Ai là thủ phạm trong chuyện “đi thầy” ?

(Dân trí) - Sắp đến ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 hầu như mọi người, ai cũng nghĩ đến những người thầy cô yêu dấu của mình với biết bao kỷ niệm thân thương đáng ghi nhớ. Vậy mà chính chúng ta đã có lúc là thủ phạm tạo nên dư luận không hay về các thầy cô!

Vì vậy, cứ vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 không ít thầy cô giáo bên cạnh những niềm vui được xã hội quan tâm và tôn vinh, cũng có những nỗi buồn và suy tư. Buồn vì phải chứng kiến những chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” trong ngành giáo dục được đăng tải khá nhiều trên các phương tiện  thông tìn đại chúng. Có phải hình ảnh người thầy trong xã hội ngày nay  không còn như ngày xưa nữa chăng?

 

Các bậc phụ huynh  nên nhìn lại mình

 

Xã hội hiện đại ngày nay ai cũng hiểu muốn tiến thân không con đường nào tốt hơn là học hành là để trở thành tri thức. Đó không phải là con đường duy nhất nhưng nó lại là con đường được lựa chọn nhiều nhất.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Hơn nữa người Việt ta vốn có thói háo danh và chuộng bằng cấp, vậy nên lúc nào việc học hành của con cái cũng được quan tâm hàng đầu. Chính vì thế mà vai trò vị trí của người thầy trở nên quan trọng hơn rất nhiều. Vì người thầy có ảnh hưởng quyết định đến chuyện học hành và con đường tiến thân của con em họ. Và như thế nảy sinh nhu cầu “đi thầy” của nhiều người trong xã hội. Con mình học dốt đi thầy đã đành, học khá học giỏi cũng đi thầy. Người ta đi thầy không lẽ mình không đi thầy …(con mình sẽ thiệt), từ đó trào lưu đi thầy nảy sinh.

“Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

Yêu thì năm bảy đường yêu và ngày nay thì yêu thầy bằng cách “đi thầy” là nhanh nhất. Đầu năm học nhiều vị phụ huynh kêu trời vì những khoản đóng góp cao ngất. Trong các khoản đó có quỹ dành cho thầy …và ai dám chống lại cái quỹ đó?

 

“Con hư tại mẹ cháu hư tại bà” và thầy hư là tại ..chúng ta (phụ huynh và học sinh, sinh viên).

 

Những người trong nghề sư phạm có đồng lương vốn ít ỏi. Công chức nhà nước thường tăng lương theo số năm mà giá cả thì tăng lên hàng tháng thậm chí hàng ngày. Cuộc sống của giáo viên nước ta còn nhiều khó khăn thế nên có những người thầy bần cùng, đành lòng nhận “phong bì” của phụ huynh học sinh hay sinh viên.

 

Chúng ta cũng nên thông cảm và hiểu rằng chính chúng ta chứ không phải ai khác đang làm xấu đi hình ảnh những người thầy. Thế nên chúng ta nên nhìn lại mình và thông cảm hơn chứ đừng khắt khe với những suy nghĩ một chiều về những người thầy. Lời của người  xưa “Tiên trách kỉ hậu trách nhân” ngẫm lại thấy bao giờ cũng đúng cả.

 

Truyền thông cần đa chiều hơn

 

Nếu chúng ta để ý sẽ thầy báo chí ngày nay thay vì nói đến gương người tốt việc tốt, là các gương thầy cô giáo mẫu mực hết lòng vì nghề thì lại nói quá nhiều đến những chuyện tiêu cực. Dạo qua các trang báo mạng chúng ta sẽ thấy nào chuyện cô trò chửi nhau rồi ghi âm, hay chuyện cô đánh trò…. Ở cấp nào cũng có từ mầm non tiểu học, trung học đến đại học đều có những vụ bê bối làm xấu đi hình ảnh người thầy. Điều đáng lạ là những chuyện chẳng hay ho như vậy lại được các trang báo coi là tin “hót” và liên tục cập nhật các tình tiết “hấp dẫn”. Và điều dễ hiểu là những câu chuyện như vậy ngay lập tức trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn,  hay ở đâu đó trong các công sở và cả quán nước ven đường. Ngược lại những bài viết về những gương thầy cô là người tốt việc tốt thì lại được viết ít hơn và nếu có thì cũng chỉ một vài bài và sẽ bị nhanh chóng quên lãng. Đó là điều vô lí. Phải chăng chúng ta chỉ thích đọc những cái xấu để rồi nhìn cái gì cũng thấy xấu. Phải chăng chúng ta đã thờ ơ trước những cái đẹp cái tốt và không tin đó là là sự thật nữa.

 

Hậu quả là hình ảnh tốt về những người thầy thì ít ỏi còn hình ảnh tiêu cực thì lan đi nhanh chóng với một tốc độ kinh khủng.  Và câu nói “Tiếng lành đồn gần tiếng dữ đồn xa” càng đúng hơn trong thời đại internet.

 

Từ những lí do trên mà chúng ta có thể hiểu vì sao mà hình ảnh những người thầy người cô đang bị xấu đi từng ngày. Bài viết này không hi vọng khẳng định một điều gì cũng như không ca ngợi một điều gì. Chỉ mong ai đó đọc những dòng này thì xin hãy thông cảm hơn với những người làm thầy. Làm thầy trong thời buổi kinh tế thị trường thực sự không dễ chút nào…

 

                                                        Minh Đức

 

LTS Dân trí - Trước sự việc nào cũng vậy, bao giờ cùng cần có cái nhìn đa chiều. Kẻ nói đi, phải có người nói lại giúp cho dư luận phản ảnh được đúng chân lý khách quan.

Đánh giá về Người Thầy giáo là một công việc hết sức hệ trọng vì nó ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục thế hệ trẻ và cả sự tồn vong của đạo lý dân tộc. Không bao giờ chúng ta dám có thái độ “vơ đũa cả nắm”. Chúng ta luôn tin rằng những trường hợp cụ thể nào đó bị tha hóa, không còn xứng đáng với vai trò mô phạm của Người Thầy thì đấy cũng chỉ là những trường hợp cá biệt, nằm trong số rất nhỏ so với biết bao Thầy Cô giáo chân chính đang vượt lên trên mọi khó khăn, thiếu thốn để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang trong sự nghiệp “trồng người” vì tương lai của mỗi gia đình cũng như sự trường tồn của Dân tộc.

Chúng tôi hoan nghênh những ý kiến đóng góp của tác giả bài viết trên đây thể hiện đúng tấm lòng của nhiều người luôn biết ơn công lao to lớn của các thầy cô giáo đối với bản thân mình cũng như con em mình.

Người xưa đã từng nhấn mạnh những điều thiêng liêng trong đời sống tình cảm: “công Cha, nghĩa Mẹ, ơn Thầy”. Cho đến bây giờ, đấy vẫn là điều tâm niệm đối với mọi người Việt Nam biết trân trọng những đạo lý truyền thống đáng tự hào của Dân tộc!