Bình Định: Dân cản không cho thi công cầu vì làm nứt nhà

(Dân trí) - “Hôm đó hai bà cháu đang ở nhà đang ăn cơm thì nhà rung chuyển mạnh, lớp áo trên trần nhà rơi xuống chén cơm, mất hồn bà cháu ôm nhau chạy ra khỏi nhà vì sợ nhà sập…”, bà Đỗ Thị Kim Em, một người dân có nhà bị nứt bức xúc.

Đến chiều 31/8, người dân ở tổ 46, KV 9, phường Ðống Ða, TP Quy Nhơn (Bình Định) vẫn chưa cho Công ty TNHH Hồng Phúc (địa chỉ ở huyện Phù Cát) - đơn vị thi công cầu Lê Thanh Nghị (TP Quy Nhơn) tiếp tục thi công vì sợ sẽ làm nứt, sập nhà do thi công đóng cọc.

Bình Định: Dân cản không cho thi công cầu vì làm nứt nhà

Đóng cọc không thông báo cho dân

Cho rằng đơn vị thi công cầu Lê Thanh Nghị (TP Quy Nhơn, Bình Định) khoan cọc nhồi làm nứt nhà, từ ngày 23/8 đến nay, 16 hộ dân ở tổ 46, KV 9, phường Ðống Ða, TP Quy Nhơn, ngăn cản không cho Công ty TNHH Hồng Phúc - đơn vị thi công cầu Lê Thanh Nghị tiếp tục thi công.

Vết trần nhà bị rụng xuống của nhà bà Em mà bà cho rằng là do thi công đóng cọc nhồi làm cầu Lê Thanh Nghị
Vết trần nhà bị rụng xuống của nhà bà Em mà bà cho rằng là do thi công đóng cọc nhồi làm cầu Lê Thanh Nghị

Theo trình bày của các hộ dân, chiều 23/8, khi đơn vị thi công tiến hành khoan, đóng cọc nhồi cầu Lê Thanh Nghị đã tạo ra rung chấn mạnh, nhà cửa rung chuyển, trên tường xuất hiện nhiều vết nứt, thậm chí có nhà bị rơi lớp áo trần nhà. Sợ sập nhà nên các hộ dân bức xúc ra ngăn cản không cho thi công. “Nhà cửa rêm rêm mạnh, đung đưa như đưa võng, bà con mất hồn chạy ra yêu cầu họ ngừng thi công ngay”, chị Phan Thị Lệ Quyên - người dân bị ảnh hưởng cho biết.

Chỉ tay lên vết áo trên trần nhà bị nứt rơi xuống, bà Đỗ Thị Kim Em (56 tuổi, ở tổ 46, KV 9, phường Ðống Ða) bức xúc: “Hôm đó chỉ có hai bà cháu ở nhà, lúc đó tôi đang cho cháu ăn cơm thì chỉ nghe 1-2 tiếng âm thanh lớn từ thi công đóng cọc nhồi làm cầu, nhà cửa rung lắc, trần nhà rơi xuống chén cơm. Mất hồn tôi ôm cháu chạy ra ngoài đường vì sợ nhà sập. Tuy nhà tôi cũ, nhưng trước giờ chưa bao giờ xảy ra tình trạng trần nhà bị nứt rơi xuống. Nhưng từ khi thi công cầu Lê Thanh Nghi tường nhà tôi và nhiều hộ dân ở đây xuất hiện nhiều vết nứt hơn”.

Bà Em cho rằng từ ngày thi công cầu Lê Thanh Nghị nhà bà và nhiều hộ dân lân cận bị nứt nhiều
Bà Em cho rằng từ ngày thi công cầu Lê Thanh Nghị nhà bà và nhiều hộ dân lân cận bị nứt nhiều

Nghiêm trọng hơn, nhà bà Nguyễn Thị Lẹc (79 tuổi) đã xuống cấp nhưng nằm sát ngay công trình đang thi công nên nguy cơ sập cao hơn. Anh Lê Văn Hạnh (41 tuổi, con trai bà Lẹc), bức xúc nói: “Trước khi thi công thì phải thông báo cho dân biết mức độ ép, chấn động ra sao, chứ đây cứ đóng còn nhà cửa nứt, sập thì biết bao nhiêu mà đền bù. Hay khi đó nhà không sập nhưng khi thi công xong họ đi nhà mới sập thì dân biết tìm ai mà đền bù. Thậm chí, khi người dân còn đang ở trụ sở UBND phường để giải quyết thì đã nghe xe đang múc đất gần nhà”.

