DNews

Vấn đề an toàn thực phẩm tại TPHCM sẽ ra sao khi có Sở mới?

Q.Huy Tâm Linh

(Dân trí) - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm khẳng định không để xảy ra những "khoảng trống" trong công tác xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn khi được nâng cấp từ Ban lên Sở.

Vấn đề an toàn thực phẩm tại TPHCM sẽ ra sao khi có Sở mới?

"TPHCM có hơn 10 triệu người sinh sống và làm việc, người dân không nghỉ ăn ngày nào, vì vậy đặt ra nhu cầu và yêu cầu rất lớn về thực phẩm. Do đó chúng tôi sẽ tiếp tục đảm bảo công tác đảm bảo sức khỏe người dân", bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, bày tỏ quyết tâm trong ngày công bố thành lập Sở mới, ngày 30/12.

Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của Việt Nam được thành lập, nâng cấp từ Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, theo Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí, bà Phong Lan bày tỏ, kỳ vọng của người dân, cộng đồng, các cấp lãnh đạo vào Sở là rất lớn. Ngay sau khi đi vào hoạt động, Sở An toàn thực phẩm sẽ bắt tay ngay vào việc giải quyết các công việc còn dở dang, từng bước nâng cao những mục tiêu trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Vấn đề an toàn thực phẩm tại TPHCM sẽ ra sao khi có Sở mới? - 1

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, rạng rỡ trong ngày công bố thành lập 30/12 (Ảnh: Q.Huy).

Những công việc đầu tiên của Sở mới

Trong những ngày cuối cùng của năm 2023, UBND TPHCM đã công bố thành lập Sở An toàn thực phẩm thành phố. Với cương vị là người đứng đầu sở, bà có thể chia sẻ về những định hướng trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm thành phố thời gian tới?

Quyết định thành lập Sở An toàn thực phẩm TPHCM có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2024. Ngay từ những ngày cuối năm, chúng tôi đã có sự phân công công việc để tránh những "khoảng trống" khi chuyển đổi từ ban thành Sở.

Những công việc cũ của Ban An toàn thực phẩm trước đây sẽ tiếp tục được thực hiện, chỉ khác là thực hiện với danh nghĩa cấp Sở. Trong năm 2024, trách nhiệm và những công việc cụ thể trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được nâng cấp so với trước đây.

Chúng tôi biết sự kỳ vọng lớn của người dân, cộng đồng và các cấp lãnh đạo vào sở. Chúng tôi còn nhiều việc dở dang. Vì thế, Sở An toàn thực phẩm sẽ hoàn thành nhiệm vụ đã đặt ra và từng bước nâng cao những mục tiêu.

Ví dụ trong việc xây dựng chuỗi thực phẩm sạch, Sở An toàn thực phẩm sẽ đẩy mạnh hợp tác với Hội công nghệ cao TPHCM, áp dụng công nghệ thông tin để người dân có thể truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nhất là thực phẩm. Đây là một trong những kế hoạch dài hơi của chúng tôi.

Khi còn là cấp ban, có nhiều việc khi làm còn có phần "nhát tay". Sau khi thành lập Sở, chúng tôi rất an tâm để thực hiện các định hướng này, đồng thời, trách nhiệm của chúng tôi sẽ nhiều hơn và buộc phải làm tốt hơn.

Với việc áp dụng ứng dụng công nghệ, Sở và Thanh tra Sở An toàn thực phẩm chắc chắn có thêm sự chủ động và tiết kiệm thời gian hơn. 

Trong năm 2024, Sở An toàn thực phẩm sẽ có những chuyên đề tập trung, ví dụ như chuyên đề về đảm bảo an toàn đối với thực phẩm chức năng trong quảng cáo cũng như chất lượng sản phẩm. Sở cũng đặt ra mục tiêu không để xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt và cả các trường hợp ngộ độc có tính ngẫu nhiên như ngộ độc rượu, việc sử dụng các chất phụ gia.

Qua đó, những vấn đề liên quan đến thực phẩm mà người dân sử dụng thường ngày cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Tất cả những phần việc trên sẽ được làm với nội dung cao hơn, có chiều sâu hơn và tạo hiệu quả cao nhất.

Vấn đề an toàn thực phẩm tại TPHCM sẽ ra sao khi có Sở mới? - 2

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM (Ảnh: Q.Huy).

- Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2024. Trong dịp lễ lớn này, Sở An toàn thực phẩm đã có kế hoạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân toàn thành phố?

Thực tế, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Giáp Thìn 2024 đã được tiến hành cách đây gần 2 tháng, tập trung vào các kho dự trữ nguyên liệu thực phẩm phục vụ Tết. 

