"Thu hồi tài sản tham nhũng" lọt top 10 sự kiện nổi bật ngành tư pháp

Thế Kha

(Dân trí) - Sự kiện thi hành án xong về tiền trên 75.240 tỷ đồng, trong đó thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế gần 16.000 tỷ đồng đã lọt top 10 sự kiện nổi bật ngành tư pháp năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa ký quyết định phê duyệt 10 sự kiện nổi bật năm 2022 của ngành tư pháp.

Thu hồi tài sản tham nhũng lọt top 10 sự kiện nổi bật ngành tư pháp - 1

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long (Ảnh: QH).

Bộ, ngành Tư pháp tham gia tích cực, trách nhiệm vào quá trình xây dựng Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới"

Ngày 9/11/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về "tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới". Nghị quyết đề cập một cách toàn diện, đầy đủ các nội dung chính của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đang và sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện trong thời gian tới; tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật của ngành tư pháp. Nhiều ý kiến của Bộ, ngành tư pháp đã được nghiên cứu tiếp thu, thể hiện tại nghị quyết.

Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật được đặc biệt chú trọng, Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật tăng 10 bậc.

Ngành tư pháp đã tập trung tham mưu thể chế hóa, cụ thể hóa, đầy đủ, kịp thời, chính xác nhiều định hướng chính sách trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư…

Bộ Tư pháp và tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Chất lượng các quy định pháp luật cũng ngày càng được cải thiện.

Theo kết quả đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật của Việt Nam năm 2022 tăng 10 bậc từ vị trí thứ 93 lên vị trí thứ 83/132 Quốc gia được đánh giá.

Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành các Đề án lớn về phổ biến, giáo dục pháp luật. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2022 được tổ chức hiệu quả, thiết thực.

Bộ Tư pháp tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định phê duyệt nhiều Đề án lớn về phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó, Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022- 2027" được xác định là một trong những "cú hích" quan trọng để hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội được thực hiện từ sớm, từ xa, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tạo đồng thuận xã hội cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp.

Hệ thống Thi hành án dân sự nỗ lực vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19, hoàn thành vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao.

Thể chế về thi hành án dân sự tiếp tục được hoàn thiện và kịp thời triển khai thực hiện đã góp phần giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản cho nhà nước trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế, thi hành án tín dụng ngân hàng. Kết quả thi hành xong về tiền đạt trên 75.240 tỷ đồng, tăng trên 28.156 tỷ đồng so với năm 2021, trong đó thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt gần 16.000 tỷ đồng, tăng trên 12.000 tỷ đồng so với năm 2021.

Thu hồi tài sản tham nhũng lọt top 10 sự kiện nổi bật ngành tư pháp - 2

Ông Nguyễn Quang Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp (Ảnh: Kim Quy).

Hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục tạo cơ hội hợp tác toàn diện với các đối tác lớn, góp phần giải quyết nhiều vấn đề quan trọng cho đất nước

Hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp của Bộ, ngành Tư pháp trên cả ba bình diện toàn cầu, khu vực và song phương, nhất là với các đối tác truyền thống, láng giềng được thực hiện hiệu quả, có nhiều điểm nhấn quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể "Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TPHCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật" và Đề án "Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp"

Việc Thủ tướng phê duyệt 2 đề án đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, nhất là nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước ta trong bối cảnh mới hiện nay.

Thể chế trong công tác xây dựng Ngành có bước hoàn thiện quan trọng, tạo cơ sở tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan tư pháp các cấp.

Cùng với công tác hoàn thiện thể chế, Bộ Tư pháp đã thực hiện sắp xếp, tinh gọn các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, Tổng cục, Cục; giữ nguyên mô hình tổ chức đối với 19 đơn vị và chuyển đổi mô hình một số đơn vị nhằm tiếp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chuyên môn hóa, chuyên sâu các lĩnh vực quản lý.

Bộ Tư pháp đứng đầu Chỉ số cải cách hành chính cấp Bộ.

Theo công bố của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp đạt 91.90/100 điểm - xếp thứ 1/17 bộ, là năm thứ tư liên tiếp Bộ Tư pháp duy trì nhóm ba Bộ dẫn đầu về chỉ số này.

Thu hồi tài sản tham nhũng lọt top 10 sự kiện nổi bật ngành tư pháp - 3

Trụ sở Bộ Tư pháp.

Lần đầu có chức danh Trợ giúp viên pháp lý hạng I và người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân trong toàn quốc .

Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 05/2022 quy định mã số, tiêu chuẩn và xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý. Trong đó, lần đầu có chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng I được ghi nhận trong một văn bản quy phạm pháp luật. Điều này khẳng định vị trí, vai trò, tính chuyên nghiệp của Trợ giúp viên pháp lý trong hệ thống chức danh nghề nghiệp viên chức.

Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật được tổ chức thành công góp phần nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19.

Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 đã tạo "cầu nối" giúp nhà nước và doanh nghiệp "lắng nghe tiếng nói" của nhau; nhằm xác định, nhận diện một số vướng mắc, khó khăn pháp lý liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội. Qua đó đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.