Ninh Bình: Gia đình liệt sĩ chục năm tìm công lý 35m2 đất

(Dân trí) - Nhà nước “đền ơn đáp nghĩa” cho 1.800m2 đất ao, sau đó bà Tứ được địa phương quy đổi thành 35m2 đất bên QL10. Hơn 10 năm qua, chính quyền lấy nhiều lý do không cấp sổ đỏ thửa đất này, UBND xã còn ra quyết định thu hồi vì cho rằng đó là “đất mượn”.

Hô biến đất “đền ơn” thành đất mượn?

Theo đơn phản ánh của bà Phạm Thị Hiềng (69 tuổi) là con gái của cụ Lê Thị Tứ (95 tuổi, xóm 8, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, Ninh Bình), trước năm 1981 gia đình bà được Nhà nước “đền ơn đáp nghĩa” cho 5 xào ao Quận Tào tại địa phương vì gia đình có hai người hi sinh trong kháng chiến bảo vệ tổ quốc là liệt sỹ Phạm Hữu Hằng (hy sinh năm 1951, chồng cụ Tứ) và liệt sỹ Phạm Văn Huống (hy sinh năm 1950, anh trai liệt sỹ Hằng).

Đến năm 1981, xét thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn không thể canh tác, sản xuất ở đất ao được, cụ Tứ xin chính quyền xã quy đổi 5 xào ao (1.800m2) nói trên thành 35m2 đất bên QL10 để xây bán quán nước và được chấp nhận. Ngày 5/3/1981, UBND xã Khánh Nhạc mời gia đình lên thực hiện việc quy đổi. Đến nay, tờ giấy mời họp này vẫn được gia đình cụ Tứ lưu giữ.

Thửa đất 35m2 bên QL10 được cụ Tứ sử dụng nhiều năm qua làm quán bán hàng
Thửa đất 35m2 bên QL10 được cụ Tứ sử dụng nhiều năm qua làm quán bán hàng

Sau 20 năm sử dụng, năm 2001 gia đình cụ xin chính quyền được tu sửa lại ngôi nhà vì quá xuống cấp. Lúc này, Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc đồng ý cho tu sửa. Cùng thời gian này, gia đình cụ Tứ cũng làm đơn xin chính quyền cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất cho thửa đất này vì đất sử dụng đã rất lâu năm.

Tuy nhiên, yêu cầu này của cụ không được chấp thuận vì cán bộ xã cho rằng đây là “đất mượn” của UBND xã nên không được cấp “sổ đỏ”. Từ đó, gia đình cụ Tứ nhiều lần gửi đơn khiếu nại lên xã, huyện yêu cầu giải quyết cho gia đình nhưng đều không được giải quyết đúng theo quy định.

Bà Hiềng bức xúc: “Cán bộ xã, huyện nói đất của gia đình tôi là đất xã cho mượn, khi tôi yêu cầu đưa ra quyết định hoặc văn bản chứng minh việc cho gia đình tôi mượn đất thì lãnh đạo xã lại không đưa ra được bằng chứng nào”.

Cũng theo bà Hiềng, trước những bức xúc của gia đình liên quan đến việc làm thiếu minh bạch của chính quyền địa phương, gia đình bà đã tìm gặp lại nhiều cán bộ xã Khánh Nhạc công tác thời điểm năm 1981 và được họ xác nhận rõ: Gia đình cụ Tứ được cấp thửa đất bên QL10 theo diện chuyển đổi từ 5 xào ao Quận Tào (đất “đền ơn đáp nghĩa”). Tuy nhiên, chính quyền địa phương từ xã lên huyện lại bác bỏ toàn bộ những xác nhận này và cương quyết với quyết định, đất gia đình cụ là “đất mượn”.

Giấy mời năm 1981 của UBND xã Khánh Nhạc về việc đồng ý quy đổi đất cho gia đình được cụ Tứ lưu giữ đến nay.
Giấy mời năm 1981 của UBND xã Khánh Nhạc về việc đồng ý quy đổi đất cho gia đình được cụ Tứ lưu giữ đến nay.

