Bình Định:

Chương trình mục tiêu quốc gia: Đòn bẩy phát triển vùng dân tộc thiểu số

Doãn Công

(Dân trí) - Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa rất lớn, kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt đời sống vật chất, tinh thần, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển nhanh, giảm nghèo bền vững.

HĐND tỉnh Bình Định thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (DTTS&MN) tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2030 từ tháng 7/2022.

Theo đó, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm 3-4%; khoảng 10 xã và 4 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; giải quyết cơ bản công tác định canh định cư, an sinh xã hội đảm bảo, giảm nghèo nhanh, bền vững…

Tuy nhiên, khi triển khai Chương trình có một số tồn tại khiến địa phương lúng túng trong giải quyết.

Phóng viên Dân trí đã có trao đổi với ông Bùi Tiến Dũng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định về các giải pháp căn cơ tháo gỡ khó khăn để Chương trình đạt hiệu quả, đi vào cuộc sống nhân dân.

Chương trình mục tiêu quốc gia: Đòn bẩy phát triển vùng dân tộc thiểu số - 1

Ông Bùi Tiến Dũng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, trao đổi với Dân trí về các giải pháp căn cơ tháo gỡ khó khăn để Chương trình đạt hiệu quả, đi vào cuộc sống nhân dân (Ảnh: Doãn Công).

Thưa ông, Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa như thế nào đối với Bình Định, nhất là với đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh?

- Chương trình mục tiêu quốc gia là chương trình lớn của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chương trình mục tiêu quốc gia: Đòn bẩy phát triển vùng dân tộc thiểu số - 2

Chương trình mục tiêu quốc gia, từng bước góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở Bình Định (Ảnh: Doãn Công).

Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển rõ rệt.

Tại Bình Định, Chương trình MTQG là nguồn lực rất lớn, đáp ứng nhu cầu cho hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đất ở, đất sản xuất, đặc biệt là nhà ở.

Địa phương đã triển khai 3 công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ nhà ở đối với 68 hộ; nước sinh hoạt phân tán cho 250 hộ và chuyển đổi nghề 679 người. Dự kiến đến cuối năm nay, các huyện tiếp tục hỗ trợ nhà ở đối với 52 hộ.

Cùng với đó, địa phương tập trung phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng trường học, các công trình nước sạch. Qua đó, giúp bà con ở các huyện miền núi và trung du có điều kiện nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Chương trình mục tiêu quốc gia: Đòn bẩy phát triển vùng dân tộc thiểu số - 3

Bố trí nguồn vốn xây dựng khu dân làng mới Đăk Pok, xã Đăk Mang, huyện Hoài Ân (Ảnh: Doãn Công).

Trong thời gian qua, Bình Định đã nỗ lực giải ngân để triển khai các dự án, tiểu dự án, đến nay tỷ lệ giải ngân hơn 59,4%. Trong đó, riêng trong năm nay, đã giải ngân hơn 153/260,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 58,69%; trong đó vốn đầu tư đạt 62,86% và vốn sự nghiệp đạt 58,95%. Tuy nhiên, khi triển khai Chương trình còn vướng một số bất cập nên kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.

Thực tế chung khi triển khai Chương trình tại các địa phương đều bộc lộ những bất cập, vậy Bình Định đã gặp những khó khăn gì thưa ông?

- Bình Định có 7 thôn đặc biệt khó khăn không thuộc các xã khu vực II, III; trong khi đó, theo quy định của Chính phủ, thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II, III mới được thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Vì vậy, người dân sinh sống tại đây không được thụ hưởng chính sách.

Cũng theo quy định này, đồng nghĩa với 7 thôn đặc biệt khó khăn trên không được hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống và hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào DTTS&MT trên địa bàn tỉnh thuộc Dự án 6.

Chương trình mục tiêu quốc gia: Đòn bẩy phát triển vùng dân tộc thiểu số - 4

Một góc xã An Dũng thuộc huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định (Ảnh: Doãn Công).

Về hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú trong tỉnh, Ban Dân tộc có văn bản hỏi và được Ủy ban Dân tộc trả lời: việc đầu tư cơ sở vật chất đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh, phù hợp với mục tiêu, đối tượng tại Tiểu dự án 1, Dự án 5.

Tuy nhiên, ngày 29/6/2023 ,Đoàn giám sát số 920 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm việc với tỉnh Bình Định, đề nghị tỉnh không dùng vốn của Chương trình đầu tư các trường phổ thông dân tộc nội trú, vì không thuộc phạm vi của Chương trình.

Bộ GD&ĐT chưa có hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện nội dung đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS&MN của Tiểu dự án 2.

Ngoài ra, ngày 21/6/2023, Ủy ban Dân tộc cũng có văn bản về việc tạm dừng thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Vì vậy, các địa phương không triển khai thực hiện được nội dung này.

Vậy theo ông đâu là nguyên nhân cần khắc phục?

- Có nhiều nguyên nhân, trong đó khách quan là các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương nhiều, nhưng ban hành còn chậm, chưa rõ ràng, chưa phù hợp với thực tế tại địa phương; nhiều vướng mắc của địa phương chưa được giải đáp, tháo gỡ kịp thời.

Chương trình mục tiêu quốc gia: Đòn bẩy phát triển vùng dân tộc thiểu số - 5

Bộ mặt nông thôn ở huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định ngày càng khởi sắc (Ảnh: Doãn Công).

Nguyên nhân chủ quan, Chương trình có rất nhiều nội dung thành phần, tiểu dự án, dự án rất mới, gây lúng túng trong triển khai và các sở, ngành, địa phương cần có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và triển khai.

Các sở, ngành, địa phương thụ hưởng chương trình phải chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể của cấp trên để triển khai đúng quy định nên làm chậm quá trình triển khai thực hiện và giải ngân vốn.

Đâu là giải pháp căn cơ để triển khai Chương trình đạt hiệu quả, đi vào cuộc sống, thưa ông?

- Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu, rà soát những văn bản Trung ương và tỉnh còn thiếu để kiến nghị Trung ương ban hành hoặc thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh ban hành.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai kế hoạch truyền thông, tuyên truyền về Chương trình theo các kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương trong phối hợp, tham mưu xây dựng, hoàn thiện và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình…

Ông có kiến nghị, đề xuất gì?

- Với vai trò là cơ quan giúp việc của Ban Chỉ đạo về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, đến nay Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành đầy đủ các văn bản pháp lý về chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện, phân bổ vốn. Đặc biệt là về phân cấp quản lý, cơ chế quay vòng vốn trong hoạt động phát triển sản xuất.

Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan đánh giá công tác chỉ đạo thực hiện của lãnh đạo các huyện; đánh giá việc chấp hành quy định về phân bổ, giao kế hoạch vốn, tình hình triển khai và các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các Chương trình MTQG.

Rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình; kiến nghị, đề xuất Trung ương, UBND tỉnh các giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân các nguồn vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.