Cà Mau:

Cấp “sổ đỏ” trái luật hơn 20 năm chưa được giải quyết: Kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm!

(Dân trí) - Liên quan đến vụ “Một vụ cấp sổ đỏ trái pháp luật hơn 20 năm chưa được giải quyết” xảy ra tại huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), bà Lê Hồng Thấm cho rằng, TAND huyện Thới Bình bác đơn yêu cầu đòi lại đất của bà khi có nhiều chứng cứ chưa được xem xét làm rõ là không thỏa đáng. Do đó, bà Thấm có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND huyện Thới Bình.

Theo đơn kháng cáo, bà Lê Hồng Thấm (nguyên đơn) cho rằng, bản án sơ thẩm của TAND huyện Thới Bình (ngày 19/12/2017) bác đơn yêu cầu đòi 1.296 m2 đất, do bị đơn Nguyễn Văn Linh (Lịnh) đã chiếm đất của bà và những yêu cầu khác là chưa thỏa đáng.

Do đó, bà Lê Hồng Thấm kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm “Tranh chấp quyền sử dụng đất” của TAND huyện Thới Bình.

Bà Thấm khẳng định, có rất nhiều tài liệu chứng minh việc bà khởi kiện ông Lịnh đòi lại đất là có cơ sở. Đó cũng là quyền lợi chính đáng mà bà đã mòn mỏi theo đuổi vụ kiện hơn 20 năm qua.

Bà Lê Hồng Thấm kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND huyện Thới Bình.
Bà Lê Hồng Thấm kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND huyện Thới Bình.

Trong đơn kháng cáo, bà Lê Hồng Thấm yêu cầu tòa phúc thẩm xem xét buộc bị đơn Nguyễn Văn Lịnh trả lại 1.296 m2 đất mà bà đã sang nhượng từ thân tộc ông Lịnh vào năm 1988.

Bà Thấm cũng yêu cầu hủy các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Nguyễn Văn Lịnh, cùng các hộ, cá nhân sang từ ông Lịnh và em ông Lịnh trên phần đất đang tranh chấp mà bà đã sang nhượng hợp pháp.

“Đất đang tranh chấp nhưng UBND huyện Thới Bình lại giao quyền sử dụng cho ông Nguyễn Văn Lịnh và các hộ, cá nhân khác. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Lịnh là không thể chấp nhận được, vì năm 1991, ông Lê Văn Miễn (Chủ tịch UBND huyện Thới Bình thời điểm đó) đã chuyển công tác về tỉnh, nhưng lại có chữ ký và tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1993, như vậy là trái luật”, đơn nêu rõ.

Việc mua bán đất vào năm 1988 là có tờ giao kèo giữa phía bà Thấm và thân tộc của ông Lịnh, được chính quyền địa phương xác nhận.
Việc mua bán đất vào năm 1988 là có tờ giao kèo giữa phía bà Thấm và thân tộc của ông Lịnh, được chính quyền địa phương xác nhận.
Ông Lê Văn Miễn (Chủ tịch huyện Thới Bình) đã chuyển công tác vào năm 1991, nhưng năm 1993 lại có chữ ký và tên trong sổ đỏ cấp cho ông Nguyễn Văn Linh là trái luật, nhưng tòa vẫn không xem xét.
Ông Lê Văn Miễn (Chủ tịch huyện Thới Bình) đã chuyển công tác vào năm 1991, nhưng năm 1993 lại có chữ ký và tên trong "sổ đỏ" cấp cho ông Nguyễn Văn Linh là trái luật, nhưng tòa vẫn không xem xét.

Tờ giao kèo sang nhượng đất ngày 28/7/1988 từ phía thân tộc ông Nguyễn Văn Sao (người đại diện hợp pháp cho thân tộc) đứng ra sang nhượng 1.296 m2 đất cho phía bà Thấm. Nếu chia theo quyền thừa kế thì ông Nguyễn Văn Lịnh, Nguyễn Văn Kính (là cháu kêu ông Sao bằng chú) nên không được quyền định đoạt, sang nhượng phần đất này. Tòa sơ thẩm cho rằng, ông Lịnh và anh em ông Lịnh không có tranh chấp quyền sử dụng đất với nguyên đơn là không đúng sự thật.