Gần đây nhất, ngày 20/5/2016 Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc là ông Vũ Ngọc Bản ra quyết định thu hồi diện tích đất 35m2 này của gia đình cụ Tứ. Nội dung quyết định nêu rõ : “Thu hồi diện tích đất xã Khánh Nhạc cho bà Lê Thị Tứ mượn kinh doanh tại khu chợ Nhạc”. Lý do là thu hồi diện tích đất nói trên để bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý chợ Nhạc quản lý, sử dụng theo quy hoạch xây dựng chợ Nhạc.

Chính quyền “né tránh” cung cấp thông tin

Tháng 5/2014, UBND xã Khánh Nhạc quy hoạch và xây dựng chợ Nhạc, đồng thời ra thông báo đòi đất đối với gia đình cụ Tứ. Đại diện chính quyền địa phương nhiều lần họp với gia đình nhưng không có phương án thống nhất giải quyết sự việc.

Bà Hiềng nêu rõ, gia đình nhận thấy cán bộ xã, huyện giải quyết công việc không dựa vào chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước cho gia đình có công, không dựa vào Luật đất đai và các văn bản kèm theo để giải quyết. “Tôi đề nghị chính quyền địa phương dựa theo lịch sử, xem xét áp dụng Luật Đất đai và các văn bản luật xử lý công bằng cho gia đình tôi”, bà Hiềng nói.

Trước những phản ánh của bà Hiềng, PV Dân trí đến UBND Khánh Nhạc đăng ký làm việc, tìm hiểu rõ những vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc từ chối cung cấp những thông tin có liên quan.

Quyết định thu hồi đất 35m2 đất của cụ Tứ do Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc ban hành
Quyết định thu hồi đất 35m2 đất của cụ Tứ do Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc ban hành

Ông Tuấn còn đề nghị phóng viên lên Văn phòng UBND huyện Yên Khánh đăng ký làm việc sẽ được cung cấp rõ các thông tin về vụ việc vì tất cả các hồ sơ huyện đều nắm rõ. Ông Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc còn cho hay, phóng viên muốn làm việc phải có giấy giới thiệu của UBND huyện chuyển về, xã mới cung cấp thông tin.

Trước việc “né tránh” cung cấp thông tin cho báo chí của lãnh đạo UBND xã Khánh Nhạc, phóng viên tiếp tục tìm đến UBND huyện Yên Khánh để liên hệ công việc. Tại đây, ông Nguyễn Trọng Mỳ - Chánh Văn phòng UBND huyện sau khi kiểm tra giấy giới thiệu, yêu cầu phóng viên cung cấp Thẻ nhà báo mới làm việc.

Được phóng viên lý giải và cung cấp những thông tin trong Luật báo chí quy định, ông Mỳ lại yêu cầu phóng viên phải có giấy đăng ký công việc với những nội dung phải có chữ ký, xác nhận từ tòa soạn đưa về. Cuối cùng, ông Mỳ yêu cầu phóng viên viết nội dung đăng ký công việc vào tờ giấy, để lại số điện thoại ông sẽ liên lạc lại khi sắp xếp được lịch theo chỉ đạo của lãnh đạo huyện.

Bà Hiềng - con gái cụ Tứ bức xúc trước cách giải quyết của chính quyền địa phương đối với gia đình mình
Bà Hiềng - con gái cụ Tứ bức xúc trước cách giải quyết của chính quyền địa phương đối với gia đình mình

Ông Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Khánh thừa nhận, việc giải quyết những khiếu nại về thửa đất của gia đình chính sách cụ Lê Thị Tứ đã tồn tại nhiều năm nay. Ông Mỳ cũng cho rằng, đất của gia đình là cụ Tứ là “đất mượn”, UBND huyện đang lên phương án “cưỡng chế”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Thái Bá