Thanh Hóa:

“Bất thường” trong việc tuyên hủy giấy chứng nhận QSDĐ của một gia đình

(Dân trí) - Sống yên ổn 80 năm qua trong ngôi nhà ông bà, bố mẹ để lại thế nhưng đến lúc “gần đất xa trời”, hai vợ chồng cụ Trần Văn Hân lại nơm nớp lo bị đuổi ra đường bởi một phán quyết “bất thường” của tòa án.

Ở hơn 80 năm, bỗng dưng bị đòi nhà

Theo tường trình của ông Trần Văn Hân (SN 1935, thôn Đông Hòa, xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) thì ông nội của ông tên là Trần Văn Khôi sinh được 3 người con là Trần Văn Thước, Trần Văn Xước và bố ông là Trần Văn Trược. Năm 1923, ông Khôi xây dựng căn nhà cấp 4 gồm 5 gian, là nơi ông bà ông Khôi cùng con cháu sinh sống và cưới vợ sinh con đẻ cái. Tuy nhiên, hai bác Thước và Xước không sinh được con trai nên ông Hân là cháu đích tôn của dòng họ.

Khi bố ông chết, bác Thước và Xước đã mang ông về nhà nuôi. Do con gái các ông xuất giá lấy chồng nên sau khi các ông này qua đời đã giao lại cho ông Hân toàn bộ tài sản nhà cửa và dặn dò thờ cúng gia tiên. Từ đó, cho đến nay, đã 80 năm qua, vợ chồng ông Hân cùng con cháu sống trên đất và căn nhà cổ của ông nội để lại không có tranh chấp gì.

Hơn 80 tuổi, vợ chồng ông Hân vẫn phải làm đơn kêu cứu
Hơn 80 tuổi, vợ chồng ông Hân vẫn phải làm đơn kêu cứu

Ông Hân cho biết: “Năm 1988, theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, kiểm kê lại toàn bộ đất, tài sản trên đất của từng hộ dân, trong đó có gia đình tôi, tôi đã cung cấp đầy đủ thông tin về đất, tài sản nhà cửa gắn liền trên đất của thôn, lúc bấy giờ ông Nguyễn Văn Nhuệ, Bí thư, thôn trưởng đã xác nhận đất và nhà tôi ở ổn định, không tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng thì ban lãnh đạo thôn, xã làm hồ sơ nộp cấp trên theo đúng quy định luật pháp. Đến năm 2009, gia đình tôi được UBND huyện Hậu Lộc cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Hằng năm chúng tôi nộp đầy đủ thuế cùng các khoản đóng góp khác của địa phương cho ngân sách”.

Thế nhưng, đến năm 2015, không hiểu vì lý do gì, con cháu dòng họ Trần tộc “Đông A” lại làm đơn kiện ra tòa án cho rằng ngôi nhà vợ chồng cùng con cái ông Hân đang ở là ngôi nhà thờ họ nên đề nghị hủy giấy chứng nhận QSDĐ và đòi gia đình ông Hân phải trả lại ngôi nhà ông đang ở cho dòng họ.

“Đây là ngôi nhà của ông nội tôi để lại, ngôi nhà tôi thờ gia tiên chứ không phải nhà thờ họ. Hàng mấy chục năm nay không ai tranh chấp, không ai đến tu sửa hay tôn tạo ngoài bố con tôi. Vậy mà họ Trần “Đông A” là ở từ những Cành nào, Chi nào trong họ, không liên quan gì đến ông nội tôi tự nhiên lại về đòi đất, đòi nhà mà không đưa ra được một minh chứng nào chứng minh là nhà của ông tổ họ” – ông Hân bức xúc cho biết.

Cũng theo ông Hân thì trong dòng họ duy nhất có ông là người cao tuổi nhất, không còn ai cao tuổi hơn để kể về nguồn gốc của căn nhà. Hơn 80 năm qua, ông cùng các con cháu sống tại căn nhà này, không một ai đặt tay đến trùng tu hay tôn tạo.

Ông Trần Văn Ngớ (cũng là người trong dòng họ, thuộc Cành khác) cho biết: “Căn nhà này được gia đình ông Hân sinh sống 10 đời nay không có kiện cáo gì. Khi tôi sinh ra và lớn lên thì được biết căn nhà này là nhà thờ gia tiên chứ không phải nhà thờ dòng họ. Tôi cũng không thấy ai trong dòng họ Trần “Đông A” đến trùng tu tôn tạo cùng bố con ông Hân cả”

Trao đổi với PV, ông Mai Văn Bền, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc cũng khẳng định căn nhà gia đình ông Hân đang ở gần trăm năm nay không tranh chấp gì. “Khi xét duyệt cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho gia đình ông Hân chúng tôi cũng làm rất đúng quy trình. Xã sau khi xét duyệt thì trình lên huyện, huyện lại về thẩm định lại sau đó mới cấp” – ông Bền cho hay.

