1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Xe ôm công nghệ cùng khách hàng "méo mặt" vì giá xăng

Xuân Hinh

(Dân trí) - "Dù giá cước xe ôm công nghệ tăng nhưng thu nhập của tài xế bị giảm sút. Chưa kể, nếu không may bị hãng xe phạt, ngày hôm đó coi như đi làm không công" - tài xế Huỳnh Văn Can kể.

Tăng thời lượng làm việc mỗi ngày

Xe ôm công nghệ cùng khách hàng méo mặt vì giá xăng - 1

Thu nhập giảm, tài xế công nghệ cố "năng nhặt chặt bị" (Ảnh: Linh Sơn).

Đó là chia sẻ của không ít "bác tài" làm nghề xe ôm công nghệ tại TPHCM khi được hỏi về thu nhập khi xăng tăng giá. Theo nhiều tài xế, khi giá xăng ở mức 17.000 đồng-20.000 đồng/lít, mức thu nhập của họ khoảng 300.000 đồng-500.000 đồng/ngày. Thời điểm đó, trung bình mỗi ngày họ chạy khoảng 20 cuốc xe, với thời gian 8 tiếng. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá xăng tăng cao, có thời điểm lên đến 30.000 đồng/lít khiến thu nhập của tài xế xe công nghệ giảm đáng kể. Nhiều tài xế, muốn ổn định thu nhập để trang trải cuộc sống phải tăng giờ làm, từ 10 tiếng đến 12 tiếng/ngày. 

Xe ôm công nghệ cùng khách hàng méo mặt vì giá xăng - 2

Ông Thu cho hay, xăng tăng giá khiến đời sống xe ôm công nghệ gặp khó (Ảnh: Linh Sơn).

Ông Lại Ngọc Thu, quê Khánh Hòa (51 tuổi, chạy xe ôm công nghệ được 2 năm) cho hay, trước khi gắn bó với nghề này, ông kinh doanh tự do. Vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên ông phá sản, để có tiền sinh hoạt và nuôi gia đình, người đàn ông trung tuổi chọn nghề chạy xe ôm công nghệ.

Với ông Thu, nghề này vất vả vì luôn phải "phơi mặt" ngoài đường. Trước khi giá xăng tăng, ông chỉ chạy xe từ 9h đến 17h đã kiếm được 400.000 đồng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, giá xăng tăng cao, ông phải kéo dài thời gian làm việc của mình thêm 2 tiếng để có được thu nhập tương đương.

"Giá xăng tăng tôi phải bỏ sức lao động nhiều hơn để bù vào. Ví dụ trước kia chạy 8 tiếng/ngày, bây giờ phải chạy 10 tiếng-12 tiếng/ngày để đảm bảo thu nhập", ông Thu chia sẻ.

Tài xế và khách hàng đều khó khăn

Xe ôm công nghệ cùng khách hàng méo mặt vì giá xăng - 3

Anh Can chờ khách đặt xe trên đường Bùi Thị Xuân, Quận 1, TPHCM (Ảnh: Linh Sơn).

Anh Huỳnh Văn Can (24 tuổi, quê Phú Yên) tốt nghiệp đại học nhưng chưa kiếm được việc làm nên chạy xe ôm công nghệ để có thu nhập. Sau khi ra trường, Can phải đối mặt với hơn 2 năm dịch bệnh Covid -19, cuộc sống rất khó khăn. Sau một thời gian suy nghĩ sẽ về quê hay ở lại thành phố, Can đã quyết định đăng kí làm xe ôm công nghệ để trang trải cuộc sống.

Can chia sẻ, khi giá xăng dưới 20.000 đồng/lít, anh chỉ đổ khoảng 30.000 đồng đủ chạy cả ngày. Nhưng bây giờ, đổ 50.000 đồng xăng cũng chưa đủ.  Theo anh Can, dù giá cước xe ôm công nghệ có tăng nhưng thu nhập của các tài xế bị giảm sút. Chưa kể, nếu không may bị hãng xe phạt vì vấn đề khách quan, coi như ngày hôm đó đi làm không công.

Xe ôm công nghệ cùng khách hàng méo mặt vì giá xăng - 4

Giá xăng tăng cao, nhưng cuốc xe hơn 9.000 đồng tài xế vẫn chạy để lấy doanh số (Ảnh: Linh Sơn).   

"Thu nhập giảm, nhưng tôi vẫn phải làm việc để bám trụ lại thành phố. Trung bình một tháng làm được 10 triệu đồng, trừ tiền nhà 2,5 triệu đồng và các khoản chi phí khác, may mắn tôi gửi về quê cho cha mẹ ít tiền để sinh hoạt. Có tháng chạy xe chỉ đủ nuôi bản thân mình", anh Can bộc bạch.

Anh Lê Công Tuấn (ngụ tại Quận 1, TPHCM) là khách hàng thường xuyên của một hãng xe ôm công nghệ gần hơn 2 năm nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây anh buộc phải tự chạy xe vì cước xe công nghệ tăng cao. 

Quãng đường anh Tuấn đi từ nhà đến nơi làm việc dao động từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng. Trung bình một ngày anh chi trả cho tiền đi lại là 40.000 đồng - 50.000 đồng. Nhưng hiện nay, chỉ tính riêng chiều đi anh đã phải chi trả trên 40.000 đồng cho mỗi lần di chuyển đến chỗ làm. Chính vì thế, anh Tuấn quyết định sẽ tự chạy xe đến chỗ làm.

"Chi phí đặt xe ôm công nghệ đi làm hiện nay gấp đôi so với trước kia nên tôi đành phải tự chạy xe đi làm. Thời buổi khó khăn cũng phải tính toán chi tiêu tiết kiệm hơn", anh Tuấn cho hay.

Linh Sơn