Trong đại dịch, cán bộ dám nghĩ, dám làm càng có cơ hội thể hiện mình!

Quang Phong

(Dân trí) - Cách phòng chống dịch ở quận 7 và huyện Củ Chi (TPHCM) cho thấy, giai đoạn khó khăn tạo điều kiện cho những cán bộ, đảng viên có tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm nổi bật lên.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nhận định, Kết luận số 14 của Bộ Chính trị làm cho cán bộ "yên tâm" hơn trong việc đổi mới, sáng tạo vì lợi ích của nhân dân, đất nước.

Phụ thuộc vào bản lĩnh từng cán bộ, đảng viên

- Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung (Kết luận số 14). Từng đảm nhận vai trò là Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ông nhận thấy kết luận này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

- Ngay từ thời điểm còn công tác hay hiện nay dù đã về hưu, tôi vẫn luôn ủng hộ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, đất nước. Tuy nhiên, với cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung thì có khi làm đúng, có khi sai. Đúng thì chúng ta phải có cơ chế khuyến khích, phát huy; còn sai thì cán bộ đó không nên giấu dốt, né tránh.

Để cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung thì phải có cơ sở để cho họ thực hiện. Điều đó có nghĩa là phải rành mạch về mặt pháp luật, quy định phải đầy đủ để tạo hành lang pháp lý để bảo vệ họ. Bởi nếu không có những quy định này thì rất khó cho cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Vì vậy, Kết luận số 14 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung. Tuy nhiên, theo tôi Kết luận 14 không phải là "phép màu" thúc đẩy cán bộ dám nghĩ, dám làm trong mọi vấn đề. Bởi tư duy đổi mới, sáng tạo là do bản lĩnh của từng cán bộ, đảng viên.

Trong đại dịch, cán bộ dám nghĩ, dám làm càng có cơ hội thể hiện mình! - 1

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương. (Ảnh: VOV).

- Theo ông, làm thế nào để xác định được cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung?

- Đó là những cán bộ dám xông pha, không né tránh việc khó khi được tổ chức giao nhiệm vụ. Cán bộ dám nghĩ là những người có tư duy đột phá trong thực hiện nhiệm vụ. Còn cán bộ dám làm là những người biết biến tư duy đột phá có lợi cho nhân dân, có lợi cho đất nước thành hành động, công việc cụ thể.

- Nhìn từ các tập đoàn, công ty tư nhân cho thấy đất nước ta không thiếu những người dám nghĩ, dám làm có tư duy đổi mới đem lại lợi ích rất lớn cho công ty họ và đất nước nói chung. Tuy nhiên, trong cơ quan nhà nước dường như có ít cán bộ dám nghĩ, dám làm. Liệu có phải lâu nay do cơ chế còn thiếu, chưa rõ ràng nên cán bộ, đảng viên không phát huy hết khả năng của mình?

- Thực tế từ trước đến nay, chúng ta đâu có thiếu cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Trong đó, Luật Công chức viên chức, Luật Phòng chống tham nhũng… đều nói rõ trách nhiệm, quyền hạn và khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức.

Theo tôi, với những cán bộ có tinh thần đổi mới vì lợi ích chung thì chỉ cần những quy định hiện hành cũng đã đủ hành lang pháp lý và cơ chế để bảo vệ họ. Ngoài ra, họ còn có cấp trên, có nhân dân luôn sẵn sàng đứng ra bảo vệ.

Trong cơ quan Nhà nước của chúng ta cũng không thiếu những cán bộ dám nghĩ, dám làm. Khi dịch bệnh Covid-19 ở TPHCM lan rộng như thế, nhưng Bí thư quận 7 và Bí thư huyện Củ Chi vẫn mạo hiểm "xé rào" để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Thay vì chuyển hết F0 lên các bệnh viện tuyến trên, họ đã mạnh dạn chuyển đổi khu cách ly tập trung thành bệnh viện dã chiến để điều trị cho các F0 có triệu chứng nhẹ và vừa… Với cách làm đó quận 7 và huyện Củ Chi đã sớm kiểm soát được dịch bệnh.

