Bạn đọc viết:

Chúng ta - những người lớn đã làm tấm gương tốt cho con trẻ chưa?

Khi đọc những tin tức, truy cập các bài viết và hình ảnh trên Youtube thấy cảnh các cháu đánh nhau không khỏi làm tôi bàng hoàng và kinh sợ, lòng tôi rất buồn vì sao cuộc sống ngày càng khá hơn xưa nhưng tình người càng ít đi. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?

 
Thời gian gần đây báo chí VN xôn xao rất nhiều về những vụ đánh nhau, quay phim của thế hệ học sinh, ra đời sau 1990 còn đang ngồi trên ghế PTTH cấp 3, hoặc PTCS cấp 2.

Dù tôi đã sống xa VN cũng khá lâu nhưng những đổi thay của quê hương tôi luôn đau đáu mong chờ và mừng vui.

Mỗi buổi sáng chúng ta thường làm vệ sinh cá nhân trước tấm gương, cuộc đời con người cũng tương tự như thế.

Ngày xưa thế hệ chúng tôi dù sống thiếu thốn trăm bề thời bao cấp nhưng chúng tôi có những “tấm gương” thật trong, thật đẹp để soi bóng nhân cách, lòng nhân ái cho mỗi tâm hồn chúng tôi bằng những hành động thật cụ thể mà tôi còn nhớ như in: những người thầy cô của tôi dù thân hình ốm yếu mỏng như giấy vẫn cặm cụi đạp xe hàng chục cây số về nhà ăn cơm rồi lên lại dạy phụ đạo cho chúng tôi thi tốt nghiệp mà không hề đòi hỏi chúng tôi 1 xu thù lao nào.

Các bạn của tôi làm biếng học... cô chủ nhiệm dạy sinh ngồi khóc nức nở năn nỉ các bạn đó chịu khó học bài...

Những thầy cô giảng viên Đại học của chúng tôi ngày đó cũng đạp chiếc xe cũ kỹ chở từng bó rau muống, vài trăm gram thịt mỡ phân phối về nhà sau những giờ lên giảng đường bụng đói lép kẹp. Thầy cũng chẳng cần trò phải quà cáp biếu xén để đủ điểm ra trường...

Chúng tôi học lúc đấy vì cái tâm, cái lòng chứ chẳng phải vì tiền vì bạc vì biết rằng  ra trường đồng lương nhà nước không chết đói, thì cũng chết thèm chết khát so các vị cán bộ hải quan, thuỷ thủ viễn dương, tài xế xe tải chở hàng lậu, hay "cô thủ kho to hơn thủ trưởng"; những người thầy, người cô dạy chúng tôi cũng vì cái "nghiệp dĩ" mà chuyển tải kiến thức mình cho thế hệ sinh viên mai sau.

Bạn bè ngày xưa của tôi sau này gặp lại môt số ít được giữ lại dạy Đại học sau khi học lên Cao học, Tiến sĩ đều cho rằng: "Thầy cô ngày nay thực dụng hơn xưa không còn nhiều tình cảm và tấm lòng như thời xưa tụi mình còn đi học." 

Thầy cô giáo ngày nay chẳng còn mấy ai làm "tấm gương" sáng phản chiếu nhân cách cho các em.
Chúng ta - những người lớn đã làm tấm gương tốt cho con trẻ chưa?  - 1
Thật buồn là những hình ảnh này ngày càng xuất hiện nhiều hơn

Chúng ta - những người lớn đã làm tấm gương tốt cho con trẻ chưa?

“Lương Y như từ mẫu” - những điều rao giảng đạo đức ngành y của vị giáo sư Đại học Y Dược cho sinh viên ngày hôm trước thì hôm sau, khi thực tập vị thầy, vị Giáo sư đó lại nhận phong bì của bệnh nhân.

