góc nhìn khác.

Dưới đây là trích đoạn bức thư người sinh viên đó gửi cho tôi:

 

Em vốn kính trọng thầy vì kiến thức chuyên môn sâu rộng mà không phải giảng viên nào cũng tích lũy được, và càng yêu thầy hơn bởi nhiệt huyết giảng dạy mà em cho rằng chỉ có yêu nghề mới làm được.

 

Vậy mà một thời gian sau, trong một dịp trò chuyện thân mật cùng em, Thầy bảo rằng có lẽ Thầy sẽ chuyển nghề không làm nghề giáo nữa,  chuyển sang một công ty không liên quan gì đến môi trường sư phạm. Thầy muốn có điều kiện phát triển thêm, muốn được nghiên cứu khoa học nhiều hơn, và cuối cùng là có được thu nhập cao hơn để trang trải cho cuộc sống.

 

Thầy có biết đâu em đã yêu Thầy qua hình ảnh người Thầy trên bục giảng. Thầy có thể ít tiền hơn bao nhiêu người khác, nhưng lại thừa lòng nhân ái. Em đã trả lời thầy rằng "em không muốn Thầy bỏ nghề, muốn Thầy mãi mãi là Người Thầy như hình ảnh đầu tiên em được gặp". Thế nhưng... thầy đã chọn lựa rồi, đâu cần chờ câu trả lời của em...

 

Vậy là em đã âm thầm giận Thầy của mình, trách Thầy sao lại bị ảnh hưởng bởi "cơm áo gạo tiền" đến thế cơ chứ, và trách Thầy không thèm nghe em dù chỉ một lần!

 

Vậy mà hai năm đã trôi qua! Thật ra hai năm cũng chưa là gì nếu không có bài báo này thức tỉnh em. Xuất phát từ đáy lòng, em muốn gửi đến Thầy lời xin lỗi, hãy tha thứ cho những suy nghĩ còn nông cạn và đơn giản của em.

 

Đọc bức thư của người sinh viên đó, tôi thực sự cảm động với tình cảm mà mình nhận được. Có thể nói, sau 13 năm đứng lớp, quyết định ra đi là một trong những quyết định khó khăn nhất của cuộc đời tôi và “người” níu kéo tôi nhiều nhất cũng lại chính là những sinh viên của mình... Tuy nhiên, chính những lý do mà tác giả bài “Vì sao tôi đành bỏ nghề dạy học” nêu ra đã khiến tôi phải có quyết định đó.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Với trường hợp của tôi, sự việc còn nghiêm trọng hơn và còn nhiều tình tiết “ly kỳ” hơn nữa trong cách đối xử với giảng viên trẻ. Chẳng hạn, khi họp xét kết nạp Đảng, có một đảng viên trong Chi bộ, đồng thời đã từng là thầy giáo dạy tôi, lúc đó là đồng nghiệp đã công khai nhận xét: “anh... là người thiếu năng lực chuyên môn, học dốt...”. Trong khi qua thực tế giảng dạy, tôi được sinh viên dù có người không ưa tôi, đều nhận xét tôi là một trong những giảng viên nhiệt huyết và có chất lượng giảng dạy tốt nhất mà họ đã từng được học.

 

Hơn thế nữa, lúc đó tôi vừa đỗ thủ khoa Khóa Cao học do chính Trường tổ chức. Với cách hành xử  như vậy, nếu bạn ở địa vị của tôi, tình yêu của bạn với Trường, với nghề có bị vơi đi không.

 

Mỗi khi nhìn lại, tôi vẫn luôn tự hào với bản thân mình về quãng thời gian đã qua được đứng trên bục giảng, được yêu thương, tâm huyết với bao thế hệ sinh viên, học viên, đồng thời cũng nhận từ họ bao nhiêu trìu mến. Nhưng, người giảng viên không chỉ cần có thế, sự đãi ngộ của xã hội và trên hết, sự tôn trọng của đồng nghiệp, nhất là những người đi trước cần có cái nhìn nhân ái và thiện chí hơn.

 

Xin đừng biến môi trường sư phạm thành “bãi chiến trường” cho những toan tính, bon chen vị kỷ. Người giáo viên, cũng giống như nghệ sỹ, cần cái “danh” hơn cái “thực”. Các thày cô tự coi mình là lão luyện trong nghề, nhất là khi có các chức danh quản lý, dường như “quên” mất điều đó. Tôi cũng đã từng cay đắng thốt lên với một người bạn rằng: “Ở Việt Nam, dường như Trường Đại học là nơi coi rẻ tri thức nhất. Phải chăng họ luôn thừa tri thức nên không trân trọng nó”.

 

Thực tế đã trả lời, với cá nhân tôi, sau khi rời giảng đường, mức thuế thu nhập tôi đã nộp còn cao hơn mức lương trước đây tôi hưởng để đứng trên bục giảng và sự tôn trọng với tri thức ở cơ quan mới cũng cao hơn... Vậy, chúng tôi rời bục giảng, đâu chỉ vì lý do kinh tế.

 

FOB

 

LTS Dân trí - Ở môi trường làm việc nào cũng cần có tình đồng nghiệp chân thành và thiện chí. Đấy là đôi cánh nâng đỡ cho cán bộ trẻ có thể vượt qua những khó khăn khi bước vào nghề và có thể bay cao bay xa để kế tục xuất sắc sự nghiệp của những thế hệ đi trước.

 

Hơn bất cứ môi trường làm việc nào, môi trường mô phạm của giáo dục càng cần tới tấm lòng nhân ái đó, vì những Người Thầy ở đây gánh vác nhiệm vụ cao cả là sự nghiệp “trồng người”, luôn phải là những tấm gương mô phạm về đạo đức và lẽ sống để những người học trò của mình noi theo.

 

Nếu xây dựng được môi trường làm việc nhân ái như vậy thì chắc ít người nỡ “rũ áo” ra đi cho dù cuộc sống có nhiều khó khăn. Đúng như tác giả viết bài trên đây đã bộc bạch lòng mình: việc ra đi của những giảng viên đâu có phải chỉ vì lý do… đồng tiền!