Thủ tướng nhắc "thần tượng bóng đá Pele" khi bàn hợp tác đầu tư ở Brazil

Hoài Thu

(Dân trí) - "Người Việt Nam rất đam mê bóng đá và ngưỡng mộ nền bóng đá Brazil, với các huyền thoại như Pele, Ronaldo...", Thủ tướng Phạm Minh Chính mong hai nước thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa, thể thao.

Sáng 24/9 theo giờ địa phương (tối 24/9 giờ Việt Nam), Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc tọa đàm với doanh nghiệp Brazil tại thành phố Sao Paulo, nhân chuyến thăm chính thức nước này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Brazil, nhưng do khoảng cách địa lý nên nhiều mong muốn chưa đạt được. Ông cho biết khi gặp và hội đàm với Tổng thống Brazil sẽ cùng tìm giải pháp khắc phục để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.    

Doanh nghiệp Brazil có thể yên tâm đầu tư ở Việt Nam

Theo Thủ tướng, không gian phát triển quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Brazil là rất lớn khi Brazil là thị trường với 214 triệu dân và diện tích lớn.

Thủ tướng nhắc thần tượng bóng đá Pele khi bàn hợp tác đầu tư ở Brazil - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nghiệp Brazil ở Sao Paulo (Ảnh: Đoàn Bắc).

Theo ông sau chuyến thăm chính thức lần này, quan hệ bạn bè truyền thống Việt Nam - Brazil sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, nhất là quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư còn nhiều dư địa phát triển, hai nước có nhiều thế mạnh bổ sung, hỗ trợ, tác động lẫn nhau trên nền tảng chính trị rất tốt.

Dù nằm đối diện nhau ở hai nửa bán cầu, Thủ tướng cho rằng người dân Việt Nam và Brasil có nhiều nét tương đồng, nhất là sự chân tình, cởi mở, lòng hiếu khách và sự sẻ chia.

Nhiều người Việt Nam biết đến một nước Brazil với nền văn hóa Mỹ La tinh đặc sắc và ngày nay đã trở thành một trong những nền kinh tế lớn của thế giới với quy mô GDP đạt gần 2.000 tỷ USD.

Đặc biệt, người Việt Nam rất đam mê bóng đá và ngưỡng mộ nền bóng đá Brazil, với các huyền thoại bóng đá như Pele, Ronaldo...

Quan hệ chính trị hai nước đang rất tốt đẹp, nhưng theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư chưa tương xứng.

"Hiện thương mại hai chiều đạt gần 7 tỷ USD, Brazil là đối tác lớn nhất trong khối Nam Mỹ nhưng dư địa còn rất lớn, nhu cầu về thị trường còn nhiều. Brazil là thị trường phù hợp với hàng hóa, trình độ của một đất nước đang phát triển như Việt Nam", Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhắc thần tượng bóng đá Pele khi bàn hợp tác đầu tư ở Brazil - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Brazil (Ảnh: Đoàn Bắc).

Ông cho rằng khoảng cách về địa lý hiện không còn quá khó khăn như trước vì hàng không phát triển, đi lại cũng dễ dàng hơn; hàng hải phát triển cũng giúp vận chuyển hàng hóa gặp nhiều thuận lợi.

Vì thế, Việt Nam và Brazil có thể "tìm tiếng nói chung", cùng nhau mở rộng hợp tác để phát triển.

"Đến Việt Nam đầu tư hoặc quan hệ thương mại với Việt Nam, các bạn có thể yên tâm vì Việt Nam có nền chính trị ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững, có sự hội nhập sâu rộng với thế giới", Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ đảm bảo môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp Brazil.

Đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào 2025

Thông tin thêm về tình hình kinh tế, thương mại giữa hai nước, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết năm 1989, khi hai nước thiết lập quan hệ, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 16 triệu USD nhưng đến 2022, con số này đã đạt 6,8 tỷ USD, tăng gấp hơn 400 lần.

Thủ tướng nhắc thần tượng bóng đá Pele khi bàn hợp tác đầu tư ở Brazil - 3

Các lãnh đạo Việt Nam cùng trao đổi định hướng hợp tác với doanh nghiệp Brazil (Ảnh: Đoàn Bắc).

Nhận định dư địa hợp tác phát triển giữa Việt Nam - Brazil là rất lớn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao vai trò của Brazil nói riêng và Nam Mỹ nói chung.

Ông khẳng định nếu doanh nghiệp Brazil đầu tư vào Việt Nam không chỉ khai thác được thị trường 100 triệu dân của Việt Nam mà còn khai thác thị trường 600 triệu dân của ASEAN.

Ngược lại, nếu Brazil mở cửa, Việt Nam cũng có cơ hội xuất khẩu vào thị trường hơn 200 triệu dân nơi đây và thị trường hơn 400 triệu dân của Nam Mỹ.

Bộ trưởng Công Thương cho biết đang thúc đẩy đàm phán và ký Hiệp định thương mại Việt Nam - MERCOSUR, trong đó có Brazil.

"Việt Nam đã và đang trở thành một trong những công xưởng của thế giới. Trong 3 năm gần đây, Việt Nam là 1 trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới", theo lời Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Thông tin về việc vừa qua, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp Đối tác Chiến lược Toàn diện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định làn sóng dịch chuyển đầu tư của các công ty đa quốc gia của Mỹ và các nước phát triển vào Việt Nam sẽ rất lớn, nên nhu cầu về nguồn nguyên liệu sẽ tăng cao.

Vì vậy, ông kêu gọi doanh nghiệp Brazil tăng cường cung ứng nguyên vật liệu cho Việt Nam, nhất là các ngành công nghiệp mới, như công nghệ bán dẫn.

Đại diện doanh nghiệp Brazil đánh giá Việt Nam là một quốc gia đông dân và có thể duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh. Nhận định hai bên có nhiều dư địa hợp tác, các doanh nghiệp muốn thúc đẩy hợp tác về nông nghiệp, khoa học công nghệ, năng lượng tái tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp Brazil và Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa chuyển giao khoa học, công nghệ; tăng cường kết nối để hiểu, chia sẻ và hợp tác, cùng nhau phát triển.

Thủ tướng nhắc thần tượng bóng đá Pele khi bàn hợp tác đầu tư ở Brazil - 4

Các doanh nghiệp Brazil mong muốn mở rộng hợp tác đầu tư vào thị trường Việt Nam (Ảnh: Đoàn Bắc).

Cùng với đó, với nền văn hóa giàu bản sắc, thể thao thành tích cao phát triển, Việt Nam - Brazil tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, thể thao.

Thủ tướng mong các doanh nghiệp Brazil đến Việt Nam đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhiều hơn trên tinh thần hai bên cùng thắng, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Đánh giá cao thiện chí hợp tác của các doanh nghiệp Brazil, Thủ tướng cho biết Việt Nam tích cực cùng Brazil đàm phán các hiệp định thương mại tự do, bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần... tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác, phát triển.

Ông đề nghị doanh nghiệp hai nước tích cực tham gia và triển khai cụ thể hóa các cơ chế hợp tác thành những chương trình, dự án cụ thể, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2025, đạt 15-20 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng hơn.

Hoài Thu (Từ Sao Paulo, Brazil)