Sổ bảo hiểm xã hội có nên coi là tài sản để người lao động dùng vay tiền?

Hoa Lê

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia nêu quan điểm trước đề xuất cho người lao động giảm thu nhập, việc làm bấp bênh được dùng sổ bảo hiểm xã hội vay tiêu dùng ngắn hạn.

Để hỗ trợ người lao động, đồng thời giảm thiểu tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) kiến nghị nghiên cứu, cho người lao động sử dụng sổ bảo hiểm xã hội để vay tiêu dùng ngắn hạn trong bối cảnh thu nhập giảm sút hoặc việc làm bấp bênh.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đồng tình với đề xuất trên.

Theo chuyên gia này, sổ bảo hiểm xã hội là một tài sản của người lao động. Khi họ rơi vào trạng thái giảm việc, mất việc, không có tiền trang trải cuộc sống được dùng sổ thế chấp để vay là một giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt. Với cách này, người lao động gặp khó có một khoản tiền để xoay xở, thay vì nghĩ đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần.

"Đề xuất dùng sổ bảo hiểm xã hội cho vay tín chấp sẽ hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng về việc vay tiêu dùng ra sao. Về nguyên lý, vì là một khoản nên người vay sẽ tiêu có trách nhiệm và vẫn tiếp tục tham gia được bảo hiểm xã hội", bà Hương nói.

Sổ bảo hiểm xã hội có nên coi là tài sản để người lao động dùng vay tiền? - 1

Nhiều ý kiến đề xuất để người lao động được dùng sổ bảo hiểm xã hội vay tiêu dùng ngắn hạn (ảnh minh họa: Quang Tùng).

Theo bà Hương, bảo hiểm xã hội là lương hưu trả chậm. Vì vậy, người lao động không được rút hết. Khi họ khó khăn, cần có những hỗ trợ về tài chính thông minh. Bên cạnh đó, cũng cần sử dụng hiệu quả hơn quỹ bảo hiểm thất nghiệp, vận dụng đòn bẩy về tài chính này để hỗ trợ người lao động.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì nêu thực trạng người lao động vẫn mang sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố, vay tín dụng đen. Đây là hành vi bị nghiêm cấm.

Trong trường hợp người lao động gặp khó khăn về tài chính mà được vay vốn với lãi suất thấp thì đó là cách thức hỗ trợ rất thiết thực. Song, theo ông Quảng, cho phép thế chấp sổ bảo hiểm xã hội để vay tiêu dùng là đề xuất mới, cần có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng.

Trước đó, tại họp báo về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, dự luật đang đề xuất 2 phương án về chế độ hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Theo đó, phương án 1 sẽ giữ như quy định đang áp dụng (nghỉ việc và dừng đóng BHXH sau 12 tháng được hưởng bảo hiểm xã hội một lần toàn bộ quá trình đóng).

Phương án 2 sửa đổi theo hướng quy định nhóm đối tượng như trên chỉ được hưởng tối đa không quá 50% thời gian đóng, phần còn lại bảo lưu tới tuổi nghỉ hưu.

Tuy nhiên, dự luật chưa có điều khoản liên quan tới chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm, dừng đóng bảo hiểm xã hội gặp khó khăn tài chính có thể vay tín dụng thay vì hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Trường hợp này, người lao động có thể sử dụng tiền đã đóng bảo hiểm xã hội (sổ bảo hiểm) như một loại tài sản đảm bảo cho khoản vay. Nếu người lao động không trả được có thể lấy tiền đã đóng bảo hiểm xã hội để trả nợ.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho rằng, đây là một đề xuất hay, nhưng việc xem sổ bảo hiểm xã hội như một loại tài sản đảm bảo khoản vay tín dụng còn liên quan nhiều luật khác. Đơn vị soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu về đề xuất này.

Theo báo cáo đánh giá thực trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động tại Nghị quyết số 93 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2021, có 4,06 triệu người lao động rút một lần trong khi đó có 4,2 triệu người tham gia mới bảo hiểm xã hội. Như vậy, tỉ lệ 1,048 người tham gia mới thì có 1 người rời khỏi hệ thống. 

Bình quân mỗi năm gần 700.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%. Tổng kinh phí chi trả giai đoạn này là 131.940 tỷ đồng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, ở giai đoạn còn trẻ, hầu hết lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Thêm nữa, do áp lực về tài chính và sự thay đổi, gián đoạn trong công việc nên số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, độ tuổi bình quân còn trẻ.