Nước biển dâng sẽ nuốt hàng trăm nghìn ha rừng

(Dân trí) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) sẽ tác động rất nặng nề đến lâm nghiệp Việt Nam. Dự báo hàng trăm nghìn hecta rừng đặc dụng ở nước ta sẽ biến mất do nước biển dâng.

Cục Lâm nghiệp dự báo, tại VN nếu nước biển dâng 1m sẽ có 250.000ha rừng ngập mặn hiện tại bị mất, các khu dự trữ sinh quyển và rừng đặc dụng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Như tại Đồng bằng sông Cửu Long, hiện tượng nước biển dâng sẽ làm 1/3 diện tích bị ngập làm giảm đáng kể diện tích rừng ngập mặn ven biển, tác động xấu đến hệ sinh thái rừng tràm và rừng trồng trên đất nhiễm phèn.

BĐKH còn gây hạn hán làm giảm năng suất và diện tích cây trồng dẫn tới nhu cầu chuyển đổi rừng sang sản xuất nông nghiệp và khai thác thủy sản tăng cũng như nhu cầu di cư lên vùng cao, làm gia tăng nạn phá rừng…

Trong khi đó, hiện tỷ lệ che phủ của rừng VN mới đạt 38%, so với năm 1943 vẫn thấp hơn 5%, chất lượng rừng vẫn đang bị suy giảm. Đến nay cả nước chỉ còn 9% rừng giàu, 58% diện tích là rừng nghèo, 80% nguyên liệu gỗ để chế biến lâm sản phải nhập khẩu

Cũng theo dự báo từ Cục Lâm nghiệp, trong điều kiện BĐKH xảy ra như kịch bản (vào giữa thế kỷ 21 mực nước biển có thể dâng thêm 28-33cm, đến cuối thế kỷ 21 mực nước biển dâng thêm từ 65-100cm so với thời kỳ 1980-1999)A, thì cả 3 loại rừng gồm rừng khộp, rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và rừng kín rụng lá ẩm nhiệt đới đều bị suy giảm về diện tích và thay đổi phân bố. Rừng khộp sẽ không còn là vùng đặc hữu ở Tây Nguyên mà di chuyển sang vùng sinh thái khác. Đối với rừng trồng, khu vực phân bố của lát hoa sẽ thu hẹp dần, dịch chuyển từ Tây Bắc, giáp Thanh Hóa lên phía Bắc và cuối cùng tập trung tại cao nguyên Đồng Văn. Diện tích thông nhựa ở miền Trung - Tây Nguyên giảm dần và dịch chuyển lên phía Bắc…

Hiện nay, Chương trình Phát triển và Quản lý rừng bền vững trong Chiến lược Lâm nghiệp Quốc gia, từ nay đến năm 2020 được coi là chương trình trọng tâm với mục tiêu bảo vệ 16,24 triệu ha đất có rừng (8 triệu ha rừng sản xuất, 5,68 triệu ha rừng phòng hộ, 2,16 triệu ha rừng đặc dụng), sản lượng gỗ khai thác đạt 20 - 24 triệu m3/năm, với 30% diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững vào 2020.           

P. Thanh