Nghỉ việc vì đau mắt đỏ, người lao động có được hưởng trợ cấp ốm đau?

Hoàng Lam

(Dân trí) - Dịch đau mắt đỏ hoành hành, nhiều lao động phải nghỉ việc ở nhà. Vậy, thời gian nghỉ việc ở nhà điều trị ngoại trú có được tính là nghỉ ốm và được hưởng trợ cấp không?

Suốt 2 tháng nay, nhiều địa phương tại Nghệ An phải đối mặt với bệnh đau mắt đỏ.

Chị Nguyễn Thị Phương (38 tuổi, trú tại xã Nghi Kim, thành phố Vinh, Nghệ An) là công nhân tại một công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử.

Gia đình chị có 2 con nhỏ. Ngày 18/9, bé thứ 2 (đang học tiểu học) bắt đầu bị đau mắt đỏ dẫn tới cả gia đình đều lây nhiễm bệnh.

Theo chỉ dẫn của bạn bè, chị Phương mua thuốc nhỏ mắt về sử dụng. Trong khi 2 con khỏi nhanh thì diễn biến bệnh của chị lại khá nghiêm trọng.

"Sang đến ngày thứ 2 thì hai mí mắt của tôi sưng vù, đau nhức, mắt đỏ, chảy dịch. Tôi đến bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán bị viêm kết mạc cấp và chỉ định nghỉ 5 ngày. Sợ đi làm lây cho đồng nghiệp nên tôi xin nghỉ ốm. Nhưng ở nhà, điều trị ngoại trú như vậy tôi có được thanh toán chế độ ốm đau không?", chị Phương băn khoăn.

Không chỉ chị Phương băn khoăn mà nhiều công nhân, người lao động thắc mắc, trong thời gian nghỉ việc ở nhà do đau mắt đỏ có được thanh toán chế độ ốm đau không?

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Thoa, Trưởng văn phòng luật Thoa Nguyễn, Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An có phân tích cụ thể.

Theo luật sư Thoa, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có đóng Bảo hiểm xã hội, khi ốm đau, phải nghỉ việc, đến các cơ sở y tế thăm khám và có giấy chứng nhận nghỉ việc được hưởng Bảo hiểm xã hội của bệnh viện đều được Bảo hiểm xã hội thanh toán, bao gồm cả trường hợp đau mắt đỏ.

Nghỉ việc vì đau mắt đỏ, người lao động có được hưởng trợ cấp ốm đau? - 1

Luật sư Nguyễn Thị Thoa - Trưởng Văn phòng luật Thoa Nguyễn, Đoàn luật sư Nghệ An (Ảnh: Hoàng Lam).

Cụ thể, từ Điều 24 đến Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, quy định về đối tượng, điều kiện, thời gian, mức hưởng chế độ ốm đau. Trong đó, có 2 trường hợp được thanh toán bảo hiểm, gồm chế độ ốm đau và chế độ nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe.

"Về mức hưởng chế độ ốm đau, theo Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Điều 6 Thông tư 59/2015/ TT-BLĐTBXH, được tính như sau: Mức hưởng chế độ ốm đau = Tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc)/24 ngày làm việc x 75% x số ngày nghỉ việc.

Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau, đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường tối đa 30 ngày nếu đóng Bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên. Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần", Luật sư Thoa phân tích.

Nghỉ việc vì đau mắt đỏ, người lao động có được hưởng trợ cấp ốm đau? - 2

Để được thanh toán chế độ ốm đau, người lao động phải đến cơ sở y tế khám và cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (Ảnh: N. Phương).

Tuy nhiên, để được thanh toán chế độ ốm đau, người lao động cần đến cơ sở y tế để khám và có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội (áp dụng cho điều trị ngoại trú).

Ngoài ra, người lao động cũng được hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Tức là, nếu có con nhỏ dưới 7 tuổi bị đau mắt đỏ, có xác nhận của cơ sở y tế thì bố hoặc mẹ được thanh toán chế độ ốm đau khi nghỉ việc để chăm sóc con.