Quảng Nam:

Thúc đẩy giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia

Công Bính

(Dân trí) - Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu không vì áp lực giải ngân mà làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Ngày 29/12, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - chủ trì cuộc họp nghe UBND các huyện Nam Trà My, Tây Giang và Phước Sơn báo cáo tiến độ phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn các địa phương, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Quang-nam-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-giam-ngheo-ben-vung_congbinh

Nhờ nguồn vốn của Trung ương và tỉnh Quảng Nam với các chương tình mục tiêu quốc gia, đời sống của người dân miền núi Quảng Nam đã thoát nghèo (Ảnh: Bình An).

Theo báo cáo tổng hợp của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Nam, đến nay các huyện miền núi của tỉnh đang nỗ lực trong giải ngân, dù tỷ lệ còn thấp hơn 50% kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài và năm 2023.

Trong đó, huyện Phước Sơn giải ngân được hơn 139,7/388 tỷ đồng (35,8%), Tây Giang hơn 150/347,7 tỷ đồng (tỷ lệ 43,1%), Nam Trà My 144,1 tỷ đồng/295,9 tỷ đồng (tỷ lệ 48,7%). 

Theo báo cáo, trong quá trình thực hiện, các địa phương gặp khó khăn về cơ chế chính sách như giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 10, nhiều văn bản của các cơ quan Trung ương ban hành để hướng dẫn triển khai thực hiện 3 chương trình nhưng vẫn còn chậm và chưa được đồng bộ.

Một số nội dung còn chồng chéo, đến nay vẫn còn một số nội dung chưa giải quyết hết. Điển hình như triển khai thực hiện Nghị định 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và Thông tư số 55/TT-BTC ngày 15/8/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 46/2022/TT-BTC; một số vướng mắc của từng dự án đến nay vẫn chưa được các Bộ, ngành trung ương hướng dẫn thấu đáo.

Một số nội dung phải trình HĐND tỉnh ban hành quy định, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với quy định tại các văn bản sửa đổi, bổ sung của trung ương.

Việc phân bổ vốn cho 3 chương trình còn chậm so với yêu cầu, đã tạo áp lực giải quyết các thủ tục giao vốn, phân bổ vốn và thủ tục đầu tư, giải ngân vốn cho các địa phương là rất lớn. 

Số danh mục công trình năm 2023 nhiều và phải thông qua HĐND các cấp (huyện, xã) nên còn chậm; công tác chỉ đạo thực hiện của nhiều địa phương còn chưa kịp thời.

Cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng các địa phương ít nhưng cùng lúc phải thẩm định cho quá nhiều hồ sơ các dự án đầu tư, dẫn đến quá tải trong công tác thẩm định dự án đầu tư…

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - đề nghị các huyện triển khai kế hoạch giải ngân chuyển nguồn theo đúng quy định. Đồng thời, tiếp tục rà soát phân bổ kinh phí cho những tiểu dự án, dự án đã có hồ sơ.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu tập trung xây dựng biểu đồ gồm 3 danh mục, gồm liệt kê những dự án chưa hoàn thành hồ sơ; nhóm đã có hồ sơ nhưng chưa thực hiện xác định đơn vị cung ứng lựa chọn nhà thầu, nhóm còn lại đã lại đã đã chọn lựa được đơn vị cung ứng nhà thầu.

Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ, linh động giữa các Sở, ngành liên quan và các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.  

Tỉnh cũng giao Sở Tài chính sớm tham mưu văn bản hướng dẫn chuyển nguồn năm 2024, sử dụng nguồn tiết kiệm sau đấu thầu. Các huyện thực hiện cần sát sao hơn với từng chủ đầu tư để theo dõi chỉ đạo, kịp thời giải quyết những vướng mắc, hạn chế để tháo gỡ. 

 "Áp lực giải ngân là cần thiết nhưng không vì thế mà làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả các dự án. Các ngành, địa phương cần phải tuân thủ, bám sát các quy định, mục tiêu, tiêu chí", Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam nói.