"Bất thường"trong phán quyết của toà án

Mặc dù trong dòng họ không còn ai cao tuổi hơn ông Trần Văn Hân để có thể nói rõ nguồn gốc của căn nhà. Tất cả những gì trình bày trong đơn của phía dòng họ Trần “Đông A” như đây là nhà ông tổ họ Trần “Đông A”, có tham gia tu sửa, tôn tạo… đều là bằng lời nói của những người còn ít tuổi trong dòng họ.

Hơn nữa, tại biên bản họp họ Trần ngày 26/12/2015, các thành phần tham gia là những người thuộc bên khởi kiện gồm ông Trần Khánh Hòa, ông Trần Đức Ngọc, ông Trần Xuân Hưng còn bên bị kiện chỉ có ông Trần Văn Hân (thời điểm này, ông Hân đang bị ốm, không tỉnh táo).

“Lúc họ đưa biên bản cho tôi, nói tôi ký vào để thống nhất các khoản đóng góp chứ không hề đọc cho tôi biết nội dung nhà tôi đang ở là nhà họ Trần “Đông A”, toàn những nội dung bịa đặt đến khi con cháu nói tôi mới biết. Họ đã lừa ông già hơn 80 tuổi này một cách trắng trợn” – ông Hân bức xúc kể lại.

Căn nhà gần 100 năm ông Hân sinh ra và lớn lên ở đây bất ngờ bị tranh chấp
Căn nhà gần 100 năm ông Hân sinh ra và lớn lên ở đây bất ngờ bị tranh chấp

Ông Hân cũng cho biết, trong biên bản họp còn có nội dung ông và vợ khi chết không được làm ma, thờ cúng trong căn nhà đó. “Căn nhà mà cả cuộc đời cha ông, vợ chồng tôi gây dựng nên, sinh sống gần trăm năm mà lúc chết không được làm ma ở trong đó thì thử hỏi nếu họ không lừa tôi thì hà cớ gì tôi lại ký vào đó?”

Đáng nói, biên bản thể hiện chỉ có phía khởi kiện và bị khởi kiện là ông Hân chứ không có mặt của chính quyền địa phương hay những người làm chứng khách quan, không có mặt con cái ông Hân ở đó vì thế có thể nói biên bản không có tính pháp lý.

Biên bản làm việc tại đền làng Kiến Long với các cụ cao niên trong làng Kiến Long có nhiều ý kiến cho biết từ nhỏ đến lớn đã thấy bố con ông Hân ở trong ngôi nhà đó.

Thế nhưng, bản án của TAND huyện Hậu Lộc thì chỉ dựa vào những biên bản đó, những lời nói không có gì minh chứng của những người phía họ Trần “Đông A” mà TAND huyện Hậu Lộc đã ra quyết định tuyên hủy giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình ông Trần Văn Hân.

Quyết định của TAND huyện Hậu Lộc khiến cho 3 gia đình đang sống trên khu đất của ông cha để lại gồm vợ chồng ông Hân cùng hai cặp vợ chồng con trai ông Hân nơm nớp lo mất nhà mất đất. Bản thân vợ chồng ông Hân “gần đất xa trời” lo không có chỗ làm ma. Bởi nếu cứ chiếu theo nội dung biên bản ông Hân đã ký trong cuộc họp họ thì vợ chồng ông Hân không được làm ma trong căn nhà mà cả cuộc đời ông gắn bó sinh sống.

Ông Hà Huy Hùng, Chánh án TAND huyện Hậu Lộc cho biết: “Trong vụ việc này, chúng tôi thấy dòng họ Trần “Đông A” gửi đơn kiện yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSDĐ là có đủ căn cứ, cơ sở, tất cả đã được thể hiện trong bản án. Bản án hiện chưa có hiệu lực, gia đình ông Hân không chấp nhận bản án nên đã gửi kháng cáo lên cấp cao hơn”.

“Đúng sai như thế nào còn chờ tòa phúc thẩm, nếu tòa án Hậu Lộc chưa đúng thì tòa tỉnh có quyền sửa” - ông Hùng nêu quan điểm.

Nguyễn Thùy