Truyền hình trả tiền: Tư sát cánh với Công

(Dân trí) - Thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam là giầu tiềm năng bởi hiện mới có hơn 2 triệu/tổng số khoảng 20 triệu hộ gia đình sử dụng dịch vụ này. Để khai thác thị trường rất lớn còn lại, sự sát cánh của các doanh nghiệp với Nhà nước là cần thiết.

Điều này lý giải việc Cty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) hiện thực hóa việc gia nhập thị trường vào trung tuần tháng 8.2011 vừa qua với việc chính thức khai trương Trung tâm Giám sát và Điều độ vận hành mạng từ xa (NCC) hiện đại bậc nhất Đông Nam Á và tuyên bố sẽ chính thức cung cấp dịch vụ vào tháng 10 năm nay.  AVG đã chi số tiền mặt đáng kể trong dự án có tổng đầu tư 2.100 tỉ đồng này. Như vậy, đến hiện tại có thể khẳng định sự hiện diện trên thực tế của doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam tham gia vào lĩnh vực truyền hình.
 
Truyền hình trả tiền: Tư sát cánh với Công - 1
Trung tâm NCC hiện đại của AVG.

Năm 2009 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 22/2009/QĐ-TTg ngày 16.2.2009 về Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 (Quyết định 22). Không lâu sau đó, ngày 16.4.2009 với Thông báo 128/TB-VPCP và ngày 18.6.2009 với Công văn 965/TTg-KGVX, Chính phủ đã cho phép AVG hợp tác với Đài Truyền hình Bình Dương thực hiện Dự án “Xây dựng hạ tầng truyền dẫn phát sóng kỹ thuật số và phát triển hoạt động truyền hình kỹ thuật số” trên phạm vi toàn quốc. Đây là bước đi đầu tiên cho thấy sự nhanh nhạy của AVG và sự khôn khéo của họ khi lựa chọn “miếng bánh” trong thị trường truyền hình trả tiền: Hạ tầng truyền dẫn, phát sóng kỹ thuật số mặt đất và kỹ thuật số vệ tinh và đơn vị sản xuất các chương trình nội dung.

Các động thái tiếp theo của AVG sau này cũng theo sát các quy chế, quyết định của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực truyền hình trả tiền. Mới đây là việc AVG nhận được Giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền loại hình mặt đất kỹ thuật số số 722/GP-BTTTT và trực tiếp qua vệ tinh số 721/GP-BTTTT ngày 28.4.2011 ngay sau Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền ban hành kèm theo Quyết định 20/2011/QĐ-TTg ngày 24.3.2011 của Chính phủ.

Nhìn vào một loạt các động thái của AVG thì thấy rõ doanh nghiệp tư nhân này đã chọn đứng dưới sự quản lý của Luật Viễn thông và các hướng dẫn thực hiện của luật này. Mô hình liên kết với Đài PTTH Bình Dương, Truyền hình Công an Nhân dân, Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam… giúp AVG có được sự quản lý và kinh nghiệm từ các cơ quan  báo chí Nhà nước theo quy định của Luật Báo chí. Có thể nói, đây là lựa chọn mang tính chiến lược của doanh nghiệp này bởi "miếng bánh" mà họ chọn giúp tận dụng được thế mạnh của tất cả các bên.
 
Thị trường truyền hình trả tiền đã có chừng 10 “đại gia” khai thác nhưng vẫn chưa có đơn vị nào thực sự bứt phá. Việc một doanh nghiệp như AVG (Tư) đã đủ năng lực theo sát những yêu cầu từ cơ quan quản lý (Công) và mục tiêu đầy tham vọng “500 nghìn đến 3 triệu thuê bao sau 3 năm” như lời của ông Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ, cho thấy sự xuất hiện một ẩn số mới của ngành này. Hơn nữa, Việt Nam dự định năm 2020 sẽ dừng phát sóng truyền hình analog để chuyển sang truyền hình số theo Quyết định 22 là một nhân tố “thuận” cho dịch vụ số mặt đất và số vệ tinh mà AVG theo đuổi.

Xuân Vũ