Chúng tôi đã thành lập 11 đoàn công tác cùng lực lượng liên ngành của địa phương cũng như chợ đầu mối. Từ nay đến Tết, Sở An toàn thực phẩm TPHCM sẽ tập trung vào khâu phân phối hàng hóa.

Tôi nhận ra 2 tình trạng đáng lo ngại về an toàn thực phẩm thời gian gần đây là việc lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán, họp chợ tự phát xung quanh các chợ đầu mối và tình trạng mua bán thực phẩm online.

Thời gian qua, TPHCM đã thành lập các lực lượng tập trung xử lý các trường hợp buôn bán trái phép ở lòng lề đường. Đồng thời, thành phố cũng kêu gọi người dân ủng hộ những nơi làm thực phẩm rõ nguồn gốc và hợp pháp, tránh mua hàng trôi nổi.

Chúng tôi cũng yêu cầu các tiểu thương cần mua hàng hóa ở các sạp hợp pháp trong chợ chứ không mua bán ngoài vỉa hè. Bởi, nếu mua hàng bên ngoài, họ sẽ không có hóa đơn chứng từ, không truy xuất được nguồn gốc.

Đối với các chủ cơ sở bán thực phẩm online (trực tuyến), họ phải làm thủ tục về quy trình sản xuất, vệ sinh, nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu và sản phẩm. Điều này ngoài phục vụ công tác kiểm tra còn giúp người dân an tâm hơn khi mua hàng.

Nếu phát hiện vi phạm, chúng tôi sẽ xử phạt không loại trừ hình thức kinh doanh thực phẩm nào.

Vấn đề an toàn thực phẩm tại TPHCM sẽ ra sao khi có Sở mới? - 3

Trụ sở làm việc của Sở An toàn thực phẩm TPHCM đặt tại quận 1 (Ảnh: Q.Huy).

Ý nghĩa của việc thành lập Sở

- Theo góc nhìn của bà, việc nâng cấp Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM lên thành một Sở mới có ý nghĩa ra sao?

Điều này cho thấy, Thành ủy, UBND TPHCM cũng như người dân rất quan tâm đến công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn. Chúng tôi cũng khẳng định, nhiệm vụ này luôn được giữ vững và không ngày nào bị đình trệ.

Việc chuyển từ cấp ban lên Sở An toàn thực phẩm cũng thuận lợi hơn về mặt pháp lý, phân công trách nhiệm và có cơ sở rõ ràng, cụ thể hơn. Đồng thời, Sở An toàn thực phẩm cũng có thể áp dụng quy định pháp luật để triển khai các chương trình an toàn thực phẩm một cách dài hơi, tổng quát, nâng cao vai trò, vị thế của công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

Chúng ta mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng trước mắt vẫn còn nhiều thử thách, khó khăn phải giải quyết. Việc hình thành Sở An toàn thực phẩm bình đẳng với các sở khác trong việc tham mưu công tác chuyên môn sẽ tạo ra cơ sở pháp lý vững vàng hơn trong hoạt động này.

- Sau khi thành lập, cơ cấu, cách thức hoạt động của Sở An toàn thực phẩm TPHCM khác gì so với cấp ban trước đây?

Về cơ bản, Sở An toàn thực phẩm gần như giữ nguyên trạng từ Ban quản lý An toàn thực phẩm. Chỉ khác là giờ đây, Sở đã có bộ khung tuân theo quy định của các cơ quan cấp sở nói chung.

Song, chúng tôi vẫn giữ một số đặc thù đã thành công bước đầu trong thời gian hoạt động 7 năm qua. Chẳng hạn, Sở vẫn giữ mô hình đội quản lý an toàn thực phẩm thuộc Phòng Thanh tra.

Với chức năng Thanh tra Sở được bảo đảm, còn đội quản lý được bố trí về các quận, huyện và giữ nhiệm vụ như một cánh tay nối dài của Sở An toàn thực phẩm.

Với khối lượng công việc đặc thù như trên, việc nhập lực lượng từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Y tế và Ban quản lý An toàn thực phẩm trước đây là cần thiết để có đủ nguồn lực bố trí thành các đội quản lý an toàn thực phẩm tại từng địa phương.

Đây cũng là biện pháp hết sức cụ thể để chúng ta tăng cường được lực lượng đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân.

Xin cảm ơn bà!

Theo Khoản 1, Điều 9, Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, HĐND thành phố thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố.

HĐND TPHCM cũng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn thành phố từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương cho Sở An toàn thực phẩm.