Bài 7:

Gia đình liệt sỹ tìm công lý 35m2 đất: Hé lộ "bình phong" cho quyết định thu hồi đất!

(Dân trí) - Từ năm 2001 đến nay, chính quyền xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) dùng một biên bản làm việc để làm "bình phong", gạt bỏ mọi lý lẽ của gia đình liệt sỹ đưa ra. Cũng nhờ "cam kết trả đất" này, chính quyền quyết tâm thu hồi bằng được 35m2 đất của gia đình người có công...

Bản "cam kết trả đất" mờ ảo

Trong quá trình điều tra vụ việc gia đình cụ Lê Thị Tứ (vợ liệt sỹ Phạm Hữu Hằng) hơn 10 năm đi tìm công lý 35m2 đất bên QL 10 được nhà nước "đền ơn", PV Dân trí đã được lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Ninh Bình hé lộ bản "cam kết trả đất" của cụ Tứ. Đây chính là bản cam kết khi phóng viên làm việc với UBND huyện Yên Khánh nhưng không được lãnh đạo huyện này tiết lộ.

UBND xã Khánh Nhạc, UBND huyện Yên Khánh đã dùng bản cam kết này làm "bình phong" để chối bỏ mọi lý lẽ của gia đình liệt sỹ đưa ra trong nhiều năm qua. Cũng nhờ bản cam kết này, chính quyền quyết "biến" thửa đất 35m2 của gia đình liệt sỹ thành "đất mượn" và thu hồi bằng mọi giá, bất chấp sự phản ứng, kêu cứu từ phía gia đình người có công.

Biên bản làm việc giữa xã Khánh Nhạc và cụ Tứ tháng 7/2001, chính quyền coi đây là biên bản trả đất của gia đình liệt sỹ nhiều năm qua.
Biên bản làm việc giữa xã Khánh Nhạc và cụ Tứ tháng 7/2001, chính quyền coi đây là "biên bản trả đất" của gia đình liệt sỹ nhiều năm qua.

Bản cam kết trả đất này thực tế là một biên bản làm việc giữa cụ Lê Thị Tứ cùng với lãnh đạo UBND xã Khánh Nhạc, bên cạnh đó là sự có mặt của đại diện nhiều ban ngành trong xã; hội nghị diễn ra vào ngày 22/7/2001 tại trụ sở UBND xã Khánh Nhạc.

Buổi làm việc này UBND xã Khánh Nhạc có ông Mai Xuân Bốn - Chủ tịch UBND xã, ông Vũ Ngọc Bản - Phó Chủ tịch UBND xã, một Ủy viên Ủy ban phụ trách xây dựng và một cán bộ địa chính xã. Ngoài ra, còn có lãnh đạo Đảng ủy xã, các ban ngành đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, MTTQ xã, Công an xã...

Gia đình liệt sỹ chỉ có một mình cụ Tứ. Trong biên bản này nêu ý kiến của cụ Tứ như sau: "Nguyện vọng của tôi xin UBDN xã xây lại, hồi phục như quán cũ để bán hàng trong thời gian tuổi già. Khi tôi qua đời sẽ trả lại mặt bằng cho xã hoặc khi xã xây lại chợ tôi hoàn toàn trả lại".

Chị Lê Thị Hạnh (cháu cụ Tứ) cho hay, thời điểm UBND xã gọi bà ra làm việc (như trên), bà tôi đã hơn 80 tuổi không còn minh mẫn, xã không cho người đi cùng để giám hộ mà chỉ gọi một mình bà ra là có sự mập mờ.

"Chính quyền xã khi đó làm việc như vậy là thiếu minh bạch. Bà tôi già yếu, không được minh mẫn lại không hề biết chữ còn chính quyền xã thì đủ các thành phần như vậy liệu có công bằng. Chính quyền dùng biên bản làm việc đó làm "bản cam kết trả đất" là thiếu cơ sở pháp lý, không đúng với quy định của pháp luật", chị Hạnh nói.

Chữ viết nguệch ngoạc trong tờ biên bản làm việc mà chính quyền làm bình phong bắt dân trả đất. Chữ ký những người có liên quan có mặt trong buổi làm việc cũng không đầy đủ, lãnh đạo xã không đóng con dấu vào biên bản làm việc.
Chữ viết nguệch ngoạc trong tờ biên bản làm việc mà chính quyền làm "bình phong" bắt dân trả đất. Chữ ký những người có liên quan có mặt trong buổi làm việc cũng không đầy đủ, lãnh đạo xã không đóng con dấu vào biên bản làm việc.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, bản "cam kết trả đất" này cũng rất mờ ảo khi chữ viết trong biên bản làm việc được ghi một cách nguệch ngoạc rất khó đọc, sai nhiều lỗi chính tả trong nhiều câu chữ. Bên cạnh đó, dưới cuối bản cam kết các chữ ký của các thành phần tham dự (như đầu biên bản) cũng không được rõ ràng. Nhiều người có mặt nhưng không có chữ ký, đại diện lãnh đạo xã cũng không có dấu đỏ để xác thực về chữ ký và tên tuổi của mình dẫn đến văn bản thiếu căn cứ pháp lý.

Sở Tài nguyên - Môi trường báo cáo gì?

