DMagazine

"Trận chiến" Covid-19, người đứng đầu lừng chừng, cả hệ thống sẽ nhìn nhau!

(Dân trí) - Hơn 500 ngày qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có nhiều chỉ đạo, đốc thúc hoạt động chống dịch. Thông điệp về vai trò, trách nhiệm người đứng đầu điều hành chống dịch tại các địa phương được nhấn mạnh.

Hơn 500 ngày qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có nhiều chỉ đạo, đốc thúc hoạt động chống dịch. Thông điệp về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu điều hành chống dịch tại các địa phương được nhấn mạnh.

Ngay từ khi Việt Nam có những ca bệnh đầu tiên xâm nhập, cuối tháng 1/2020, Ban Bí thư đã ra công văn chỉ đạo, xác định công tác phòng, chống dịch do chủng mới Corona là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Thường trực Ban Bí thư khi đó, ông Trần Quốc Vượng nêu rõ, người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch; chỉ đạo xây dựng kế hoạch chống dịch "4 tại chỗ".

Phương châm "4 tại chỗ" vẫn được quán triệt cho đến giờ, tại các địa phương.

Xác định tinh thần "chống dịch như chống giặc", Ban chỉ đạo phòng chống dịch được tổ chức ở tất cả các cấp chính quyền tại địa phương, đều do người đứng đầu cấp ủy hoặc chính quyền làm Trưởng Ban chỉ đạo.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo kiện toàn cơ cấu Ban chỉ đạo chống dịch tại các địa phương, yêu cầu tuyệt đối các Bí thư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm nhận trách nhiệm làm Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch trên địa bàn.

Quyết định của các cấp lãnh đạo cho thấy nhiều ý nghĩa về vai trò của người đứng đầu cấp ủy trong cuộc đấu tranh chống đại dịch nguy hiểm nhất Việt Nam cũng như cả thế giới từng phải đối mặt.

Trận chiến Covid-19, người đứng đầu lừng chừng, cả hệ thống sẽ nhìn nhau! - 1

Trên cương vị là người đứng đầu tỉnh Bắc Giang khi đợt dịch thứ 4 tràn qua đây, biến địa bàn thành vùng tâm dịch lớn nhất cả nước trong suốt 2 tháng (tháng 5, 6/2021), Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái phân tích, nguyên lý chung thì không riêng gì chống dịch, trong các công việc của địa phương, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đều rất quan trọng. Nhưng nếu như trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội thông thường, cơ chế là Đảng lãnh đạo bằng chủ trương, nghị quyết, Nhà nước quản lý, Đảng không làm thay, không "lấn sân" thì trong chống dịch, tất cả các hoạt động phải tập trung, thống nhất tư tưởng và hành động mới đạt hiệu quả.

Trận chiến Covid-19, người đứng đầu lừng chừng, cả hệ thống sẽ nhìn nhau! - 3

Ông Dương Văn Thái dẫn chứng, dịch bùng phát tại Bắc Giang, huyện Việt Yên là tâm dịch, dù tỉnh đã lập Ban chỉ đạo tiền phương do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh xuống địa bàn "nằm vùng" suốt nhưng nếu để huyện tự "bơi", chống đỡ dịch thì không đủ, cả tỉnh phải dồn nguồn lực. Khi đó, công việc của một Bí thư Tỉnh ủy như ông Thái cần thể hiện tối đa để huy động cả hệ thống chính trị (gồm cả khối cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể, cộng đồng cư dân) vào cuộc.

"Vai trò của người đứng đầu, theo đó, chính là để khơi dậy sức mạnh tập thể, thiết lập ý chí thống nhất vì mục tiêu "đánh giặc". Bí thư, Chủ tịch tỉnh càng cần ý thức, khẳng định điều đó" - ông Dương Văn Thái nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cũng xác nhận, đợt chống dịch vừa qua chính là thách thức lớn nhất với cá nhân ông trên cương vị người đứng đầu địa phương khi mà ông phải thực hiện nhiệm vụ này trong bối cảnh đặc biệt, đang phải chỉ đạo tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ mới. Đỉnh dịch tại Bắc Giang rơi vào khoảng ngày 23-25/5, đúng ngày tổng tuyển cử.

