1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Huyện nghèo "mắc kẹt" vì cây thoát nghèo

Hoàng Lam

(Dân trí) - Gừng được xác định là cây trồng chủ lực của huyện nghèo Kỳ Sơn, Nghệ An, nhưng nay, gừng thu hoạch xong không biết bán đi đâu, dù giá đã xuống đáy.

Khi cây thoát nghèo rớt giá thảm 

Giống gừng bản địa do đồng bào Mông các xã Na Ngoi, Tây Sơn, Đọoc Mạy, Nậm Cắn, Huồi Tụ, Keng Đu và Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn trồng trên núi cao có vị cay đậm, hàm lượng tinh dầu cao. Đây là loại nông sản được xác định là cây trồng chủ lực của huyện nghèo vùng biên giới.

Huyện nghèo mắc kẹt vì cây thoát nghèo - 1

Người trồng gừng ở Kỳ Sơn đang lâm vào cảnh được mùa nhưng rớt giá thê thảm (Ảnh: K.S).

"Năm 2019, sản phẩm gừng Kỳ Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Sau khi được cấp chứng nhận, giá trị kinh tế từ cây gừng cao hơn rất nhiều và trên thực tế, nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhờ cây gừng", ông Phan Văn Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn cho hay.

Giá gừng củ tại Kỳ Sơn cao điểm lên tới trên 36.000 đồng/kg. Riêng vụ gừng năm 2020-2021, giá ổn định ở mức 28.000-30.000 đồng/kg. Cây gừng dễ trồng, dễ chăm sóc, bán lại được giá nên người dân đã mở rộng diện tích trồng vụ 2021-2022 lên gần 850 ha.

Ông Vi Văn Oanh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Sơn cho biết: "Vụ gừng này toàn huyện ước tính đạt 5.400 tấn củ nhưng người trồng gừng lại rơi vào cảnh được mùa - mất giá. Giá gừng hiện tại thấp kỷ lục, chỉ 5.000 đồng/kg. Giá thấp như thế nhưng người trồng gừng cũng không bán được".

Huyện nghèo mắc kẹt vì cây thoát nghèo - 2

Gừng Kỳ Sơn có vị cay đậm, hàm lượng tinh dầu cao và được xác định là cây trồng chủ lực của huyện nghèo này (Ảnh: Huyện đoàn Kỳ Sơn).

Hiện có hơn 60 hộ dân trồng gừng là thành viên của Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn được ký kết bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ. Còn lại, phần lớn người trồng tự phát đang lâm vào cảnh gừng thu hoạch mà không có người mua.

Trước tình hình trên, huyện Kỳ Sơn đã giao Hội nông dân huyện đứng ra làm đầu mối, vận động thu mua, hỗ trợ người trồng gừng trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Phạm Văn Mạnh, với tinh thần hỗ trợ tối đa cho người dân, Hội đã đứng ra kết nối, tiêu thụ gừng với mức giá 5.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường từ 600-800 đồng/kg.

Huyện nghèo mắc kẹt vì cây thoát nghèo - 3

Sau khi được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, giá trị kinh tế và diện tích gừng bản địa Kỳ Sơn tăng lên nhanh chóng (Ảnh: Huyện đoàn Kỳ Sơn).

"Sau 2 tháng kết nối, Hội nông dân huyện mới chỉ giúp bà con tiêu thụ được 60 tấn gừng, con số quá nhỏ so với sản lượng gừng toàn huyện. Hiện gừng mới được kết nối tiêu thụ đến các hội nông dân và các tổ chức đoàn thể xã hội khác nhưng số lượng rất hạn chế. Chúng tôi đang nỗ lực kết nối với các doanh nghiệp, địa phương trong và ngoài tỉnh để thu mua gừng cho nông dân", ông Mạnh thông tin.

Theo tính toán của Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn, nếu mỗi hộ dân trong tỉnh tiêu thụ giúp 2-3kg thì sẽ giải quyết được đáng kể sản lượng gừng trên toàn huyện. Tuy nhiên, để kết nối theo phương thức này cần phải có sự chung tay của chính quyền và đoàn thể các địa phương.

Chiến lược dài hơi cho cây thoát nghèo

Giống gừng bản địa có hàm lượng tinh dầu cao, vị cay đậm đặc trưng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Kỳ Sơn. Đặc biệt, với sự hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón và cách thức sản xuất sạch, cây gừng có nhiều tiềm năng để phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế ở huyện nghèo Kỳ Sơn.

Diện tích và sản lượng gừng nơi đây tăng hàng năm, nhưng cũng giống nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản khác của Kỳ Sơn như mận tam hoa, đào... loại nông sản này đang bế tắc đầu ra.

Huyện nghèo mắc kẹt vì cây thoát nghèo - 4

Dù có sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, tổ chức, đặc biệt là Hội nông dân huyện Kỳ Sơn nhưng gừng mới chỉ được tiêu thụ một lượng nhỏ so với sản lượng của toàn huyện (Ảnh: Huy Đức).

"Giá hỗ trợ 5.000 đồng/kg thì người trồng mới hòa vốn thôi. Trong khi gừng trồng trên nương rẫy, thu hoạch, vận chuyển khó khăn, dễ hư hỏng, dập nát, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Nếu tình trạng được mùa mất giá không được giải quyết thì gừng lại đối mặt nguy cơ giảm diện tích hiện hữu, người dân sẽ bỏ trồng loại cây chủ lực này", ông Phạm Văn Mạnh lo lắng.

Ông Vi Văn Oanh cũng cho rằng, việc kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ cho người dân chỉ là biện pháp tình thế để giải quyết tình trạng ứ đọng gừng trước mắt. Để cây gừng thực sự là cây thoát nghèo bền vững cho người dân, cần có chiến lược dài hơi hơn.

Trong đó, việc đưa các hộ dân vào những hợp tác xã để liên kết khâu trồng và tiêu thụ sản phẩm là rất cần thiết. Bên cạnh đó, đẩy mạnh khâu chế biến bằng việc kết nối với các doanh nghiệp để xây dựng các nhà máy sơ chế, hay chế biến dược liệu từ gừng trên địa bàn cũng là giải pháp cần được tính đến.

Huyện nghèo mắc kẹt vì cây thoát nghèo - 5

Để ổn định đầu ra, giảm phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ, cần thiết phải đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến gừng (Ảnh: K.S).

Hiện tại, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn mới có duy nhất một cơ sở chế biến các sản phẩm từ gừng (tinh dầu gừng và bột gừng) nhưng quy mô nhỏ, lượng tiêu thụ không đáng kể.

"Chúng tôi hỗ trợ bà con tiêu thụ nhưng kho bãi có hạn, sản phẩm gom về nếu không kịp tiêu thụ thì có nguy cơ hư hỏng, hao hụt hay giảm chất lượng. Nếu chưa đủ khả năng chế biến các sản phẩm dược liệu từ gừng thì việc xây dựng nhà máy sơ chế gừng củ, sấy gừng cắt lát trên địa bàn cũng giải quyết được tình trạng được mùa mất giá, giảm sự phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ như hiện nay và quan trọng nhất là để người trồng yên tâm tiếp tục gắn bó với loại nông sản đã có thương hiệu này", ông Phạm Văn Mạnh nói.