Hà Nam:

Về Lam Hạ nghe chuyện 10 nữ dân quân anh hùng

(Dân trí) - Những ngày tháng 3, chúng tôi có dịp về Lam Hạ, nơi trước đây từng ghi nhận những trận đánh ác liệt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; quê hương của 10 nữ dân quân đã anh dũng hy sinh trong những ngày toàn quốc kháng chiến năm 1966.

45 năm trôi qua từ sau khi 10 cô gái dân quân Lam Hạ hy sinh, nhưng giờ đây mỗi khi nhắc về 10 cô nữ dân quân ngày ấy, bà Nguyễn Thị Tình, chỉ huy đội nữ dân quân vẫn không cầm được nước mắt và sự xúc động của mình...

Câu chuyện cảm động về 10 nữ dân quân kháng chiến

Để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện cảm động 45 năm trước, chúng tôi đã tìm về thôn Hòa Lạc, xã Lam Hạ, thành phố Phủ Lý (Hà Nam). Khi hỏi chuyện về 10 cô gái Lam Hạ, chị Nguyễn Thị Hương, một người dân địa phương cho biết: “Các chú cứ vào nhà bà Nguyễn Thị Tình sẽ biết rõ. Ngày trước, bà ấy là chỉ huy của 10 nữ anh hùng đấy”.
 
Về Lam Hạ nghe chuyện 10 nữ dân quân anh hùng - 1
Bà Nguyễn thị Tình, người chỉ huy 10 nữ dân quân đang kể lại những ngày tháng oanh liệt

Đi thêm vài trăm mét, chúng tôi đã có mặt tại căn nhà nhỏ đơn sơ của bà Nguyễn Thị Tình. Dù đã bước sang tuổi 70 nhưng bà Tình vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Khi nghe chúng tôi nhắc đến câu chuyện về 10 nữ anh hùng Lam Hạ, giọng bà thốt trầm xuống, ánh mắt xa xăm. Xúc động khi nhớ về những đồng đội từng một thời chiến đấu, trên khóe mắt của người nữ dân quân năm xưa lăn dài những giọt nước mắt nhớ thương đồng đội.

Bà Tình bùi ngùi hồi tưởng: “Tôi vẫn nhớ như in năm sinh, năm mất của các nữ dân quân ngày trước. 10 cô hy sinh ở các trận địa khác nhau, lúc đó các cô tuổi cũng chỉ khoảng 18, 20 thôi. Tại trận địa pháo 37 ly, ngày 1/10/1966 có 6 cô hy sinh gồm: Cô Đinh Thị Tâm (sinh năm 1948), Trần Thị Tuyết (sinh năm 1947), Phạm Thị Lan (sinh năm 1944), Vũ Thị Phương (sinh năm 1943), Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1948) và Nguyễn Thị Thi (sinh năm 1950). Trên trận địa pháo 57 ly, ngày 2/10/1966, cô Đặng Thị Chung (sinh năm 1944) hy sinh. Còn trận địa pháo 100 ly, ngày 9/10/1966 có cô Nguyễn Thị Thuận (sinh năm 1948), Trần Thị Thẹp (sinh năm 1944) và Nguyễn Thị Oánh (sinh năm 1942) cũng anh dũng hy sinh”.

Lam Hạ do nằm gần đường Quốc lộ 1A, có tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua nên luôn là mục tiêu đánh phá của Mỹ. Nơi đây là địa điểm họp mặt, bàn chiến lược của các anh chị em chiến sỹ, đặc biệt là các nữ dân quân trong xã. Bà Tình kể: “Lúc đó, tôi 27 tuổi, là người nhiều tuổi nhất nên được cử làm trung đội trưởng để chỉ huy, còn trẻ nhất là cô Nguyễn Thị Thi mới 16 tuổi. Đội của chúng tôi tập trung 20 người, lúc ấy ai cũng chỉ biết làm sao đánh đuổi được bọn giặc xâm lược chứ cho nghĩ gì đến chuyện sống chết”.
 
Về Lam Hạ nghe chuyện 10 nữ dân quân anh hùng - 2
Ông Phạm Văn Quỹ người quản trang nơi an nghỉ của 10 nữ dân quân

Theo trí nhớ của bà Tình, đêm 1/10/1966, sau khi bộ đội và dân quân của địa phương chiến đấu chống lại trận đánh của Mỹ thì bất ngờ chúng quay sang phá hỏa lực của ta, trong đó tiêu biểu là trận địa 37 ly đóng tại xã Lam Hạ do các nữ dân quân đang chốt giữ.

Địch thả bom liên tục, khiến nhiều người bị thương. Đặc biệt là hình ảnh chị Đinh Thị Tâm bị bom cứa nát chân trái nhưng tay chị vẫn ôm chặt lấy súng. Còn chị Trần Thị Tuyết và Phạm Thị Lan bị bom đánh đến mức máu và thân mình hòa quện với trời đất. Cùng hy sinh trong trận địa này vẫn còn 3 nữ xạ thủ nữa là chị Vũ Thị Phương và hai chị em ruột chị Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Thi.

