Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Phó Chủ tịch Bình Định: Tập trung 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Doãn Công

(Dân trí) - Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương tập trung giải ngân vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và phải làm vì trách nhiệm với nhân dân, xã hội.

Ngày 20/11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh chủ trì cuộc họp với các địa phương về tiến độ giải ngân các nguồn vốn thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Phó Chủ tịch Bình Định: Tập trung 3 Chương trình mục tiêu quốc gia - 1

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh (Ảnh: Doãn Công).

Nghịch lý có tiền nhưng không biết chỗ tiêu

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, tổng kế hoạch vốn được giao thực hiện 3 Chương trình MTQG (bao gồm ngân sách Trung ương và tỉnh năm 2022 kéo dài và năm 2023) là hơn 974 tỷ đồng.

Nhằm thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Chương trình chia thành 10 dự án thành phần với các tiểu dự án và mục tiêu cụ thể.

Tuy nhiên, số vốn sự nghiệp còn vướng cơ chế, chờ hướng dẫn của Bộ ngành Trung ương không thực hiện được là hơn 44 tỷ đồng. Vì vậy, kế hoạch vốn được giao triển khai thực hiện năm 2023 là gần 930 tỷ đồng.

Tính đến ngày 15/11, tỷ lệ giải ngân thực hiện 3 Chương trình MTQG là hơn 379 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 41%, thuộc tốp thấp so với cả nước.

Thực hiện 3 Chương trình MTQG, huyện Vân Canh được phân bổ 78 tỷ đồng, bao gồm cả vốn kéo dài năm 2022 và vốn bố trí năm nay. Tuy nhiên đến nay, huyện mới giải ngân được trên 35 tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 44%.

Ông Nguyễn Xuân Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh - cho hay, nguyên nhân tỷ lệ giải ngân thấp do vướng một số văn bản Trung ương hướng dẫn chung chung, gây lúng túng cho địa phương thực hiện. Ngoài ra, có nguồn vốn không thể giải ngân được, nhất là nguồn vốn đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.

"Dù lãnh đạo địa phương xuống tận nhà vận động nhưng 1 lớp đào tạo nghề chỉ 7-8 người đăng ký học. Một số bà con đồng bào đi học, một số khác không đi, bởi vì đi học không có tiền, trong khi làm rẫy kiếm được mỗi ngày 200.000-250.000 đồng tiền công. Tổ chức các phiên giao dịch giới thiệu việc làm, địa phương nhiều lần vận động, tuyên truyền nhưng người dân cũng ít tham gia", ông Việt nêu khó khăn.

Phó Chủ tịch Bình Định: Tập trung 3 Chương trình mục tiêu quốc gia - 2

Khu dân cư làng mới Đăk Pok, xã Dăk Mang, huyện Hoài Ân, nằm trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Ảnh: Doãn Công).

Trong khi đó, huyện Hoài Ân là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn cao nhưng cũng không đạt kế hoạch đề ra. Theo lãnh đạo địa phương, ban đầu, các ngành, các đơn vị tiếp cận các Chương trình MTQG, nhiều văn bản hướng dẫn của cấp trên còn chung chung nên việc triển khai các dự án, tiểu dự án còn lúng túng.

Hướng dẫn về định mức kỹ thuật để thực hiện các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế của Chương trình được UBND tỉnh mới ban hành nên việc giải ngân thanh toán vốn chậm so với tiến độ.

Các huyện làm chưa hết trách nhiệm

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định, đến nay các nội dung, vướng mắc mà các địa phương kiến nghị được các Bộ ngành Trung ương tiếp nhận và chờ được hướng dẫn cụ thể bằng văn bản. Đồng thời, UBND tỉnh Bình Định cũng cơ bản tháo gỡ các vướng mắc nhưng tỷ lệ giải ngân vốn vẫn thấp.

Đơn cử việc hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất của dự án 1 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã được phân bổ nguồn vốn từ tháng 3 và Trung ương hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, đến nay có địa phương tỷ lệ giải ngân là 0%, có địa phương giải ngân đạt tỷ lệ thấp, gần 15%.

Lãnh đạo Sở KH&ĐT kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu các chủ dự án, các địa phương phải phấn đấu giải ngân 100% vốn năm 2022 kéo dài (vốn đầu tư) trong năm 2023 thuộc các Chương trình MTQG.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh thẳng thắn nhìn nhận, trách nhiệm này trước hết là lãnh đạo các địa phương, sở ngành làm chưa đến nơi đến chốn, chưa hết trách nhiệm với nhân dân.

"Các dự án dễ làm có quyền lợi thì làm, còn dự án làm cho nhân dân thì triển khai ì ạch, đổ lỗi hết xuống xã, rút cuộc đổ cho người dân. Nói như vậy để thấy rằng trách nhiệm của lãnh đạo với nhân dân, với xã hội thế nào", ông Thanh nói.

Tại cuộc họp, ông Thanh phê bình UBND huyện Vân Canh do thực hiện giải ngân vốn rất thấp.

Ông Thanh đề nghị trong thời gian tới, ưu tiên nguồn vốn Trung ương, trong đó nguồn vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023, yêu cầu các địa phương phải cam kết giải ngân hết.

"Vướng chỗ nào tháo gỡ chỗ đó, làm cho đến khi nào xong thì thôi. Bà con đồng bào ở nhà xập xệ mà không thể giải ngân. Việc này không có gì khó, giờ cứ hỗ trợ người dân, còn thủ tục bà con không biết thì hướng dẫn", ông Thanh nhấn mạnh.