"4 huyện đã phải phong tỏa thời điểm đó. Chúng tôi vừa chống dịch vừa lo bầu cử. Có tới 4.900 hòm phiếu phụ phải lập, danh sách cử tri thì thay đổi hàng ngày do số người phải đi điều trị, cách ly rất lớn. Các lực lượng có thể nói phải "căng mình" ra làm. Tôi chủ trì nhiều cuộc họp thâu đêm để ra được giải pháp tổ chức việc bỏ phiếu an toàn trong dịch như bỏ phiếu sớm ở những điểm nóng, khu cách ly, bố trí cán bộ MTTQ đi xe đạp, chở hòm phiếu tới từng ngõ ngách, từng gia đình trong khu phong tỏa, người trong nhà chỉ cần thò tay qua cửa thả phiếu vào hòm…" - ông Thái nhận định, nếu việc chỉ giao cho Ban chỉ đạo chống dịch làm sẽ không thể lo toàn diện, phối hợp các mặt hoạt động như vậy được.

Trận chiến Covid-19, người đứng đầu lừng chừng, cả hệ thống sẽ nhìn nhau! - 4

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng: Khi chống dịch, tất cả bộ máy lãnh đạo cùng phải "tham chiến"!

Tương tự, cũng từng trải nghiệm trách nhiệm người đứng mũi chịu sào nơi tâm dịch của đợt bùng phát dịch thứ ba, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng chia sẻ, việc ông xuất hiện liên tiếp trên báo đài hơn một tháng Covid-19 tấn công địa bàn, trực tiếp tới các điểm nóng dịch, trực tiếp điều hành họp ở cả địa phương cũng như họp với Chính phủ, với Ban chỉ đạo quốc gia… không phải vì có Bí thư thì công việc mới "trôi" mà vì khi đó, tất cả bộ máy lãnh đạo cùng phải "tham chiến". Tất nhiên, nếu Bí thư lúc đó sâu sát, quyết liệt hơn thì công việc sẽ chuyển biến tốt hơn.

Ngoài ra, vai trò của người đứng đầu trong chống dịch còn thể hiện ở khía cạnh nêu gương. Các lãnh đạo, càng cao càng gương mẫu, nêu cao trách nhiệm cá nhân, đi đầu tới những khu vực căng thẳng nhất sẽ tạo được sự khích lệ, động viên, thống nhất ý chí và hành động. Ngược lại, Bí thư Phạm Xuân Thăng phân tích, trong cuộc chiến, người đứng đầu lừng chừng, sợ trách nhiệm, thiếu gương mẫu thì cả hệ thống cũng sẽ đứng "nhìn nhau".

CHỈ ĐẠO CỦA BỘ CHÍNH TRỊ, BAN BÍ THƯ VỀ CHỐNG DỊCH

Văn bản số 79-CV/TW ngày 29/1/2020 của Ban Bí thư: Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch; chỉ đạo xây dựng kế hoạch chống dịch "4 tại chỗ".

Kết luận số 172 ngày 21/3/2020 của Bộ Chính trị về công tác phòng chống dịch Covid-19: Yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền tập trung phòng, chống dịch bệnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát...

Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch Covid-19: Các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng và lãnh đạo các ngành, các cấp phải gương mẫu đi đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình phụ trách.

Công điện ngày 21/7/2021 của Thường trực Ban Bí thư: Bí thư các tỉnh ủy, thành ủy, người đứng đầu cấp ủy tập trung chỉ đạo sát sao, phát huy vai trò của các cấp ủy, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo phương châm bốn tại chỗ với tinh thần chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo; thực hiện nghiêm các giải pháp giãn cách, cách ly, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, điều trị, tiêm vắc xin, đặc biệt là tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng.

