Chương trình có quá tải không và lỗi do ai?

Bài “Chương trình mới có quá tải hay không” của nhà giáo Đỗ Tấn Ngọc trên Diễn đàn Dân trí ngày 10/4 đã đề cập vấn đề được nhiều người quan tâm. Chúng tôi muốn đóng góp một số ý kiến.

Không nên vội vàng đổ lỗi cho GV

Vấn đề SGK có quả tải hay không, tác giả nêu ra hai luồng ý kiến: phía giáo viên (GV) kêu quá tải, phía Bộ và các tác giả bảo không. Nhà giáo Đỗ Tấn Ngọc cho rằng phía Bộ đúng và khẳng định: Chương trình không quá tải, chỉ vì GV “không biết cách dạy” nên mới gây nên hiện tượng quá tải.

Trước hết, việc Bộ GD-ĐT khẳng định chương trình-SGK không quá tải là không có cơ sở. Bởi vì khi tổ chức kiểm định SGK không căn cứ vào thực tiễn giảng dạy, khả năng tiếp thu của học sinh một cách tổng thể. Khi chưa tổ chức thực nghiệm trên đối tượng học sinh và chưa có số liệu cụ thể về vấn đề này mà chỉ kiểm tra đơn lẻ trên từng cuốn sách, từng môn rồi kết luận chương trình không quá tải là không khoa học. Có thể kiến thức từng bộ môn không quá tải nhưng học sinh (HS) phải học nhiều môn sẽ quá tải.

Muốn biết chương trình-SGK có quá tải hay không phải tổ chức thực nghiệm trên một số lượng HS đủ lớn, đủ thành phần, rồi theo dõi, đánh giá ít nhất trong một năm học mới có thể sơ bộ kết luận. Phải có số liệu cụ thể bao nhiêu HS học chương trình, những vùng miền nào, chất lượng ban đầu ra sao, kết quả, tỷ lệ thế nào…thì mới có cơ sở đánh giá. Theo chúng tôi biết hiện nay chưa có một hoạt động nào như thế được tổ chức cả.

Dựa trên một kết luận thiếu cơ sở, thầy Đỗ Tấn Ngọc vội vàng đổ lỗi cho GV là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng quá tải chương trình. Thầy cho rằng có một bộ phận GV kiến thức chuyên môn non yếu, không biết phương pháp sáng tạo, dạy theo kiểu nhồi nhét, đọc chép nên làm HS quá tải.

Chúng tôi công nhận có một bộ phận GV yếu kém. Nhưng đây không phải là nguyên nhân làm cho chương trình quá tải. Chương trình-SGK hàm chứa một khối lượng kiến thức-kĩ năng nhất định, nếu như nó đã quá tải thì người dạy giỏi mấy cũng không thể khắc phục được.

Giả sử GV thực hiện được yêu cầu hướng dẫn tự học những nội dung SGK đã viết rõ như thầy Đỗ Tấn Ngọc nói, thì cái nội dung tự học ấy cũng không ai làm thay HS được. Càng nhiều môn, càng học lên, nội dung tự học càng nhiều, vậy quá tải là không tránh khỏi.

Giả sử với khối lượng thức ăn cố định, thì người nấu ăn giỏi sẽ làm người ăn dễ ăn hơn và ngược lại, nhưng khối lượng thức ăn phải tiêu thụ không thay đổi. 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Dạy học gãy gọn, tinh giản không phải bao giờ cũng hay. Nhiều vấn đề khoa học không thể đơn giản hoá. SGK viết càng cô đúc càng khó hiểu, và buộc người học phải tìm hiểu thêm nhiều hơn.

Chúng tôi nhận thấy SGK hiện đã rất cô đọng, không biết tinh giản vào đâu, vì khi viết tác giả đã có ý thức tinh giản rồi. Nhiều khi chỉ một vấn đề, GV phải giảng giải rất kĩ lưỡng, lấy thêm nhiều ví dụ thì HS mới sáng tỏ. Những khái niệm “nhân văn”, “thi pháp” hay “tiếp nhận” trong môn Ngữ văn, nếu GV không giảng giải kĩ, chỉ dạy cô đúc để người học tự bơi thì sẽ hết sức vất vả. Nếu bài học nhiều vấn đề, GV không thể tinh giản, thậm chí phải tổ chức thêm các hoạt động ngoại khoá, chuyên đề để HS nắm rõ, sâu hơn.

Việc dạy thêm, học thêm cũng không chỉ có tác hại, làm chương trình quá tải mà có những lợi ích nhất định. Một thực tế là mặc dù nhiều ý kiến phê phán, cấm đoán, song tình trạng học thêm chỉ tăng chứ không giảm. Thậm chí có những người phê phán dạy thêm nhưng rồi cũng buộc con mình đi học thêm. Nếu thầy cô dạy thêm có kiến thức, có phương pháp tốt thì dạy thêm sẽ tạo điều kiện cho HS học tốt hơn, và làm giảm tải chương trình chứ không làm tăng tải. Nếu GV không trung thực trong dạy thêm, khó mà tồn tại lâu dài.

