Trà Vinh:

Chấm dứt tình trạng "bế quan toả cảng" bến phà khiến người dân điêu đứng!

(Dân trí) - Liên quan đến vụ tranh chấp bến phà qua lại giữa huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) và huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh), các cơ quan chức năng của tỉnh Trà Vinh đã chính thức mở lại bến khách ngang sông tuyến Đường Đức - Trà Ếch, sau gần 3 tháng đóng bến do một trong 2 chủ phà không chấp hành pháp luật dẫn tới mâu thuẫn kéo dài nhiều năm.

Ghi nhận của PV ngày 24/7 tại bến phà Trà Ếch không khí vui tươi, tấp nập khi nhiều người dân biết được bến đã hoạt động trở lại, nên đã có mặt từ rất sớm để lên chuyến phà đầu tiên sang sông sau gần 3 tháng bến bị đình chỉ.

Bà Nguyễn Thị Kiều (xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè, Trà Vinh) cho biết: “Mỗi ngày có hàng ngàn người dân ở Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng qua lại bến phà này. Từ khi đóng bến, bà con rất thiệt thòi vì muốn qua sông phải đi xa hơn, mất nhiều thời gian hơn, nay bến được mở trở lại, ai cũng vui”.

Chấm dứt tình trạng "bế quan toả cảng" bến phà khiến người dân điêu đứng! - 1
Bến phà đã hoạt động đông vui trở lại sau 3 tháng đóng bến.
Bến phà đã hoạt động đông vui trở lại sau 3 tháng đóng bến.

Như Dân trí đã phản ánh, năm 2005, ông Ngô Văn Chót (ngụ xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) và ông Hứa Văn Lến (ngụ xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) hợp tác đầu tư khai thác dịch vụ đưa khách qua sông theo hình thức đối lưu. Trong đó, bến Đường Đức (tỉnh Trà Vinh) được UBND huyện Cầu Kè cấp giấy phép hoạt động cho ông Ngô Văn Chót; còn bến Trà Ếch (tỉnh Sóc Trăng) được UBND huyện Kế Sách cấp phép cho ông Hứa Văn Lến.

Đến năm 2011, hợp đồng thuê đất tại bến Trà Ếch hết hạn và chủ đất không cho thuê tiếp, nên ông Hứa Văn Lến thuê đất của ông Lê Công Dũng với thời hạn 10 năm (từ năm 2011 đến năm 2020) để thành lập bến mới cách bến cũ khoảng 50m, được UBND huyện Kế Sách cấp giấy phép hoạt động.

Mâu thuẫn xảy ra khi ông Ngô Văn Chót hợp đồng thuê đất bến cũ và được UBND huyện Kế Sách cấp phép. Cũng vì vậy mới xảy ra tình trạng lịch chạy phà của mỗi bên theo ngày chẵn – lẻ, theo tuần,… khiến người dân gặp khó khi đến bến của ông Lến thì ngày đó lịch chạy phà là của ông Chót và ngược lại.

Trước phản ứng của người dân về bất cập trên, Sở GT-VT Sóc Trăng phối hợp với UBND huyện Kế Sách thống nhất sáp nhập vào một bến do ông Lến làm chủ và không cấp phép cho bến của ông Chót. Tuy nhiên, ông Chót không thực hiện mà vẫn hoạt động ở bến không phép.

Ngày 3/5/2017, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Trà Vinh đã ban hành Quyết định số 62/QĐ-SGTVT, với nội dung: Chấm dứt hoạt động đối với bến khách ngang sông bến Đường Đức của ông Ngô Văn Chót, lý do chủ bến chấm dứt hoạt động; xóa tên bến khách ngang sông bến Đường Đức trong danh mục cảng, bến thủy nội địa lưu giữ tại bộ phận quản lý cảng, bến thủy nội địa của Sở GT-VT Trà Vinh, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; hủy bỏ giấy phép hoạt động bến khách ngang sông ngày 20/3/2017 do Sở GT-VT Trà Vinh cấp cho ông Chót.

Tuy nhiên, ông Hứa Văn Lến cho biết: “Bến đã được các cơ quan chức năng của huyện Cầu Kè và tỉnh Trà Vinh cấp phép hoạt động trở lại, đáp ứng nguyện vọng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Nhưng phía gia đình ông Lê Công Dũng vẫn gây khó khăn cho việc hoạt động của bến phà, ngăn cản quyền sử dụng đất của tôi. Tôi rất mong các cơ quan chức năng của huyện Kế Sách cần xử lý nghiêm hành vi đó của người nhà ông Dũng”.

Trao đổi với PV, Đại tá Nguyễn Văn Hai - Trưởng Công an huyện Kế Sách, cho biết: “Hành vi ngăn cản hoạt động tại bến phà của bà Nguyễn Thị Tho (vợ ông Lê Công Dũng-PV) là vi phạm pháp luật, nên cơ quan chức năng đã giáo dục, xử phạt hành chính. Theo tôi được biết, cơ quan chức năng đã bố trí lịch chạy phà luân phiên cho ông Lến là 20 ngày, ông Chót là 20 ngày. Hôm nay, ông Lến chạy phà thì không xảy ra chuyện gì, có thể đến lượt ông Chót chạy thì bà này sẽ ngăn cản. Lúc đó, nếu bà Tho ngăn cản thì ngành giao thông vận tải Sóc Trăng sẽ bố trí cho ông Chót được cập vào bến cũ (không được UBND huyện Kế Sách cấp phép mấy năm trước-PV)”.

Qua xâu chuỗi sự việc, chúng tôi nhận thấy: Để xảy ra sự tranh chấp kéo dài như trên, trước hết xuất phát từ việc ông Chót đã “bẻ kèo” khi ông Lến và ông thỏa thuận mỗi người chịu trách nhiệm một bến. Thay vì ông Chót phải đưa phương tiện của mình vào bến của ông Lến thì ông lại thuê lại bến cũ, mà theo đánh giá của nhiều người là ông được “độc quyền” làm chủ bến Đường Đức nên muốn có thêm bến riêng ở Sóc Trăng nhằm về lâu dài loại ông Lến khỏi “cuộc chơi”.

Thứ hai, trách nhiệm thuộc về phía UBND huyện Kế Sách và các cơ quan chức năng của huyện này đã thiếu kiên quyết khi ông Chót tiếp tục sử dụng bến không phép. Khi phía gia đình ông Lê Công Dũng có hành vi ngăn cản hoạt động bến phà của ông Lến lại không có biện pháp xử lý kiên quyết, bởi hành vi của ông Dũng đã được phân xử ở 2 vụ kiện dân sự, bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Phía Sở GT-VT Sóc Trăng cũng phải chịu trách nhiệm bởi “đánh trống bỏ dùi” khi ông Chót sử dụng bến phà không phép, nhưng cũng không kiên quyết dẹp bỏ, tạo điều kiện cho ông Chót “té nước theo mưa”.

Bạch Dương