Trận chiến Covid-19, người đứng đầu lừng chừng, cả hệ thống sẽ nhìn nhau! - 5

Sát cánh cùng hoạt động của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 suốt 4 đợt bùng phát dịch Covid-19, từ những ngày đầu tiên cho tới nay, PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng đánh giá khái quát về hoạt động "chống giặc" tại các địa phương từng là tâm điểm dịch bệnh gần 2 năm qua.

"Về cơ quan, đến thời điểm này, tôi thấy các địa phương cũng đều đã hành động đúng hướng. Tất nhiên, có những giai đoạn, thời điểm ban đầu, khi làn sóng dịch dồn tới, các hoạt động điều hành, quyết định chưa được tỉnh táo, còn thiếu sót, biểu hiện như thực hiện phong tỏa chưa được nghiêm, đảm bảo đời sống của người trong khu vực phong tỏa chưa được chu đáo… nhưng qua cả 4 đợt bùng dịch, tại các khu vực là điểm nóng, lãnh đạo các địa phương đều vào cuộc một cách quyết liệt, thực hiện đúng tinh thần "chống dịch như chống giặc", huy động tất cả hệ thống chính trị vào cuộc. Điều đó thể hiện trách nhiệm của cả người đứng đầu cấp ủy và chính quyền. Qua gần 2 năm cả nước vào trận chiến, chưa bao giờ tôi thấy người đứng đầu cấp ủy, các cấp, ngành, cả hệ thống hành động quyết liệt như trận này" - PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Vị cố vấn của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch dẫn chứng, ngay từ thời điểm đầu dịch Covid-19 xuất hiện, xâm nhập Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Thủ tướng đều chỉ đạo, giao trách nhiệm cho những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tại địa phương trực tiếp chỉ đạo hoạt động chống dịch. Đó là tinh thần chỉ đạo xuyên suốt 2 năm qua. Ông Phu cũng nhận xét, chưa từng có đợt dịch bệnh, sự cố y tế công cộng nào mà cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng quy định rõ, Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch là Bí thư hoặc Chủ tịch UBND. Còn thực tế theo dõi hoạt động chống dịch, ông nhận thấy, cho tới trước khi có chỉ đạo mới đây của Thủ tướng về kiện toàn Ban chỉ đạo chống dịch tại các địa phương thì hầu hết các Bí thư tỉnh/huyện ủy đều đã trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo của tỉnh thành mình.

Trận chiến Covid-19, người đứng đầu lừng chừng, cả hệ thống sẽ nhìn nhau! - 7

Nhấn mạnh đó là chỉ đạo hợp lý, ông Phu bình luận: "Với những địa bàn dịch Covid-19 xảy ra với mức nguy cơ cao, bùng phát diện rộng thì người đứng đầu đương nhiên phải trực tiếp… ra trận".

Phẩm chất yêu cầu với những "tư lệnh chiến trường" này, theo ông Phu, phải là người quyết liệt, quyết đoán, có thể đưa ra những quyết định trúng, đúng và nhanh nhất bởi chống dịch Covid-19 không phải là việc chuyên môn đơn thuần mà kéo theo đó rất nhiều điều kiện, công tác phối hợp khác như về việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đảm bảo an sinh xã hội với người dân, đảm bảo thực hiện "mục tiêu kép"…

"Tất cả những việc đó gắn liền với nhiệm vụ chính trị của một địa phương, gắn liền với những nghị quyết của HĐND. Những việc đó chính là thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của người đứng đầu địa phương, Bí thư nào cũng vậy, phải tham gia quyết liệt, trực diện. Vậy nên khi dịch có nguy cơ càng lớn, gây càng nhiều khó khăn thì ông Bí thư càng phải xung trận một cách quyết liệt" - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế giải thích.