Còn mãi hình ảnh 10 nữ anh hùng

Để hiểu thêm về 10 nữ dân quân Lam Hạ anh hùng, chúng tôi tìm về thăm gia đình mẹ Phạm Thị Quỳ - mẹ của hai liệt sỹ Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Thi cùng người chị gái của hai liệt sỹ là chị Nguyễn Thị Vượng.

Bà Vượng nhớ lại: “Năm ấy cái Thu 18, Thi 16 tuổi, cả hai đều ăn uống luyện tập ở ngoài trận địa. Năm 1966 khi máy bay Mỹ ném bom đánh phá Phủ Lý, lúc ấy Thu và Thi vẫn đang làm nhiệm vụ, cái Thu hy sinh tại trận địa còn cái Thi đang hấp hối nên anh Thái, anh trai chúng tôi đưa nó vào viện xá. Trong hơi thở gấp do bị bom tiện gần đứt chân trái, Thi nói vào tai anh Thái: “Đặt em xuống đây rồi anh quay lại đánh Mỹ tiếp đi, nhớ phải thắng đó”. Sau đó, Thi được đưa vào bệnh viện, biết mình không qua khỏi do vết thương quá nặng, mất nhiều máu nên Thi đã xin bác sĩ không tiêm thuốc tê nữa mà để dành chữa trị cho các đồng chí khác bị thương. Sau hôm đó, Thi hy sinh”.
 
Về Lam Hạ nghe chuyện 10 nữ dân quân anh hùng - 3
Bà Nguyễn Thị Vượng cùng di ảnh của em gái - liệt sỹ Nguyễn Thị Thu
 
Ngày 2/10/1966, Mỹ tiếp tục đánh bom tại trận địa pháo 57 ở thôn Hòa Lạc, xã Lam Hạ. Lập tức, đội trưởng Nguyễn Thị Tình cùng chị em đã vào chống đỡ lại bom đạn của địch. Tại đây, chị Đặng Thị Chung đã hy sinh.

Đến ngày 9/10/1966, Mỹ tập trung đánh trận đại pháo 100 ly tai thôn Đường Ấm làm 3 nữ xạ thủ trúng bom. Chị Nguyễn Thị Thuận bị bom tiện chân và chị đã hy sinh ngay chiều cùng ngày trên bàn mổ.

Anh Nguyễn Văn Phước, Trưởng thôn Đường Ấm, xã Lam Hạ và là em trai của chị Thuận vẫn không quên được hình ảnh chị Thuận ngày hôm ấy: “Chị chẳng ăn uống gì bốc vội nắm ngô rang vừa đi vừa ăn và khoác khẩu súng k44 chạy ra trận đánh tiếp. Lúc chị Thuận bị thương mới nhập viện, tôi cùng mẹ vào viện thăm. Gặp mẹ, chị cố nói bằng giọng hấp hối, “Con còn sống mà, khi nào đuổi hết bọn Mỹ xâm lược con mới chết. Lúc ấy chị gái tôi còn hai tháng nữa là tròn 18 tuổi sẽ được kết nạp Đảng, vậy mà...”, giọng anh Phước trầm xuống..
 
Cũng trong trận chiến hôm đó còn hai nữ xạ thủ khác hy sinh là chị Nguyễn Thị Oánh và Trần Thị Thẹp. Ông Phạm Văn Quỹ, 80 tuổi, hiện là quản trang nghĩa trang liệt sĩ xã Lam Hạ vẫn nhớ rõ cái ngày mà chị Oánh mất. Lúc ấy khoảng 9h30, ông được phụ trách chở cô Oánh đi bệnh viện nhưng khi lên đến nơi, chưa kịp cấp cứu chị Oánh đã hy sinh với nhiều mảnh đạn găm vào thân thể.
 
Về Lam Hạ nghe chuyện 10 nữ dân quân anh hùng - 4
Trưởng thôn Nguyễn Văn Phước bên bàn thờ chị gái của mình - liệt sỹ Nguyễn Thị Thuận.

Ông Quỹ cho biết thêm, việc bảo tồn nghĩa trang liệt sĩ được UBND xã Lam Hạ quan tâm rất tốt. Hàng năm vào các ngày lễ có rất đông người dân ở các địa phương lân cận về dâng hương tưởng nhớ 10 cô gái Lam Hạ.

Mảnh đất nơi đây vẫn còn lưu lại nhiều vết tích của chiến tranh với những kỷ vật kháng chiến. Bản thân người quản trang như ông Quỹ cũng như những người dân Lam Hạ vẫn luôn nhớ về hình ảnh của “10 nữ dân quân Lam Hạ” dù năm tháng trôi qua.

Rời Lam Hạ giữa tiết trời giá lạnh của miền Bắc những ngày tháng ba, nhưng trong lòng chúng tôi vẫn cảm nhận được hơi ấm bởi mảnh đất nơi đây đã nuôi dưỡng những người con gái kiên cường đã xả thân vì tổ quốc, vì mảnh đất quê hương. Những thế hệ hôm nay vẫn nhớ về các chị như những người anh hùng đã ngã xuống cho quê hương.

Cao Tuân - Duy Tuyên