1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Người lao động "mất trắng" 5 chế độ khi rút bảo hiểm xã hội một lần

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Khi rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, đồng nghĩa khi về già người lao động không có lương hưu và mất nhiều quyền lợi an sinh khác.

Thời gian gần đây, tại một số cơ quan BHXH ở TPHCM diễn ra tình trạng đông người lao động đến làm thủ tục rút BHXH một lần. Theo một cán bộ công đoàn, người dân đến làm thủ tục rút BHXH một lần thời gian này đều là những người đã mất việc từ đầu năm 2022, khi cao điểm dịch Covid-19 vừa kết thúc khiến đời sống người lao động rất khó khăn.

Người lao động mất trắng 5 chế độ khi rút bảo hiểm xã hội một lần - 1

Theo BHXH TPHCM, tình trạng người dân rút BHXH một lần đông chỉ xuất hiện ở một vài địa bàn (Ảnh minh họa: Cao Bách).

Theo kết quả khảo sát đời sống lao động TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương vào cuối năm 2022 của Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life), sau đại dịch Covid-19, rất nhiều người lao động lâm vào cảnh khó khăn, thiếu hụt tài chính, phải vay mượn để chi tiêu cuộc sống hàng ngày. Khi mất việc, rất nhiều người chọn phương án làm thời vụ để chờ 1 năm sau sẽ rút BHXH một lần lấy tiền trả nợ.

Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, mất việc sau đại dịch, kinh tế gia đình khó khăn là một trong những lý do khiến một số người lao động lựa chọn rút BHXH một lần để có khoản chi tiêu, trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận nhỏ người lao động vì lợi ích trước mắt, muốn rút BHXH một lần để có được một khoản "tiền tươi".

Theo BHXH Việt Nam, thực trạng này rất đáng lo ngại, không chỉ tạo hệ lụy cho an sinh xã hội quốc gia khi dân số nước ta đang bắt đầu già hóa mà với bản thân người lao động cũng thiệt thòi rất lớn về quyền lợi.

Cụ thể, khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu, "mất trắng" 5 quyền lợi trọng yếu đảm bảo cuộc sống về già.

Thứ nhất, người lao động không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng - nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già.

Người tham gia BHXH khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu sẽ được điều chỉnh tăng định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế chứ không phải là mức lương hưu cố định khi có quyết định nghỉ hưu.

Từ năm 2003 đến nay, Nhà nước đã điều chỉnh tăng lương hưu 17 lần, với mức tăng từ khoảng 7,5% đến 9,3% cho mỗi lần điều chỉnh, tùy theo nhóm đối tượng.

Thứ hai, người lao động mất đi cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người. Đặc biệt, mức hiểm bảo hiểm y tế dành cho người đang hưởng lương hưu được chi trả đến 95%, ưu việt hơn mức 80% của bảo hiểm y tế tự nguyện.

Thứ ba, thân nhân của người lao động không được hưởng chế độ tử tuất khi không may người lao động qua đời.

Nếu người đang hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng sẽ được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu qua đời và thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hằng tháng hoặc một lần.  

Thứ tư, số tiền người lao động nhận BHXH một lần thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH.

Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương.

Nếu người lao động hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.

Thứ năm, khi không rút BHXH một lần, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là "của để dành" quý giá của người lao động, nó không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng. Người lao động tham gia BHXH đủ năm để hưởng lương hưu, nghỉ việc khi chưa đến tuổi hưu có thể bảo lưu quá trình đóng để đến khi đủ tuổi hưu hưởng chế độ hưu trí.

Người lao động mất trắng 5 chế độ khi rút bảo hiểm xã hội một lần - 2

Theo tính toán của cơ quan bảo hiểm, trung bình mỗi lao động đã tham gia BHXH 15 năm mà rút BHXH một lần sẽ thiệt hại khoảng 200 triệu đồng (Ảnh: Tùng Nguyên).