Đề nghị tạo quỹ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Lê Thanh Xuân

(Dân trí) - Theo đại biểu Quốc hội, thiếu đất ở, đất sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã, đang đặt ra nhiều vấn đề và cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để tập trung giải quyết.

Thách thức trong giải quyết đất ở, đất sản xuất

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội vừa qua, đại biểu K'Nhiễu (Lâm Đồng) cho hay, hiện nay các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang có sự gia tăng dân số nhanh. Do vậy, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân ở đây thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, áp lực. 

Theo đại biểu K'Nhiễu, nguồn lực đất đai là yếu tố chi phối sự phát triển của mỗi cộng đồng, đặc biệt là dân tộc thiểu số. Đồng bào dân tộc thiểu số là nhóm yếu thế, cần có quan tâm đặc biệt và có chính sách hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt biệt, khi số lượng hộ nghèo, cận nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số đang chiếm hơn 55% tổng số hộ nghèo của cả nước.

dai-bieu-K'Nhieu_phạmthang

Đại biểu K'Nhiễu (Ảnh: Phạm Thắng).

Ông K'Nhiễu cho rằng, hệ thống pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập khiến việc thực hiện mục tiêu tháo gỡ khó khăn về đất ở, đất sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn.

Do vậy, cần tạo quỹ đất hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là quỹ đất có nguồn gốc nông lâm trường, thực hiện theo Điều 182 của Luật Đất đai hiện hành.

Trên thực tế, ở nhiều nơi, người dân đã trồng cây từ nhiều năm và dựa vào đó làm kế sinh nhai qua nhiều thế hệ. Đây là vấn đề rất khó khăn cho công tác quản lý con người về đất rừng tự nhiên trên địa bàn cả nước cũng như trên địa bàn Tây Nguyên.

Do đó, đại biểu K'Nhiễu đề nghị cần tập trung người dân vào sinh sống, sản xuất tại vùng đất đã được quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng, hạn chế thiệt hại do thiên tai, du canh, du cư tự do.

Cần quan tâm tới chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số

Thảo luận về dự án Luật đất đai sửa đổi tại hội trường Quốc hội, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho rằng cần quan tâm tới chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số hơn. 

Đại biểu Phạm Thị Kiều nhận thấy, dự thảo Luật đất đai sửa đổi lần này đã có 2 quy định riêng và 13 quy định cụ thể đối tượng là dân tộc thiểu số. Tuy vậy, một số nội dung cần được điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số.

dai-bieu-pham-thi-kieu_phamthang

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Ảnh: Phạm Thắng).

Nghị quyết số 18 của Trung ương cũng nhận định, việc giải quyết đất đai, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở một số nơi còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Do đó, nội dung dự thảo Luật lần này cần có những quy định rộng hơn, rõ hơn. Đây là điều rất đáng vui mừng, là sự mong chờ của đồng bào các dân tộc thiểu số và các cơ quan thực thi chính sách, nhất là để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của các địa phương. 

Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, chính sách chưa có đánh giá tác động hoặc đánh giá tác động chưa đầy đủ nên khi thi hành sẽ khó khăn. Bên cạnh đó, trên thực tế, từ tình hình tranh chấp đất đai, đơn thư khiếu kiện về đất đai ngày càng phức tạp. 

Đề nghị tạo quỹ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số - 3

Cần quan tâm tới chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh minh họa: Đặng Dương).

Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật phải thực sự thận trọng, thấu đáo, cân nhắc kỹ lưỡng và phải được Quốc hội quyết định theo khoản 5 Điều 70 Hiến pháp năm 2013.

Cùng với đó, Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định bao quát, giải quyết thấu đáo, đáp ứng được mong muốn của từng dân tộc trong điều kiện nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế và nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cũng đang khó khăn.

Do đó, đại biểu bày tỏ thống nhất cao với quan điểm luật hướng tới ưu tiên cho những cho những dân tộc khó khăn nhất, những vùng đặc biệt khó khăn, những trường hợp là người nghèo, cận nghèo mới thoát nghèo còn khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau.

Theo báo cáo về kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số của Ủy ban Dân tộc thực hiện năm 2019 cho thấy, cả nước có 24.532 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, 210.400 hộ dân tộc thiểu số có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất.

Để giải quyết vấn đề này, tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/2/2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó nội dung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất được triển khai thực hiện tại Dự án 1 của Chương trình.

Để triển khai, thực hiện các bộ, ngành, địa phương có liên quan đã ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định các nội dung được giao.