Nói con trẻ không xả rác mà chúng ta vẫn xả rác. Nói con trẻ thương yêu quí trọng người già, giúp đỡ người khi hoạn nạn, nhưng chúng ta có dừng xe lại khi thấy một phụ nữ có con nhỏ mang nặng, cần giúp đỡ?

Thầy cô giáo ngày nay luôn nhắc nhở đi học thêm, nếu không bị trù dập điểm thấp.

Tôi từng chứng kiến phụ nữ bống bế hai con nhỏ xách bao nhiêu hành lý lên tàu TN SE1 mà chẳng thấy một người thanh niên nào ra tay giúp đỡ, dù lúc đó xung quanh chị ấy có đến 2-3 người nhân viên tàu lửa và vài thanh niên chỉ đi một túi xách nhỏ trên vai.

Một phụ nữ ốm yếu xanh xao chở hàng đống củi nặng rơi giữa đường Tân Kỳ Tân Quí, Q.Tân Phú mà chẳng một ai mủi lòng dừng xe giúp đỡ, tôi dừng xe lại giúp mà lo âu cho sự an toàn bản thân và người phụ nữ đó khi xe tải chạy ngang xung quanh chúng tôi.

Một lần tôi bị lủng vỏ xe, dừng lai thay bánh xe, một cậu bé Mỹ học Middle School đạp xe trên đường đi học về đến hỏi tôi có cần giúp gì không dù biết em chẳng thể nào giúp được nhưng tôi rất cảm động nghĩa cử đó.

Tôi còn nhớ thuở còn sinh viên trường University of California San Diego, ở khu nghèo gần chợ Việt Nam, đi mua trái cây về đến nhà, chuẩn bị xách vào nhà thì bao trái cây nặng rách vỡ đổ xoà ra lề đường có đến 2 chiếc xe dừng lại giúp tôi (một người đàn ông mạnh khoẻ).

Một cô bé thật xinh xắn, chắc còn học High School từ trên xe Van chạy xuống, người mẹ trẻ ngồi trưóc tay lái đợi con mình giúp một người qua đường lúc đó là tôi. Chiếc thứ hai là một phụ nữ khá già đi xe Ford Escort cũ, cũng bước xuống phụ thu gom trái cây giúp tôi và cô bé.

Người Mẹ của cô bé, và người phụ nữ già là 2 "tấm gương" thật đẹp, thật trong cho hành trang vào đời của cô bé.

Nếu chẳng may tôi bị sự cố như  thế tại VN có ai giúp tôi chăng hay còn bị mắng thêm.

Có lẽ ngày nay các em chỉ học lý thuyết suông về đạo đức mà không có "tấm gương" trong nào xung quanh để các em soi bóng nhân cách của mình.

Tài nguyên, tài sản đất nước rồi cũng cạn kiệt, tài nguyên con người, tính cách nhân cách, khả năng phải đựơc đào tạo bồi dưỡng khi còn bé thơ.

Nước Nhật dù không giàu tài nguyên khoáng sản, nhưng họ biết đào tạo tài nguyên con người, vì sao chúng tao vẫn phải quanh quẩn "bơi trong ao nhà, mà chưa ra đưọc sông lớn để ra Đại Dương ngẩng cao mặt với thế giới" bởi vì chúng ta mới chỉ trên lý thuyết đặt trọng tâm đào tạo con người.

Đọc các bài viết trên báo vừa qua lòng tôi buồn rất nhiều và lo lắng cho thế hệ trẻ của chúng ta.

Xin tóm lại bài viết bằng một câu phát biểu của người giàu nhất thế giới Carlos Slim, Mexico: “Người ta nói rằng nên tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn và để lại cho con cháu. Nhưng theo tôi, tốt hơn hết chúng ta nên tạo những thế hệ con cháu tốt đẹp hơn và để lại cho thế giới".

Cựu sinh viên DHBK TPHCM, 1984-1989.

Security Manager of  GCCS-M & TBMCS Lab, US Navy Department