Còn với những người luôn nghĩ đến việc thiếu cơ chế bảo vệ mà sợ đổi mới thì chỉ có về làm dân thường thôi. Mà thực tế, người không có tinh thần sáng tạo cũng không làm dân thường được đâu. Vì làm dân cũng phải có lòng quả cảm, dám nghĩ, dám làm chứ!

Đổi mới, sáng tạo từ "mệnh lệnh của trái tim"

- Kết luận 14 được ban hành, theo ông sẽ tạo "luồng gió mới" như thế nào để thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo của cán bộ, công chức, đặc biệt trong bối cảnh cả đất nước đang căng mình ra phòng, chống dịch Covid-19?

- Thực tế thời nào cũng có một bộ phận cán bộ trung bình chủ nghĩa, một bộ phận cán bộ tiêu cực và một bộ phận cán bộ dám nghĩ, dám làm. Với việc kết luận 14 được ban hành, theo tôi nó sẽ tạo động lực hơn nữa cho những cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Như tôi đã nói về cách phòng chống dịch ở quận 7 và huyện Củ Chi (TPHCM) cho thấy giai đoạn khó khăn tạo điều kiện cho những cán bộ, đảng viên có tinh thần sáng tạo nổi bật lên. Nếu như những cán bộ ở 2 quận huyện này không dám nghĩ, dám làm, tìm mọi cách để khắc phục những khó khăn do thiếu cơ sở vật chất để phòng chống dịch; để F0 có triệu chứng nhẹ ở tuyến dưới điều trị và kết hợp cả thuốc đông y vào chữa bệnh… thì liệu có sớm kiểm soát được dịch bệnh hay không?

Kết luận 14 thực tế là để tạo tâm lý an tâm cho cán bộ dám nghĩ, dám làm. Còn những cán bộ như ở quận 7 và huyện Củ Chi là họ làm theo mệnh lệnh của trái tim và họ làm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

- Tuy nhiên, trong đợt dịch vừa qua, dường như lãnh đạo nhiều tỉnh thành cũng thiếu quyết đoán trong phòng chống dịch Covid-19. Như TPHCM và Hà Nội khi Thủ tướng phải trực tiếp thị sát "vùng đỏ" Covid-19, đưa ra những quyết định quan trọng như xác định mỗi xã phường "là một pháo đài" trong phòng chống Covid-19 hay như di dời dân ra "vùng đỏ" Thanh Xuân Trung (Hà Nội), khi đó dịch bệnh mới được kiểm soát?

- Nếu việc gì cũng cần phải Thủ tướng vào cuộc thì không phát huy được năng lực của chính quyền địa phương, bởi chúng ta đã có cơ chế phân cấp, phân quyền rất rõ ràng trong quản lý điều hành rồi. Nhưng cũng có những vấn đề mang tính chiến lược mà chính quyền địa phương không dễ gì làm được. Ví dụ như việc di dời hơn 1.000 người dân ra khỏi ổ dịch ở Thanh Xuân Trung (Hà Nội) là việc khó, không phải dễ dàng đâu. Phải có yêu cầu của Thủ tướng, TP Hà Nội mới di dời cả ngàn người dân trong thời gian ngắn đến vậy.

- Cũng có những lo ngại về việc cán bộ, đảng viên dựa vào Kết luận số 14 "sáng tạo, đổi mới" để tạo lợi ích nhóm, trục lợi cho cá nhân. Theo ông, trong quá trình thực hiện Kết luận số 14, làm cách nào để phát hiện được những cán bộ có những hành vi như vậy?

- Để phát hiện những cán bộ có hành vi "đổi mới, sáng tạo" nhưng không trong sáng, chúng ta phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát. Lực lượng Thanh tra và Ủy ban Kiểm tra các cấp cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để phát hiện ra những cán bộ lợi dụng chính sách để trục lợi cho cá nhân. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải dựa vào dân và các đoàn thể để phát hiện những cán bộ sáng tạo, đổi mới nhưng không vì lợi ích chung.

- Xin cảm ơn ông!