Trách nhiệm thông tin

(Dân trí) - Xem hình ảnh nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đổ sữa bò tươi nguyên chất trắng mương, trắng đồng ai cũng đau lòng.

Có gia đình đổ hàng chục tấn, trị giá hàng trăm triệu đồng, vừa đổ người dân vừa lau nước mắt. Tiền chảy theo dòng nước, nhưng lại không có tiền nuôi đàn bò, không có tiền trả ngân hàng.

Thảm cảnh đó là hậu quả của việc công bố thông tin không chính xác, cơ quan của Bộ Y tế xác định sản phẩm của Công ty Cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk) nhiễm melamine. Doanh nghiệp này điêu đứng vì bị người tiêu dùng tẩy chay.
 
Vừa qua, Bộ Y tế đã minh oan cho Hanoimilk, tổ chức bóc niêm phong số sữa bị "tạm giam". Tuy nhiên, 100 tấn sữa trong lô hàng bị giam này đã quá hạn sử dụng, Hanoimilk chịu hết nạn này đến nạn khác. Thiệt hại không chỉ có vậy, nhà máy giảm sản xuất thì công nhân mất việc, một bộ phận không nhỏ người lao động của Hanoimilk bị thông tin không chính xác "cướp" mất bát cơm trên tay. Nông dân cung cấp sữa nguyên liệu cho nhà máy bị vạ lây, sữa không tiêu thụ được đến nỗi phải đem tắm, tắm không hết phải đổ. Còn nhiều người bị vạ nữa, đó là những lao động ăn theo dây chuyền sản xuất và cung cấp các sản phẩm sữa như vận tải, đại lý, buôn bán nhỏ. Tất cả đều là nạn nhân từ thông tin trật lấc của Bộ Y tế. Nếu tình trạng này  kéo dài thì sẽ có nhiều hộ nông dân nuôi bò sữa lâm vào cảnh khốn cùng. Cho nên có ý kiến đề xuất Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thu mua sữa để nông dân tiêu thụ được sữa. Chỉ cần có cách giải quyết kịp thời thì không chỉ nông dân thoát khỏi thảm cảnh mà doanh nghiệp, công nhân và một bộ phận người lao động khác cũng được “cứu.

Nhìn lại sẽ thấy không chỉ sữa bò của nông dân tỉnh Vĩnh Phúc bị oan. Trước đây đã từng có thông tin về mắm tôm nhiễm khuẩn tiêu chảy cấp, trứng gia cầm nhiễm chất gây ung thư... Nông dân và người sản xuất các loại thực phẩm này rơi vào vòng oan trái, thiệt hại rất lớn, có người phá sản, khi được giải oan thì tan nát sản nghiệp. Các đơn vị đưa thông tin sai, trong đó có một số cơ quan báo chí, chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm, nhưng người bị hại là nông dân và doanh nghiệp phải gánh chịu mất mát vô cùng to lớn.

Thông tin sai gây thiệt hại lớn cho xã hội, đẩy nhiều cá nhân, doanh nghiệp vào đường cùng vì sạt nghiệp. Để hạn chế tối đa tình trạng này, tốt nhất là xử lý nghiêm minh trách nhiệm về đưa thông tin sai. Bên cạnh những quy định pháp luật, bản thân người làm công tác thông tin và kiểm tra công bố thông tin cũng tự xem xét lại trách nhiệm của mình. Người có đạo đức nghề nghiệp trước hết là cố gắng không để người dân, doanh nghiệp khổ sở và chịu thiệt hại vì thông tin sai sự thật do mình đưa ra.

Lê Chân Nhân