Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Trường Sa

Đặng Dương

(Dân trí) - Nằm ở đảo Trường Sa thuộc quần đảo Trường Sa, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi năm đón hàng ngàn lượt du khách thập phương đến thăm viếng.

Uy nghi giữa biển khơi

Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp đến thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Dưới tán phi lao và bàng vuông, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nổi bật với mái ngói đỏ tươi, uy nghi giữa một vùng đảo lớn.

Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Trường Sa - 1

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trường Sa (Ảnh: Đặng Dương).

Được khánh thành năm 2010, đúng dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi ghé thăm của tất cả các đoàn khách khi tới đảo Trường Sa. Đây chính là điểm tựa tinh thần vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ; đồng thời là địa chỉ đỏ để giáo dục lý tưởng cách mạng và truyền thống cho nhân dân trên đảo.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh có diện tích gần 800m2, xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống. Nổi bật là mái ngói đỏ, mái chìa uốn cong mềm mại, cách điệu tạo hình sóng biển.

Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Trường Sa - 2

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh có diện tích gần 800m2 (Ảnh: Đặng Dương).

Bên trong Nhà tưởng niệm, tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trang trọng giữa gian chính. Bức tường phía sau in câu nói bất hủ của Người: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".

Cạnh đó, lời Bác căn dặn năm 1954 cũng được thiết kế như câu đối nằm ngay chính gian giữa: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Trong nhà tưởng niệm hiện đang lưu giữ những hình ảnh lịch sử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Tàu đô đốc Latútsơ Tơrêvin, Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, cuốn Đường Kách Mệnh, Bác Hồ với lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam…

Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Trường Sa - 3

Tượng Bác được đặt ngay chính gian giữa, đằng sau có câu hỏi bất hủ của Người: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" (Ảnh: Đặng Dương).

Đặc biệt, gian trưng bày Bác Hồ với bộ đội hải quân hiện đang lưu lại những hình ảnh quý giá như Bộ đội tặng bông hoa san hô tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác Hồ đội mũ hải quân... Đây là những tư liệu về chủ đề Bác Hồ với chủ quyền biển đảo, tạo không khí gần gũi, ấm cúng với những vị khách được đến thăm.

Thượng tá Nguyễn Công Chính, Chính trị viên đảo Trường Sa thông tin, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An đóng góp kinh phí trùng tu, xây dựng vào năm 2009. Đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho quân và dân đang sinh sống, công tác trên đảo.

"Mỗi năm, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đón khoảng 4.000 lượt người đến thăm viếng, dâng hương báo công. Không chỉ có cán bộ, chiến sĩ trên đảo, rất nhiều ngư dân đánh bắt cá trong khu vực cũng thường xuyên đến thăm nhà tưởng niệm, từ đó nhận thức sâu sắc hơn về việc bảo vệ chủ quyền, biển đảo", thượng tá Nguyễn Công Chính cho hay.

Nơi để tìm hiểu về Bác

Vào những ngày trọng đại như Quốc khánh, sinh nhật Bác hay mỗi dịp lễ, Tết, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa lại tề tựu về Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Trường Sa - 4

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi ghé thăm của nhiều đoàn khách (Ảnh: Đặng Dương).

Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, một trong số các hộ dân sinh sống ở đảo Trường Sa, cho biết, qua những hình ảnh, những tư liệu, trẻ em trên đảo được tìm hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác. Đó chính là những bài học lịch sử, bồi đắp thêm tình yêu nước, tình yêu dân tộc cho những đứa trẻ Trường Sa.

"Gần 5 năm qua, kể từ khi đến đảo sinh sống, những ngày kỷ niệm hoặc sự kiện quan trọng của đảo, chúng tôi đều chuẩn bị một phần lễ giản dị để đặt lên bàn thờ Bác. Đây là tình cảm, là trách nhiệm, tấm lòng của người dân Trường Sa chúng tôi với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc", chị Dung chia sẻ.

Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Trường Sa - 5

Những hình ảnh, tư liệu về Bác được trưng bày tại nhà tưởng niệm (Ảnh: Đặng Dương).

Chị Trần Thị Kim Liên, người dân ở đảo, cho biết thêm, do khoảng cách địa lý nên gia đình chị chưa có cơ hội được về thăm quê Bác hoặc vào viếng lăng Bác, nhưng qua những hiện vật được trưng bày tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, chị và người dân trên đảo đã phần nào hiểu được về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Hình ảnh Bác Hồ đã in đậm trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam. Đó là hình ảnh thiêng liêng, cao đẹp và tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi yên tâm sinh sống tại đảo, góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Hiện nay, không gian của Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng, bài trí rất đẹp, ấm áp, an lành, nên hàng ngày những đứa trẻ trên đảo rất hay đến đây để học tập, vui chơi", chị Liên nói.

Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Trường Sa - 6

Bên ngoài khu nhà tưởng niệm còn có bản "Tuyên ngôn độc lập" đầu tiên của Việt Nam (Ảnh: Đặng Dương).

Theo Thượng tá Nguyễn Công Chính, giữa muôn vàn sóng gió của trùng khơi, để xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự nỗ lực của đồng bào và các cấp chính quyền.

"Khắc ghi lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở đảo luôn vững vàng trước biển cả và bão gió, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương", Thượng tá Chính nói.