Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên tại các huyện miền núi nghèo tỉnh Quảng Nam

Công Bính

(Dân trí) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 tỉnh Quảng Nam có nhiều điểm sáng.

Tỉnh Quảng Nam hiện có 6 huyện nghèo, gồm Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - cho hay khi rà soát, đăng ký và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện thoát khỏi huyện nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025, 2 huyện Phước Sơn và Bắc Trà My đã đăng ký thoát nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất đăng ký với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.

"Để đạt mục tiêu đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quảng Nam ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên bố trí vốn ngân sách để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi, ưu tiên bố trí vốn theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025", Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho hay.

Bên cạnh đó, chính quyền 2 huyện này cũng tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, thực hiện hiệu quả mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân.

Ngoài ra, chính quyền cũng tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh.

Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên tại các huyện miền núi nghèo tỉnh Quảng Nam - 1

Bộ LĐ-TB&XH tập huấn triển khai chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Công Bính).

Quảng Nam ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên bố trí vốn ngân sách để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi, ưu tiên bố trí vốn theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Trong đó, huyện Phước Sơn đặt mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 6-7%/năm; phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 55,15% cuối 2021 xuống còn 22,06% cuối 2025; thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm; phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm Phước Năng, Phước Chánh, Phước Công và Phước Hiệp; số đơn vị cấp xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn còn 6/12 xã.

Huyện Bắc Trà My giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 6-7%/năm; phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 57,03% vào cuối năm 2021 xuống còn 20,84% vào cuối năm 2025; thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm; phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Trà Sơn và Trà Giang; số đơn vị cấp xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn còn 6/13 xã.

chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-giam-ngheo_congbinh2.jpg

Bà con dân tộc ở miền núi Quảng Nam được tiếp cận nguồn vốn và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo (Ảnh: Công Bính).

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đánh giá mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo tại 2 huyện Phước Sơn và Bắc Trà My trong năm 2022 đều đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra; do đó mục tiêu đến năm 2025, hai huyện Phước Sơn và Bắc Trà My thoát nghèo là khả thi.

Cụ thể, trong năm 2022, huyện Bắc Trà My giảm 488 hộ nghèo, vượt 128 hộ so với chỉ tiêu tỉnh giao; huyện Phước Sơn giảm 635 hộ nghèo, vượt 135 hộ so với chỉ tiêu tỉnh giao.

Về nguồn vốn để thực hiện các chương trình MTQG, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Nam được ngân sách Trung ương phân bổ hơn 1.670 tỷ đồng; tỉnh Quảng Nam huy động hơn 201 tỷ đồng.

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thống nhất trước khi phân bổ cho các ngành và địa phương theo nguyên tắc phân bổ tổng vốn cho từng tiểu dự án, dự án thành phần của chương trình, đảm bảo đúng hướng dẫn của các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư.

Trong năm 2022, toàn tỉnh giảm được 3.981 hộ nghèo đa chiều, giảm 0,96% so với số hộ nghèo đa chiều năm 2021 của chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, vượt 158% so với kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đề ra năm 2022 và vượt so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 7,7%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 10,02%.