Lồng ghép 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Lâm Đồng thành lập 1 ban chỉ đạo chung cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện tốt việc lồng ghép, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thống nhất 1 ban chỉ đạo

Tính đến ngày 31/12/2022, dân số Lâm Đồng là gần 1,37 triệu người với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 338.000 người, chiếm khoảng 26% dân số toàn tỉnh.

Trong cơ cấu dân tộc của Lâm Đồng, dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên là gần 224.000 người, chiếm 17% dân số. Một số dân tộc thiểu số có dân số đông như: Cơ ho (gần 176.000 người), Mạ (gần 39.000 người), Chu ru (hơn 22.000 người), Nùng (hơn 24.000 người), Tày (hơn 20.000 người), M'nông (gần 11.000 người)…

Về phân bố dân cư, toàn tỉnh có 78 xã và 478 thôn, tổ dân phố có trên 15% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tại Lâm Đồng có nhiều thôn, tổ dân phố, xã mà đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chiếm trên 80% dân cư.

Với những đặc điểm trên, các mục tiêu của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 triển khai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có nhiều điểm trùng khớp với nhau.

Để công tác chỉ đạo, quản lý các Chương trình MTQG được thống nhất, tránh trùng lắp và phát huy hiệu quả nhất nguồn lực, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chủ động kiện toàn Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Lâm Đồng, chỉ đạo chung cho cả 3 Chương trình MTQG từ tháng 1/2022.

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã quyết định thành lập Ban Quản lý cấp xã để tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn.

Lồng ghép 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số - 1

Lâm Đồng lồng ghép các nguồn lực của 3 Chương trình MTQG nhằm phát triển tốt hơn kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh minh họa: Hải Long).

Tính đến tháng 7, các huyện, thành phố của Lâm Đồng đã hoàn thành xong việc thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo và các xã đã thành lập Ban quản lý cấp xã theo quy định. Bộ máy giúp việc của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện cũng đã kiện toàn, giúp cho Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình MTQG trên địa bàn.

Ngoài việc thống nhất 1 ban chỉ đạo chung, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 39/2023/QĐ-UBND quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025. Theo quyết định này, UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư nhằm triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh.

Nhờ sự thống nhất chỉ đạo này, Lâm Đồng có thể phối hợp nhịp nhàng việc triển khai lồng ghép các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, thống nhất phương hướng chỉ đạo từ cấp tỉnh đến tận các địa bàn dân cư.

Hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2%

Theo báo cáo kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025, Lâm Đồng xác định mục tiêu chính là tiếp tục đầu tư và dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân trong vùng dự án và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, tỉnh đưa các mục tiêu kinh tế lên hàng đầu như: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề; đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh doanh khởi nghiệp và thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Từ đó, từng bước hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và xây dựng các vùng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao.

Lâm Đồng cũng đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể như: Giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khoảng 3%/năm; thu nhập bình quân đầu người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tối thiểu bằng 70% thu nhập bình quân đầu người của tỉnh; giải quyết cơ bản vấn đề ổn định dân cư, dân di cư tự do ở vùng DTTS và vùng đặc biệt khó khăn…

Theo báo cáo này, Lâm Đồng quyết tâm trước năm 2025 sẽ được công nhận là tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có trên 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trên 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025.

Trên cơ sở Trung ương giao kế hoạch vốn thực hiện, tỉnh Lâm Đồng đã bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, đồng thời lồng ghép, huy động các nguồn lực để thực hiện các chương trình thuộc kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng về hạ tầng, thu nhập, y tế, giáo dục, văn hóa, giảm nghèo… đã có sự thay đổi rõ rệt.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được cải thiện, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân đầu người năm 2022 đạt 77,67 triệu đồng (tăng 14,77 triệu đồng so với năm 2020).

Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh sau 2 năm triển khai đã giảm 1%. Riêng hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số giảm đến 2%.

Nhiều chỉ tiêu nông thôn mới có cải thiện rõ rệt như: Tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 92% (tăng 2% so với năm 2020); tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa là 91%, tăng 0,5%...

Hiện toàn tỉnh có 107/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Để thực hiện tốt việc lồng ghép, huy động nguồn lực thực hiện các Chương trình MTQG, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo xây dựng các đề án, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh, triển khai lồng ghép các chương trình, dự án.

Một số dự án lồng ghép mục tiêu của cả 3 Chương trình MTQG như: Cơ chế hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn theo phương thức "Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ vật tư"; quy định mức hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã; hỗ trợ phát triển hệ thống ao hồ nhỏ...

Các nguồn vốn được bố trí theo hướng ưu tiên cho các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã phấn đấu về nông thôn mới.