Ông Phu cũng đánh giá, không phải ngẫu nhiên mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên tiếp nhấn mạnh trong các chỉ đạo chống dịch việc giao trách nhiệm, "người đứng đầu tỉnh/thành ủy trực tiếp chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư" về công tác chống dịch. Vì tính chất quan trọng, nghiêm trọng, nguy hiểm của đại dịch, cần một đầu mối chung nhất để tập trung sức mạnh, nguồn lực đối phó. So sánh với các nước, ông Phu chỉ rõ, ở quốc gia nào cũng vậy, Tổng thống, Thủ tướng hay các Thống đốc bang… đều phải đứng ra đương đầu. Trong rất nhiều hoạt động, người đứng đầu phải trực tiếp trả lời với người dân, dư luận, không chỉ về vấn đề chính trị mà ngay cả những nội dung chuyên môn như chuyện đeo khẩu trang, tiêm vắc xin phòng bệnh…

PGS.TS Trần Đắc Phu đúc rút, các địa phương ban đầu tiếp xúc với dịch còn lúng túng thì sau khi trải qua một hai lần, có kinh nghiệm, khắc phục được những hạn chế, vướng mắc thì hành động về sau sẽ thông suốt, nhuần nhuyễn hơn nhiều. Ông dẫn chứng Đà Nẵng, địa phương là tâm dịch trong đợt bùng phát thứ hai, đã có những hành động bình tĩnh, tỉnh táo, không quá nóng vội trong việc phong tỏa, làm từng bước để giảm thiểu ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống người dân nhưng đến thời điểm cần thì thành phố cũng quyết ngay, làm ngay việc phong tỏa rộng. Tương tự, Hà Nội cũng đang có những bước làm chắc từng bước, đúng thời điểm, đúng phạm vi như vậy.

Trận chiến Covid-19, người đứng đầu lừng chừng, cả hệ thống sẽ nhìn nhau! - 9

Tại TPHCM, ông Phu phân tích, biến chủng Delta đổ tới, có mức độ lây lan nhanh, tấn công một thành phố đông dân, địa bàn phức tạp, nhiều mặt khó lường, dự đoán không hết được nên hoạt động điều hành chống dịch ban đầu có những trục trặc, chưa chuẩn như giãn cách chưa nghiêm, xác định trách nhiệm với từng việc chưa thật chuẩn… Nhưng đến hiện tại, việc lãnh đạo chống dịch đã linh hoạt hơn nhiều. Trên những nguyên tắc về chuyên môn, TPHCM đã thực hiện đúng hướng, từ vấn đề xác định trách nhiệm, cách thức truy vết, khoanh vùng, thực hiện các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt, mở rộng xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị… Đặc biệt, chiến lược điều trị có thay đổi, khắc phục được nhiều tồn tại, kéo giảm dần tỷ lệ tử vong.

Trận chiến Covid-19, người đứng đầu lừng chừng, cả hệ thống sẽ nhìn nhau! - 10
Trận chiến Covid-19, người đứng đầu lừng chừng, cả hệ thống sẽ nhìn nhau! - 11

PGS.TS Trần Đắc Phu đúc kết, trách nhiệm cuối cùng với việc chống dịch ở các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao rõ ràng và nhiều lần nhấn mạnh, là của người đứng đầu cấp ủy địa phương. Bí thư tỉnh/thành ủy là người chịu trách nhiệm cuối cùng với kết quả chống dịch trên địa bàn quản lý của mình.

Từ đó, TS. Trần Đắc Phu cho rằng, chống dịch là một thử thách để kiểm nghiệm, đánh giá cán bộ chiến lược. Ông chỉ rõ, người đứng đầu địa phương chính là người có điều kiện, sức mạnh để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. "Chống dịch là trách nhiệm trực tiếp của lãnh đạo và cũng chỉ người đó mới có quyền "quyết" vì hoạt động chống dịch không chỉ về y tế mà còn về cả kinh tế xã hội, an ninh, an sinh, đời sống của người dân, của đất nước, phải huy động cả hệ thống chính trị tham gia" - ông  Phu nói.

Cũng từ khía cạnh đánh giá cán bộ lãnh đạo qua chống dịch, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ủy viên thường trực UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) lập luận, với sự xuất hiện của các biến chủng mới, dịch Covid-19 cũng đã thay đổi và để ứng phó với sự thay đổi thì cũng phải luôn thay đổi về phương pháp, nói cách khác, các hoạt động chỉ đạo, điều hành phải ở thế động chứ không phải thế tĩnh, vì logic, ở thế tĩnh thì không thể ứng phó với biến động được.

