"Thành viên Chính phủ điều hành hiệu quả, tôi sẽ chấm tín nhiệm cao"

Hoài Thu Hoa Lê
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Với các thành viên Chính phủ, bên cạnh dựa vào tiêu chí chung, đại biểu Quốc hội sẽ dựa vào hiệu quả điều hành trong lĩnh vực được phân công, mối quan hệ với nhân dân… để "chấm điểm".

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm và công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm với 44 chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ được thực hiện trong ngày 25/10.

Trước đó hai tuần, bản báo cáo kết quả công việc của những người được lấy phiếu tín nhiệm đã được gửi tới từng đại biểu Quốc hội để nghiên cứu. Báo cáo về kê khai tài sản của 44 chức danh trên, đại biểu Quốc hội cũng đã tiếp cận.

Nhiều tiêu chí để "chấm điểm" lãnh đạo

Trao đổi với phóng viên Dân trí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị), chia sẻ nhiều kỳ vọng về đợt lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ này.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Hồng Phong).

Theo ông Đồng, đây là dịp quan trọng để nhìn lại chặng đường với những khó khăn chưa từng có tiền lệ đã đi qua, cũng là cơ hội để những người giữ vị trí quan trọng trong bộ máy Nhà nước đánh giá lại hiệu quả công việc, để thấy mình đã làm và chưa làm được gì.

Cho biết đã dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu các báo cáo tự đánh giá cũng như bản kê khai tài sản của 44 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm lần này, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận định các báo cáo cơ bản đúng quy định và khá thẳng thắn trong đánh giá.

Tuy nhiên, để việc lấy phiếu tín nhiệm khách quan, trung thực và đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, ông Đồng nhấn mạnh đại biểu Quốc hội cần bám sát các tiêu chí chung, đặc biệt về mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

"Đặc biệt, với các thành viên Chính phủ, quan trọng nhất là hiệu quả trong điều hành các lĩnh vực được phân công; trong mối quan hệ với nhân dân; việc quan tâm hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cũng như cơ chế chính sách cho người dân. Thành viên Chính phủ điều hành hiệu quả, tôi sẽ chấm tín nhiệm cao", vị đại biểu nêu quan điểm.

Với trọng trách của người đại biểu dân cử, ông cho biết sẽ rà soát, đánh giá lại từng ngành, từng lĩnh vực và từng thành viên được lấy phiếu tín nhiệm, để đưa ra lá phiếu công tâm, khách quan nhất.

Bên cạnh đó, ông cho biết đại biểu Quốc hội còn tham khảo, tìm hiểu thông tin qua nhiều kênh khách nhau để có đánh giá chân thực nhất, và báo chí truyền thông cũng là một trong những kênh đó.

Từ việc lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng kỳ vọng những người được lấy phiếu sẽ có thêm động lực để làm tốt hơn trọng trách được phân công, góp phần xây dựng bộ máy Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan Trung ương ngày càng trong sạch và vững mạnh.

Đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông (Ảnh: Quốc hội).

Để chuẩn bị cho đợt lấy phiếu tín nhiệm này, đại biểu Dương Khắc Mai (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) chia sẻ các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản để đưa ra lá phiếu có trách nhiệm và công tâm nhất.

Với danh sách 44 lãnh đạo cấp cao đã được Quốc hội thông qua để lấy phiếu tín nhiệm, ông Mai cho rằng đều thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình với nhiệm vụ được phân công.

Đặc biệt, ông Mai đánh giá cao các thành viên Chính phủ trong nửa đầu nhiệm kỳ đầy khó khăn đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

"Qua nửa nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội, tôi tin gần 500 đại biểu đủ sáng suốt để đánh giá một cách khách quan, toàn diện hiệu quả công việc của những người được lấy phiếu tín nhiệm, trong các lĩnh vực hoạt động được giao", theo lời ông Mai.

Trong đánh giá trước khi thể hiện chính kiến trên từng lá phiếu, ông Mai nhấn mạnh cần xem xét một cách toàn diện, cả yếu tố khách quan và chủ quan.

Giám sát sau lấy phiếu tín nhiệm

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Ảnh: Quốc hội).

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục), cho biết kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ là căn cứ để từng chức danh nhìn nhận lại những ưu điểm, hạn chế của mình, nỗ lực phát huy thành tích hoặc khắc phục nhược điểm trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

Để hoạt động này đạt hiệu quả cao, bà Nga nhấn mạnh các đại biểu phải theo dõi, giám sát rất sát sao hoạt động của từng lãnh đạo trong từng ngành, từng lĩnh vực sau lấy phiếu tín nhiệm.

Theo nữ đại biểu, với những cơ chế chặt chẽ đưa ra trong Nghị quyết 96, những người tín nhiệm thấp dứt khoát phải điều chuyển công tác.

"Mỗi đại biểu Quốc hội cần hết sức công tâm, khách quan, trách nhiệm, không nghiêng về bất cứ bên nào khi đánh phiếu đối với mỗi chức danh được lấy phiếu", vị đại biểu nêu quan điểm.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) ghi nhận nhiều điểm mới liên quan việc lấy phiếu tín nhiệm. Và điều này được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết 96 của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá việc lấy phiếu tín nhiệm lần này có những điểm mới (Ảnh: Quốc hội).

Nghị quyết 96 nêu rõ "Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp, cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định".

Hoặc "Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm".

Theo ông Trí, đây là điểm khác biệt so với những lần lấy phiếu tín nhiệm trước.

Vị đại biểu cũng đánh giá cao công tác chuẩn bị kỹ lưỡng của việc lấy phiếu tín nhiệm. Ông cho biết các đại biểu Quốc hội đã nhận được thông tin chính thức của 44 lãnh đạo được lấy phiếu tín nhiệm từ 2 tuần trước. Việc này giúp đại biểu có đủ thời gian nghiên cứu, xem xét và đánh giá trước khi thể hiện quan điểm qua lá phiếu.