Ủng hộ dùng tiền ngân sách giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để đấu giá

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo ý kiến chuyên gia, khi Nhà nước sử dụng ngân sách để giải phóng mặt bằng, người bị thu hồi đất có bị thiệt nhưng lợi cho Nhà nước nên họ sẽ chịu, còn nếu nhà đầu tư lợi, người dân sẽ không chịu.

Phiên họp tham vấn ý kiến về dự thảo luật Đất đai sửa đổi được Ủy ban Kinh tế tổ chức sáng 4/8, nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật quan trọng này trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 6 vào cuối năm nay.

So với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự thảo luật lần này đã quy định cụ thể các dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại... vào dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng chứ không dẫn chiếu sang điều khác.

2 phương án xác định tiêu chí thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho biết với dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng, dự thảo luật đưa ra 2 phương án về xác định tiêu chí thu hồi và thực hiện đấu giá, đấu thầu.

Cụ thể, phương án 1 giao HĐND cấp tỉnh quyết định dự án trọng điểm thực hiện đấu thầu.

Ủng hộ dùng tiền ngân sách giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để đấu giá - 1

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu (Ảnh: Ngọc Thắng).

Theo ông Hiếu, quy định này nhằm tạo điều kiện cho địa phương tự quyết định phù hợp với đặc điểm từng địa bàn. Tuy nhiên, nếu thiếu quy định mang tính định lượng sẽ gây lúng túng trong tổ chức thực hiện.

Phương án 2, dự thảo luật quy định tiêu chí phân định theo quy mô về diện tích dự án.

Cụ thể, trên 10ha là trường hợp đấu thầu, không phân biệt loại đất thực hiện dự án; dưới 10ha và không sử dụng đất ở là trường hợp đấu giá; dưới 10ha và có sử dụng đất ở là trường hợp thỏa thuận.

Ủy ban Kinh tế cho rằng quy định theo hướng này nhằm xác định rõ ràng ngay tại luật các trường hợp đấu thầu, đấu giá, thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có để địa phương thực hiện được ngay.

Với dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng không sử dụng đất ở, tiêu chí về mức quy mô là cần thiết để làm rõ dư địa cho việc tiếp tục thực hiện cơ chế thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng nếu quy định HĐND quyết định dự án trọng điểm để đấu thầu, địa phương sẽ rất khó xác định đâu là dự án "trọng điểm" trong hàng loạt các dự án đô thị, nhà ở thương mại ở địa phương.

Đối với phương án 2, ông Khôi góp ý nên áp dụng tiêu chí 20 ha theo Nghị định 15 năm 2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Ngân hàng thương mại có thể cho vay để Nhà nước giải phóng mặt bằng

"Thu hồi đất là vấn đề cực kỳ phức tạp", ông Đinh Dũng Sỹ (nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ), góp ý kiến. Ông ủng hộ việc sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để tạo đất sạch cho đấu thầu, đấu giá sử dụng đất.

"Tôi rất suy nghĩ về giải pháp này, tức là dùng ngân sách giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch. Chúng tôi cho rằng đây là giải pháp tốt nhất để điều tiết địa tô chênh lệch", theo lời ông Sỹ.

Ủng hộ dùng tiền ngân sách giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để đấu giá - 2

Ông Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ (Ảnh: Ngọc Thắng).

Vị chuyên gia phân tích khi Nhà nước sử dụng ngân sách để giải phóng mặt bằng, người bị thu hồi đất có bị thiệt một tí nhưng lợi cho Nhà nước nên người ta sẽ chịu; còn nếu nhà đầu tư có lợi, người dân sẽ không chịu.

Tuy nhiên, "vốn ở đâu?" cũng là một vấn đề được đặt ra. Ông Sỹ góp ý có thể tính tới giải pháp có cơ chế kéo ngân hàng thương mại vào để cho vay.

Dự thảo luật quy định tổ chức lại Tổ chức phát triển quỹ đất và đồng ý trích một phần trăm nhất định tiền thu từ đất của các địa phương cho Quỹ phát triển đất. Ông Sỹ ủng hộ phương án này và cho rằng muốn làm được phải có tài chính, còn trích bao nhiêu phần trăm cần tính toán kỹ.