Trận chiến Covid-19, người đứng đầu lừng chừng, cả hệ thống sẽ nhìn nhau! - 13

Vậy nên, đánh giá năng lực cán bộ nói chung, năng lực điều hành chống dịch của người đứng đầu địa phương nói riêng, theo đại biểu, là ở sự năng động, sáng tạo trong ứng phó với đại dịch.

"Theo tôi, các đợt chống dịch chính là cơ hội nhìn nhận và đánh giá cán bộ đứng đầu. Hầu hết các địa phương có điều kiện phát sinh dịch bệnh, nguy cơ khởi phát ban đầu giống nhau nhưng mỗi địa phương lại có cách ứng xử khác nhau, đó là do sự sáng tạo của người đứng đầu khác nhau. Thực tế, có nơi, lãnh đạo thiếu quyết đoán, có chỗ lại quá cứng nhắc, gây nên hiện tượng cát cứ chính sách pháp luật ở khâu thực thi ở địa bàn của mình".

Ông Vân dẫn chứng trường hợp lãnh đạo cấp cơ sở, thậm chí người lộng hành, nạt nộ dân chúng, như là vị lãnh đạo phường ở Nha Trang trong vụ "bánh mì không phải hàng thiết yếu" hay chuyện tỉnh thành này, địa phương kia ngăn chặn, gây khó khăn với việc vận chuyển hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm gắn với đời sống, sinh hoạt của con người. Đại biểu đánh giá, những biểu hiệu này thể hiện sự yếu kém, ấu trĩ trong quản lý, điều hành của người đứng đầu, địa phương, đơn vị, khiến người dân bức xúc, băn khoăn, khó tin cấp ủy, chính quyền nữa.

Đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh: "Đánh giá năng lực của người đứng đầu cấp ủy địa phương, có cả năng lực lãnh đạo và năng lực tầm nhìn, có thể để thấy được vai trò của cấp ủy đảng tại đó, để đánh giá hướng lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước tại đây sẽ đi theo hướng nào. Đó cũng chính là vai trò dẫn dắt, tập hợp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc".

Xác nhận những phân tích, đánh giá của các chuyên gia, trên cương vị Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang, ông Dương Văn Thái khẳng định, thực tiễn chống dịch tại tỉnh này cho thấy, ở bất cứ địa bàn nào, Bí thư cấp ủy có bản lĩnh vững vàng, năng động, sáng tạo, chủ động, có trình độ thì hiệu quả hoạt động rất tốt. Ông Thái khái quát, có thể nói đợt dịch tràn qua Bắc Giang là cơ hội để đánh giá cán bộ toàn diện nhất, không chỉ Đảng, các tổ chức Đảng mà ngay cả người dân địa phương cũng nhìn nhận hết, "thấu" hết.

Trận chiến Covid-19, người đứng đầu lừng chừng, cả hệ thống sẽ nhìn nhau! - 15

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng bình luận: "Nói tới vai trò của người đứng đầu địa phương trong chống dịch thì về trách nhiệm chính trị, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy thực sự phải chịu trách nhiệm. Ban Bí thư mới đây đã khẳng định lại một lần nữa (trong Công điện ngày 21/7/2021 - PV), giao Bí thư tỉnh ủy, thành ủy phải là người trực tiếp chỉ đạo, điều hành chống dịch, phải chịu trách nhiệm cuối cùng với hoạt động này".

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, qua cả 4 đợt dịch bùng phát, nguyên tắc thông suốt vẫn là Bí thư chịu trách nhiệm với công tác chống dịch đến cùng. Theo ông, lãnh đạo đứng đầu các địa phương hiện "vẫn đang làm theo nguyên tắc đó, ai cũng trách nhiệm, nỗ lực lắm".

Trận chiến Covid-19, người đứng đầu lừng chừng, cả hệ thống sẽ nhìn nhau! - 17