Bởi lẽ, ngày 12/6/2003, TAND huyện Thới Bình có ra quyết định số 05 về việc “Đình chỉ giải quyết vụ án”. Trong quyết định này có nêu: "Chỉ có đối tượng tài sản nhưng xử lý không nhất quán, việc tranh chấp phát sinh năm 1988 chưa xử lý xong, Ủy ban huyện Thới Bình lại giao quyền sử dụng đất cho anh Lịnh là chưa phù hợp về trình tự cấp quyền sử dụng đất theo luật định. Nên cần đình chỉ vụ án giao hồ sơ về UBND huyện Thới Bình xem xét giải quyết theo thẩm quyền".

Đồng thời, TAND huyện Thới Bình có ra Công văn số 12 do thẩm phán Võ Quốc Văn ký gửi UBND huyện Thới Bình, với nội dung: “Tòa án chuyển vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các đương sự (bà Thấm và ông Lịnh) cho UBND huyện Thới Bình giải quyết theo thẩm quyền. Vậy ủy ban đã giải quyết vụ việc bằng quyết định có hiệu lực pháp luật hay chưa?”. Việc này cũng chưa được làm rõ.

Đặc biệt, năm 2002, ông Mai Thiên Thơ (nguyên thư ký TAND huyện Thới Bình) có đến ghi lời trình bày của ông Nguyễn Văn Sao và ông này cũng xác nhận là đúng sự thật theo tờ giao kèo ngày 28/7/1988 mà ông đại diện thân tộc sang nhượng đất cho phía bà Thấm. Đồng thời, ông Sao cũng yêu cầu tòa án căn cứ vào đó mà xem xét quyền lợi cho phía bà Thấm.

Hơn nữa, năm 2017, ông Vương Văn Nhu (Bí thư Chi bộ Khóm 8, thị trấn Thới Bình) và ông Hồ Công Thành (nhân chứng trước đây đã ở ngay gần phần đất này) đồng xác nhận là bà Thấm có sang nhượng đất từ thân tộc ông Sao, được chính quyền địa phương chứng kiến vào năm 1988 là có thật.

Trong bảng ghi xác minh, ông Nguyễn Văn Sao khẳng định có bán đất cho phía bà Thấm. Ông Sao còn yêu cầu tòa căn cứ vào tờ giao kèo để xem xét quyền lợi cho phía bà Thấm.
Trong bảng ghi xác minh, ông Nguyễn Văn Sao khẳng định có bán đất cho phía bà Thấm. Ông Sao còn yêu cầu tòa căn cứ vào tờ giao kèo để xem xét quyền lợi cho phía bà Thấm.
Cấp “sổ đỏ” trái luật hơn 20 năm chưa được giải quyết: Kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm! - 5
Ông Vương Văn Nhu, ông Hồ Công Thành,... đều xác nhận có việc bán đất giữa phía ông Sao và bà Thấm vào khoảng năm 1988.
Ông Vương Văn Nhu, ông Hồ Công Thành,... đều xác nhận có việc bán đất giữa phía ông Sao và bà Thấm vào khoảng năm 1988.

“Từ những tài liệu, chứng cứ nói trên, HĐXX TAND huyện Thới Bình mà thẩm phán Võ Quốc Văn làm chủ tọa, đã tuyên bác đơn toàn bộ nội dung yêu cầu khởi kiện đòi đất của tôi từ phía ông Nguyễn Văn Lịnh là chưa khách quan và đúng theo hồ sơ vụ việc”, đơn kháng cáo của bà Thấm nêu rõ.

Nhiều chứng cứ tòa không xem xét, bà Lê Hồng Thấm lại chờ một phiên tòa mới để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.
Nhiều chứng cứ tòa không xem xét, bà Lê Hồng Thấm lại chờ một phiên tòa mới để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.

Như Dân trí đã phản ánh, theo hồ sơ, năm 1988, gia đình bà Lê Hồng Thấm (ngụ xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) có sang nhượng lại từ phía ông Nguyễn Văn Sao (người đại diện thân tộc) phần đất 1.296 m2. Giấy tờ sang nhượng có sự chứng kiến và xác nhận của chính quyền địa phương lúc bấy giờ (giấy giao kèo ngày 28/7/1988). Kể từ khi sang nhượng, phía bà Thấm có canh tác và cải tạo phần đất này.

Sau đó vài năm, ông Nguyễn Văn Lịnh (một người trong thân tộc của ông Sao) nhảy vào ngăn cản và tranh chấp với phía bà Thấm phần đất này. Vụ tranh chấp được đưa ra chính quyền địa phương giải quyết từ khoảng năm 1996 và cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này đến bạn đọc.

Huỳnh Hải