Chương trình có quá tải-“Lên non mới biết non cao”

Khi Bộ GD-ĐT chưa có một khảo sát cụ thể, có tính khoa học về việc chương trình-SGK có quá tải hay không thì từ thực tế rất nhiều nhà giáo-HS đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng này. Nhà giáo Văn Như Cương trong một bài viết gần đây trên “Tuần Việt Nam” đã phân tích tình trạng quá tải của chương trình và đề nghị nên bỏ bớt một số môn, cấu trúc lại chương trình để phù hợp với khả năng HS.

HS THPT hiện nay học khoảng 13 môn, trung bình 25-30 tiết/tuần. Chương trình càng lên cao, càng tiệm cận với chương trình đại học, càng khó, dù các các tác giả SGK đã cố gắng tinh giản. Hãy xem thời khoá biểu của một tuần mới thấy các em phải tiếp nhận một khối lượng kiến thức, kĩ năng khổng lồ như thế nào. Mỗi buổi 4, 5 tiết học, mỗi tiết cách nhau 5-10 phút. HS vừa mới đau đầu với vật lý hạt nhân, hoá học hữu cơ đã bị tra tấn bởi một màn chạy quanh sân vận động, rồi vừa thở vừa học một bài lí luận văn học, với những khái niệm trừu tượng mà GV còn cảm thấy khó. Có lần chúng tôi đã hỏi một GV môn Lịch sử sao đề thi khảo sát chỉ trong 45 phút mà giống như đề tài luận án Tiến sỹ.

Chương trình THCS cũng tương tự, nặng nề không kém vì được cấu trúc “đồng dạng”. Đã có nhiều ý kiến về hiện tượng “đại học hoá” Tiểu học, và có lần người ta đã phải cân chiếc cặp của các em lên xem nặng nhẹ thế nào. Nhiều phụ huynh có con học lớp 1 than phiền việc con phải học quá nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ và không còn thời gian nghỉ ngơi, vui chơi.

Người xưa có câu “Lên non mới biết non cao”, xin các nhà nghiên cứu giáo dục hãy đóng vai HS trong một tuần, hoặc vài buổi mới thấy được cái mệt mỏi, nặng nề của việc học ngày nay.

Trong những giờ giải lao, tôi thường hỏi các em HS về việc chương trình có vừa sức hay không, tất cả các em được hỏi đều than khó, hoặc nói thẳng là học chỉ lơ mơ, vì bài vở quá nhiều, không đủ thời gian. Nếu HS phải học đều tất cả các môn để đạt được kết quả khá, thì quỹ thời gian của HS đó chỉ có học và học.

Hậu quả của chương trình quá tải là việc phân ra môn chính, môn phụ. Thấy HS học quá nhiều môn, nhiều GV cũng không ép HS học căng, vì biết rằng các em không đủ thời gian. Nếu học đều, sẽ dẫn đến “dốt đều”. Những em học không được thì bỏ học, chơi bời, sa đà vào các trò giải trí, vì càng học càng đuối. Nếu để tình trạng này kéo dài thì sẽ gây ra những hậu quả hết sức nặng nề.

Trong tình hình đó, càng lồng ghép, tích hợp thêm nhiều nội dung, chương trình càng quá tải, dẫn đến hình thức, đối phó như thầy Đỗ Tấn Ngọc viết.

Từ đó, chúng tôi nhất trí với ý kiến của thầy văn Như Cương là nên giảm bớt một số môn học, bố trí mỗi học kì chỉ học 6-8 môn. Phải đủ thời gian, điều kiện học tập thì mới có thể nói đến phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tự học của HS.

 

 

                    Trần Quang Đại

GV trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

 

 

LTS Dân trí - Đánh giá một vấn đề gì cũng cần có cái nhìn tổng thể và toàn diện. Muốn biết chương trình học tập của học sinh có nặng nề hay không thì phải căn cứ vào năng lực tiếp thu của số đông học sinh đối với tòan bộ chương trình chứ không chỉ căn cứ vào từng môn học như ý kiến đóng góp của tác giả bài viết trên đây.

Lâu nay, xu hướng chung của những tác giả sọan sách giáo khoa thường nhấn mạnh vai trò quan trọng của môn mình biên sọan và muốn đưa thật đầy đủ kiến thức cho yên tâm. Mỗi môn học chỉ cần thêm một tý, rồi lại thêm các chương lồng ghép, làm cho chương trình tổng thể trở nên nặng nề, bắt học sinh phải học nhồi nhét nhiều nội dung, và có những nội dung không thiết thực đối với học sinh phổ thông.

Không đợi đến ngày nay, từ xưa ông cha ta đã nhấn mạnh phương pháp “Học một biết mười”, nghĩa là biết học và nhớ kỹ những kiến thức cơ bản, có ý nghĩa rường cột, rồi từ đấy suy luận ra. Cho nên ở thời đại văn minh trí tuệ ngày nay, chúng ta càng cần chú trọng nhiều hơn đến việc dạy phương pháp học tập, dạy cách suy luận và sáng tạo cho học sinh, đừng tham nhồi nhét quá nhiều kiến thức, bắt các em phải học thuộc nhiều thứ mà kết quả chẳng nhớ gì, kể cả những kiến thức cơ bản nhất, dẫn tới những sai sót rất ngây ngô, ấu trĩ trong bài làm qua các kỳ thi nhiều năm qua.