Lãnh đạo thừa nhận thiếu sót

Ngay sau sự việc xảy ra, chiều 24/8, UBND phường Đống Đa mời các bên liên quan đến trụ sở phường làm việc gồm: 16 hộ dân có nhà bị ảnh hưởng do thi công, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Quy Nhơn, đơn vị giám sát và đơn vị thi công là Công ty TNHH Hồng Phúc.

Bà Lẹc trong ngôi nhà đang xuống cấp nhưng nếu thi công đóng cọc thì nhà bà có thể sập bất cứ lúc nào
Bà Lẹc trong ngôi nhà đang xuống cấp nhưng nếu thi công đóng cọc thì nhà bà có thể sập bất cứ lúc nào

Tại đây, các hộ dân cho rằng việc đóng cọc thi công cầu Lê Thanh Nghị ảnh hưởng đến nhà cửa và đời sống của các hộ dân, đề nghị hỗ trợ cho dân và phải đảm bảo nhà ở các hộ trong mùa mưa bão không sập nhà; thi công cầu gây nứt nhà dân phải xem xét giải quyết và khi thi công phải báo cho dân biết.

Trả lời các hộ dân, ông Huỳnh Thế Tri, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Quy Nhơn - đại diện chủ đầu tư đã thừa nhận nhận thiếu sót về việc đơn vị thi công đóng cọc mà không thông báo trước cho dân biết; yêu cầu phối hợp với đơn vị liên quan xác nhận hiện trạng nhà bị ảnh hưởng và trong quá trình thi công hạn chế độ rung động đến các nhà dân. Tại cuộc họp, ông Tri đã đề nghị đơn vị thi công hỗ trợ trước mắt (1 triệu đồng/hộ) nhưng phía đơn vị thi công cũng như các hộ dân chưa thỏa thuận được với nhau.

Ông Tri cũng cho rằng, việc thi công khoan cọc nhồi sâu gần khu dân cư mà không thông báo trước làm người dân kinh sợ là không đúng. “Trước mắt chúng tôi đã cho cán bộ thống kê hiện trạng nhà dân bị nứt, bị ảnh hưởng do công trình thi công để các bên liên quan thỏa thuận phương án khắc phục những chỗ bị hư hỏng, bồi thường. Nếu nhà bị sập, sẽ xây lại” - ông Tri nói.

Theo ông Phạm Hồng Yên, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Phúc, cho biết: Theo thiết kế, độ sâu cọc móng cầu Lê Thanh Nghị là 40 m. Ngày 23/8, khi công ty tiếp tục đóng thêm 3 m nữa cho đủ độ sâu theo đúng thiết kế tại vị trí cầu M1 (phía phường Đống Đa) thì người dân ra ngăn cản. Công ty đã tạm ngưng thi công, báo cáo cơ quan chức năng.

Nhiều nhà dân bị nứt mà nguyên nhân được cho là từ lúc thi công cầu Lê Thanh Nghị (TP Quy Nhơn) gây ra
Nhiều nhà dân bị nứt mà nguyên nhân được cho là từ lúc thi công cầu Lê Thanh Nghị (TP Quy Nhơn) gây ra

Đại diện đơn vị thi công cũng hứa sẽ giảm bớt chấn động khi thi công để hạn chế rung động đến nhà của dân. Tuy nhiên, hiện Công ty TNHH Hồng Phúc đã tạm dừng thi công khu vực này, chờ giải quyết xong mới tiếp tục thi công đóng cọc.

Được biết, cầu Lê Thanh Nghị dài 72,25 m gồm 4 nhịp, mỗi nhịp 12m; đến nay đã thi công khoảng 75% khối lượng. Cầu sẽ nối khu dân cư Bắc sông Hà Thanh (phường Ðống Ða) với các khu dân cư Ðông Ðiện Biên Phủ (phường Nhơn Bình) và giảm áp lực giao thông ra vào TP Quy Nhơn thông qua 2 tuyến đường Hùng Vương, Trần Hưng Ðạo.

Doãn Công