DNews

Sẽ đưa kỹ năng "lái xe trên cao tốc chưa đạt chuẩn" vào giáo trình đào tạo

Ngọc Tân

(Dân trí) - Sau nhiều vụ tai nạn thảm khốc, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu chú trọng đào tạo lái xe trên cao tốc, đặc biệt là các tuyến cao tốc chưa đạt chuẩn.

Sẽ đưa kỹ năng "lái xe trên cao tốc chưa đạt chuẩn" vào giáo trình đào tạo

Trong cuộc họp mới đây với Cục CSGT và Ủy ban ATGT Quốc gia, Cục Đường bộ Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp để nâng cao ý thức, kỹ năng lái xe an toàn cho tài xế.

Nâng cao năng lực người lái

Theo đó, dù trong giáo trình đã có phần đào tạo lái xe trên cao tốc, Cục Đường bộ đề xuất các Sở GTVT chú trọng, tập trung hơn vào phần kiến thức này khi tổ chức đào tạo lái xe.

Đồng thời, Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái cần cập nhật chương trình đào tạo lái xe trên các tuyến cao tốc phân kỳ vào giáo trình giảng dạy.

Sẽ đưa kỹ năng lái xe trên cao tốc chưa đạt chuẩn vào giáo trình đào tạo - 1

Một vị trí "bóp làn" trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn nếu tài xế không chú ý quan sát (Ảnh: Vi Thảo).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Cục Đường bộ cho biết chỉ đạo này của Cục nhằm tăng cường kỹ năng, kinh nghiệm cho học viên khi lái xe trên những tuyến cao tốc chưa được đầu tư đầy đủ (mặt đường hẹp, thiếu dải phân cách cứng, thiếu làn khẩn cấp).

Sau vụ việc tài xế xe tải dừng đỗ trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn không bật đèn cảnh báo, dẫn đến tai nạn, Cục Đường bộ cũng đề nghị Cục CSGT quan tâm kiểm tra các thiết bị cảnh báo khi xảy ra sự cố có được trang bị trên xe hay không.

Cục Đường bộ giao Phòng Pháp chế - Thanh tra nghiên cứu các quy định về chế tài xử phạt đối với trường hợp tài xế không mang thiết bị cảnh báo theo xe để sử dụng trong trường hợp xảy ra sự cố phải dừng đỗ giữa đường.

Thiết bị cảnh báo được Cục CSGT khuyến cáo gồm đèn hazard (gắn theo xe), tam giác phản quang, cọc tiêu hình nón để cảnh báo từ xa. 

Sẽ đưa kỹ năng lái xe trên cao tốc chưa đạt chuẩn vào giáo trình đào tạo - 2

CSGT hướng dẫn tài xế đặt cảnh báo trong trường hợp xe gặp sự cố (Ảnh: Cục CSGT).

Một vấn đề cũng được Cục Đường bộ quan tâm là hiệu quả của hệ thống giám sát hành trình gắn trên xe kinh doanh vận tải. Thực tế trong 2 vụ tai nạn thảm khốc trên quốc lộ 2 qua Lạng Sơn và cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Cục Đường bộ không ghi nhận được dữ liệu về tốc độ của các phương tiện gây tai nạn.

Hiện nay, hệ thống dữ liệu giám sát hành trình chưa được Cục Đường bộ đầu tư. Công ty CP Hanel (một doanh nghiệp tư nhân) đang hỗ trợ duy trì hoạt động. Để phát huy hiệu quả của hệ thống, Cục Đường bộ giao Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái phối hợp với Cục CSGT, Công ty CP Hanel nghiên cứu nâng cấp phần mềm, hoàn thành trong tháng 3.

Cục đề nghị Công ty CP Hanel chia sẻ khó khăn về nguồn vốn; đồng thời tiếp tục hỗ trợ duy trì hệ thống để không bị gián đoạn, sử dụng được thông suốt.

Giám sát và xử phạt

Trong 2 năm trở lại đây, cơ quan chức năng đã vào cuộc mạnh mẽ để ngăn chặn các nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Để người lái chất lượng hơn, một cuộc thanh tra toàn diện đã được triển khai với ngành đào tạo, sát hạch lái xe. CSGT cũng đã mở ra "chiến dịch" xử phạt nồng độ cồn với mức độ cương quyết chưa từng có.

Tình huống xe con vượt ẩu trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Tuy nhiên, những vụ tai nạn thảm khốc vẫn xảy ra với điểm chung: tài xế không có nồng độ cồn, không dùng ma túy, phương tiện vẫn còn hạn đăng kiểm. Nguyên nhân tai nạn chỉ là một khoảnh khắc "không chú ý quan sát", "không giữ khoảng cách an toàn", "vượt ẩu".

Điều này làm dấy lên nỗi trăn trở không chỉ cho cơ quan quản lý mà cả hệ thống truyền thông? Chúng ta đã bỏ lỡ điều gì? Phải chăng trong lúc chú tâm vào việc đấu tranh với nồng độ cồn và các điều kiện an toàn, các giải pháp giám sát tài xế, đảm bảo kỷ luật giao thông chưa được coi trọng?

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng việc xử lý nồng độ cồn sẽ mang lại hiệu quả trong khu vực đô thị nhiều hơn là các tuyến đường liên tỉnh. Hành vi uống rượu bia rồi cầm lái cũng chủ yếu xảy ra ở khu vực nội thành.

Trong khi đó, rủi ro trên các tuyến quốc lộ, cao tốc thường đến từ việc các tài xế kinh doanh vận tải chạy ẩu để đạt doanh số, hoặc các tài xế non kinh nghiệm, "mù luật lệ".

"Số lượng km cao tốc tăng lên nhưng ý thức lái xe kém thì số vụ tai nạn giao thông sẽ còn tăng chứ không dễ gì mà nói là kéo giảm được tai nạn", TS Phan Lê Bình nhận định.

Ngày 13/3, camera hành trình của xe tải đã ghi lại tình huống vượt ẩu "thót tim" trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Pha vượt ẩu này tương tự tình huống xe con vượt ẩu khiến 3 người thiệt mạng hôm 18/2. Cục CSGT đã lập tức xác minh và xử phạt, tước bằng lái tài xế trong clip.

Chứng kiến loạt tai nạn thảm khốc vừa xảy ra trên cao tốc, TS Phan Lê Bình giữ quan điểm: "Lỗi không phải ở con đường, lỗi là ở người lái". Ông nhấn mạnh tài xế Việt Nam đang rất thiếu ý thức an toàn khi lái xe và cần những biện pháp răn đe, xử phạt mạnh hơn để chấm dứt tình trạng này.