Vụ tranh chấp bến phà qua sông:

Chính quyền lệnh đóng cửa bến phà, dân run rẩy tìm thuyền nhỏ qua sông!

(Dân trí) - Liên quan đến việc đình chỉ hoạt động bến phà Đường Đức (xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) của Giám đốc Sở GT-VT Trà Vinh, ngày 17/5, PV ghi nhận một thực trạng hết sức lo ngại là do không còn phà nên nhiều người dân phải sang sông bằng vỏ lãi thiếu hẳn các phương tiện bảo hộ an toàn.

Ghi nhận của PV, do bến phà bị đình chỉ hoạt động, không còn phà lớn đưa khách sang sông, trong khi nhu cầu qua sông mỗi ngày của người dân là rất lớn nên một số người dân phải dùng vỏ lãi (một phương tiện thường dùng đi lại trên sông nước ở miền Tây, không được phép đưa vào sử dụng trong việc kinh doanh chở khách qua sông) để vận chuyển khách qua sông.

Quan sát một chiếc vỏ lãi đang nhận khách tại bến Đường Đức, PV nhận thấy trên vỏ lãi này không có áo phao, không có các vật dụng bảo đảm an toàn cho khách. Một chiếc vỏ lãi nhỏ nhưng chở 7 người khách cùng 4 xe gắn máy và 2 người là chủ phương tiện. Khi phương tiện chạy ra giữa sông Hậu mênh mông, không ít người ngồi im trên phương tiện nhưng “tim đập chân run”. Điều đáng nói, mỗi chiếc chỉ chở được 2 xe gắn máy và 4 khách, nhưng thực tế có chiếc vỏ lãi chở 9 người và 4 xe gắn máy.

Chị Nguyễn Thị Thanh (quê Bạc Liêu) cho biết: “Chúng tôi đi thăm người nhà ở Vĩnh Long. Khi lên thì đi theo quốc lộ 1A, khi về nghe nói đi phà Đường Đức về Bạc Liêu gần hơn nên đi cho biết. Ngờ đâu đến đây lại không có phà phải đi vỏ lãi thật nguy hiểm. Lần sau không dám đi đường này nữa, thà xa một chút mà an toàn còn hơn”.

Khi khách đến bến phà, có 2 người của chủ phương tiện hợp sức đưa xe của khách xuống. Khi sang bến bên kia, có 2 thanh niên chờ sẵn để đưa xe lên bờ. Mỗi hành khách cùng 1 xe gắn máy, chủ phương tiện thu 50.000 đồng; còn 1 hành khách đi người không họ cũng thu 50.000 đồng. Trong khi đó, lúc còn phà, một người chỉ 8.000 đồng, 1 xe gắn máy 8.000 đồng.

Chính quyền lệnh đóng cửa bến phà, dân run rẩy tìm thuyền nhỏ qua sông! - 1
Người dân qua sông thiếu an toàn khi bến phà Đình Đức bị đình chỉ hoạt động.
Người dân qua sông thiếu an toàn khi bến phà Đình Đức bị đình chỉ hoạt động.

Như Dân trí thông tin, liên quan đến tranh chấp hoạt động bến phà khách sang sông giữa ông Ngô Văn Chót và ông Hứa Văn Lến từ Trà Vinh sang Sóc Trăng, ngày 3/5/2017, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Trà Vinh Phan Anh Quốc đã ký Quyết định số 62/QĐ-SGTVT, với nội dung: Chấm dứt hoạt động đối với bến khách Đường Đức của ông Ngô Văn Chót, lý do chủ bến chấm dứt hoạt động; xóa tên bến khách Đường Đức trong danh mục cảng, bến thủy nội địa lưu giữ tại bộ phận quản lý cảng, bến thủy nội địa của Sở GT-VT Trà Vinh, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; hủy bỏ giấy phép hoạt động bến khách ngang sông ngày 20/3/2017 do Sở GT-VT Trà Vinh cấp cho ông Chót.

Việc Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Trà Vinh ban hành quyết định đóng bến phà nói trên đã gây bức xúc trong dư luận người dân ở một số địa phương của các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh và Vĩnh Long, vì gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn- Phó Chánh Thanh tra Sở GT-VT tỉnh Trà Vinh, việc đình chỉ hoạt động bến phà Đường Đức là việc bất đắc dĩ, bởi 2 chủ phà mâu thuẫn không giải quyết dứt điểm gây mất an toàn cho khách qua sông.

Cũng theo ông Tuấn, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Trà Vinh ban hành quyết định đình chỉ hoạt động bến phà Đường Đức là dựa vào đơn xin chấm dứt hoạt động của ông Ngô Văn Chót và đề nghị của UBND huyện Cầu Kè do 2 bên mâu thuẫn. Khi nào phía tỉnh Sóc Trăng giải quyết xong mâu thuẫn giữa ông Lến và ông Chót thì tỉnh Trà Vinh sẽ mở lại bến phục vụ cho người dân.

Ông Hứa Văn Lến bức xúc: “Mâu thuẫn giữa tôi và ông Chót là do ông Chót tự gây ra khi ông muốn độc quyền cho mình một bến riêng ở phía Sóc Trăng, trong khi 2 bên đã cam kết mỗi người chịu trách nhiệm một bến ở mỗi bờ. Khi tôi mở bến mới, được cấp phép, tại sao ông Chót không đưa phà vào mà lại mở bến khác và bến của ông không được cấp phép. Còn cho rằng giữa tôi và chủ đất có mâu thuẫn thì đã được giải quyết bằng 2 vụ kiện dân sự, bản án đã có hiệu lực pháp luật. Vậy thì, ai vi phạm xử lý người đó. Đáng lẽ phải xử lý những người trong gia đình ông Lê Công Dũng (người cho ông Lến thuê đất) vì hành vi ngăn chặn quyền sử dụng đất của tôi đã được phán quyết của TAND tỉnh Sóc Trăng. Hơn nữa, tranh chấp ở phía Sóc Trăng, tại sao lại đóng cửa bến Đường Đức là nơi không xảy ra tranh chấp”.

Một người dân ở gần bến phà Trà Ếch cho biết: “Theo tôi, vụ tranh chấp giữa ông Chót và ông Lến là có dụng ý từ ông Chót khi ông là người làm chủ bến Đường Đức sau lại muốn độc quyền thêm bến Trà Ếch để giành khách với ông Lến. Còn các cơ quan của tỉnh Sóc Trăng chúng tôi thấy hầu như họ không can thiệp vào hành vi vi phạm pháp luật của gia đình ông Dũng. Theo tôi, cần xử lý những người trong gia đình ông Dũng về hành vi cản trở quyền sử dụng đất của ông Lến, đe dọa an toàn tính mạng người đi phà khi họ ngăn cản không cho phà của ông Chót trả khách tại bến của ông Lến. Nếu chính quyền làm quyết liệt việc này, chắc chắn ông Chót không có lý do gì xin ngừng hoạt động của bến Đường Đức cả”.

Bạch Dương