Nghệ An:

Xót xa mỗi lần mưa lũ đi qua

(Dân trí) - Đến hẹn lại lên song lũ năm nay dường như đến sớm hơn mọi năm nên người dân xứ Nghệ trở tay không kịp. Và thêm một lần nông dân xót xa nhìn mưa lũ đi qua...

“Lúa mùa này mất trắng nhà báo à. Năm nay lại một mùa đói nữa rồi. Nông dân chúng tôi cứ đến mùa mưa lũ lo lắm mà chẳng biết làm thế nào cả”, một nông dân chia sẻ nỗi buồn mất mùa lúa.

Nông dân lao đao vì mưa lũ

Những ngày qua trời xứ Nghệ mưa như trút nước. Từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng đến thành phố đâu đâu cũng ngập nước. Hàng ngàn ha lúa chuẩn bị đến mùa thu hoạch, hàng ngàn diện tích lúa trong trà trổ muộn đã chìm trong biển nước. Và hàng ngàn hộ dân đang đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực, nước sạch.
 
Xót xa mỗi lần mưa lũ đi qua - 1
 
Xót xa mỗi lần mưa lũ đi qua - 2
Những "cánh đồng chết"

Cầm chiếc liềm nhón chân bơi khắp ruộng lúa tìm những bông còn nguyên hạt chưa nảy mầm, chị Nguyễn Thị Phương ở xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An rầu rĩ: “Chưa bao giờ nông dân chúng tôi buồn như năm ni. Mùa mưa lũ đợt này kéo dài quá, trà lúa hè thu chuẩn bị thu hoạch thì nay đã hỏng hết, chẳng gặt được bông nào cả, đến cọng rơm cũng nỏ (không) có cho trâu bò ăn mô (đâu)...”.

Không riêng gì gia đình chị Phương, hàng ngàn hộ dân ở huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương - dọc tuyến sông Lam những ngày qua hứng chịu nước từ thượng nguồn đổ về kèm theo mưa lớn đã nhấn chìm hàng trăm ngàn ha lúa. Chăm chút cả mùa, đến kỳ thu hoạch thì nông dân bỗng chốc trắng tay, mất mùa đến thê thảm.

Cả gia đình trông chờ vào 4 sào lúa hè thu, do mưa lũ những ngày đã làm ngập tất cả, bây giờ ông Nguyễn Xuân Hạnh ở huyện Hưng Nguyên còn mỗi con trâu là đầu cơ nghiệp dắt đi ăn trên đê Tả Lam.Nhìn vào dòng nước sông Lam đục ngầu, cuồn cuộn chảy mà nước mắt ông trực trào: “Cả nhà 5 miệng ăn trông chờ vào 4 sào lúa, nay nước nhấn chìm hết sạch trơn không một bông lúa cũng chẳng một gốc rạ, thêm một mùa lúa úa màu”.

Thu hoạch nông sản chạy lũ

Mảnh đất bãi bồi ven sông Lam tại huyện Nam Đàn được xem là màu mỡ, trồng cây gì cũng cho năng suất cao... Chính trên mảnh đất màu mỡ này, hàng trăm người dân Nam Đàn đã đầu tư trồng sắn mấy năm nay và và từ cây sắn nhiều hộ gia đình đã thoát khỏi cảnh nghèo đói. Thế nhưng, mưa lũ kéo dài trong những ngày qua đã làm cho hàng trăm hộ nông dân tại HTX Nam Lộc (Nam Đàn, Nghệ An) phải thu hoạch sắn non chạy lũ. Đồng nghĩa với việc thu hoạch sắn non là năng suất thấp và mất giá.

Vụ hè thu 2011, HTX Nam Lộc là một trong những địa phương trồng nhiều sắn nhất toàn huyện Nam Đàn, với gần 45 ha sắn cao sản. Theo đúng lịch trình thời vụ, phải đến cuối tháng 10/2011 bà con mới có thể tiến hành thu hoạch. Tuy nhiên đợt mưa lũ vừa qua đã làm gần 90% diện tích bị ngập lụt (40/45 ha), trong đó có nhiều khu vực bị ngập sâu, sắn bị nước lũ ngâm trong thời gian 3-4 ngày. Trước tình hình đó, lãnh đạo xã đã chỉ đạo bà con gấp rút thu hoạch trên các diện tích bị ngập, tránh mất trắng.

Ông Nguyễn Xuân Lành, Bí thư Đảng ủy Nam Lộc cho biết: “Đặc thù cây sắn không chịu được nước, củ sẽ bị hư hại, trong khi đợt lụt này lại kéo dài nên chúng tôi phải cho người dân thu hoạch ngay, được củ nào hay củ đó”.
 
Xót xa mỗi lần mưa lũ đi qua - 3
Thu hoạch sắn non chạy lũ

Hơn 1 tuần qua, bà con nông dân Nam Lộc đã chạy đua với lũ để thu hoạch sắn. Do các con đường đều bị lũ chia cắt nên người dân phải sử dụng thuyền bè để vận chuyển. Sắn được tập kết ngay tại Quốc lộ 15A để bán cho các thương lái thu gom. Theo đó, giá sắn non chỉ dao động từ 800 - 1.200đ/1kg, (trong khi giá sắn cuối vụ thu hoạch năm ngoái là từ 1.500 - 2.000đ/1kg).

Theo phản ánh của bà con, do thu hoạch non nên năng suất không cao. Mặt khác, sắn của bà con đều bị ngâm nước nên giá bán không được như mong đợi. Bình quân với mỗi sào (500m2), trừ hết mọi chi phí, người nông dân chỉ thu về khoảng 600 - 800 ngàn đồng. Trong khi thu hoạch chính vụ, thu nhập của bà con sẽ cao hơn rất nhiều.

Trong những ngày qua mực nước sông Lam tại Nam Đàn lên nhanh bởi nước từ thượng nguồn đổ về. Nước lũ rút chậm khiến cho việc thu hoạch  nông sản của bà con gặp khó khăn. Hiện tại, vẫn còn rất nhiều diện tích sắn ngập lũ chưa thể thu hoạch được, nhiều hộ nông dân đang đối mặt với cảnh trắng tay ở vụ sắn năm nay.
  

Nguyễn Duy