Ngày 21/7/2016, Sở TNMT Ninh Bình có báo cáo số 1248/BC-STNMT báo cáo Tổng cục Quản lý đất đai về vụ việc liên quan đến gia đình bà cụ Tứ mà báo Dân trí nêu. Văn bản này do ông Lê Khắc Khoa - Phó Giám đốc Sở TNMT Ninh Bình ký, viện dẫn nhiều tài liệu liên quan đến vụ việc (báo cáo, tài liệu của UBND huyện Yên Khánh) và khẳng định việc gia đình cụ Tứ xin cấp GCNQSDĐ cho 35m2 đất tại cổng chợ Nhạc là không có cơ sở pháp lý (vì là đất mượn, nằm trong hành lang an toàn giao thông); không đủ điều kiện để xem xét cấp GCNQSDĐ ở.

Cũng trong báo cáo này, Sở TNMT Ninh Bình đã bác bỏ nhiều nội dung mà báo Dân trí đã phản ánh như: Không có việc nhà nước giao đất ao Quận Tào, sau đó đổi đất bên QL 10 cho gia đình bà Tứ; đất bên QL 10 là đất UBND xã cho cụ Tứ mượn; Giấy mời gia đình cụ Tứ cung câp do ông Trần Cường ký khi ông này chưa là Ủy viên Ủy ban xã Khánh Nhạc...

Những thông tin mà Sở TNMT Ninh Bình đưa ra để bác bỏ nội dung báo nêu hoàn toàn trái với thực tế những gì mà phóng viên báo Dân trí điều tra thu thập được và đã có phản ánh qua nhiều kỳ báo.

Giấy mời UBND xã Khánh Nhạc mời cụ Tứ năm 1981 do ông Trần Cường ký hiện gia đình cụ Tứ vẫn lưu giữ.
Giấy mời UBND xã Khánh Nhạc mời cụ Tứ năm 1981 do ông Trần Cường ký hiện gia đình cụ Tứ vẫn lưu giữ.

Theo đó, việc gia đình cụ Tứ (gia đình có công với cách mạng khi có 2 liệt sỹ) được giao 1.800m2 đất ao Quận Tào để sản xuất là có thật, điều này đã được nhiều người nguyên là cán bộ, lãnh đạo xã Khánh Nhạc thời kỳ đó khẳng định.

Ông Phạm Đức Nhẫn (SN 1946) nguyên Xã Đội trưởng xã Khánh Nhạc năm 1980 – 1981 cho hay, gia đình cụ Tứ được UBND xã Khánh Nhạc đồng ý đổi 1.800m2 đất ao thành diện tích đất bên QL10 là theo nguyện vọng của gia đình.

“Trước năm 1980 tôi làm Phó chủ nhiệm Hợp tác xã, thấy gia đình cụ Tứ neo người, 5 xào ao Quận Tào được “đền ơn” bỏ không thì phí nên tôi đề xuất gia đình làm đơn đổi đất ao ra đường QL 10 làm quán buôn bán. Khi gia đình làm đơn đã được xã xét duyệt, đến năm 1981 thì mời ra trụ sở làm thủ tục, cho làm nhà ở trên miếng đất chuyển đổi bên QL10”, ông Nhẫn nói.

Còn ông Nguyễn Văn Hải - nguyên Ủy viên Uỷ ban, phụ trách xây dựng, ruộng đất xã Khánh Nhạc năm 1981 cho biết thêm, một số gia đình chính sách được UBND xã Khánh Nhạc cấp đất “đền ơn” bên QL10 chính tay ông là người đo đạc và “cắt” đất cho từng hộ. Ngoài gia đình cụ Lê Thị Tứ (vợ liệt sỹ Phạm Hữu Hằng) còn có một số gia đình chính sách khác.

Sở TNMT Ninh Bình cho rằng giấy mời ông Trần Cường ký ngày 5/3/1981 mà gia đình cụ Tứ đưa ra là không đúng vì lúc này ông Trần Cường chưa là Ủy viên Ủy ban xã Khánh Nhạc. Sở này viện dẫn: Tháng 3/1981 bà Nguyễn Thị Bốn là Ủy viên ủy ban; tháng 11/1981 ông Trần Cường mời tham gia vào thành viên của UBND xã Khánh Nhạc, chữ viết trong giấy mời tháng 3/1981 không phải của ông Trần Cường.

Nhiều năm trôi qua, gia đình liệt sỹ vẫn trông chờ công lý đến với 35m2 đất đền ơn của gia đình.
Nhiều năm trôi qua, gia đình liệt sỹ vẫn trông chờ công lý đến với 35m2 đất "đền ơn" của gia đình.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Dân trí, trong cuốn "Những sự kiện lịch sử Đảng bộ xã Khánh Nhạc năm 1945 - 1988" (do Ban chấp hành Đảng bộ xã Khánh Nhạc phát hành năm1994), cuối năm 1980 HĐND xã Khánh Nhạc họp bầu ra 40 đại biểu và 7 Ủy viên ủy ban khóa 1978 - 1980, trong đó có ông Trần Cường; cuối năm 1981 bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, ông Trần Cường vẫn được bầu là Ủy viên ủy ban khóa 1981 - 1983.

Nhiều cán bộ nguyên là lãnh đạo xã Khánh Nhạc thời kỳ đó cũng đều xác nhận ông Trần Cường khi đó là Ủy viên ủy ban xã Khánh Nhạc nên ông Cường ký giấy mời cho UBND xã Khánh Nhạc mời cụ Tứ là hoàn toàn đúng thực tế.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Thái Bá